Dòng sự kiện:
Kế hoạch khôi phục đường bay quốc tế có nguy cơ gián đoạn
29/12/2021 08:42:46
Sự xuất hiện ca nhiễm Omicron đầu tiên ở Việt Nam và việc Hà Nội yêu cầu người nhập cảnh phải cách ly tập trung khiến mục tiêu khôi phục đường bay quốc tế có thể phải lùi lại.

Chỉ còn 4 ngày nữa là tới thời điểm khôi phục đường bay quốc tế đến Việt Nam. Trong số 9 đường bay quốc tế dự kiến mở lại từ 1/1/2022, mới chỉ có 2 đường bay đến Mỹ và Nhật Bản được hoàn tất đàm phán và bắt đầu mở bán vé. Bảy đường bay còn lại vẫn chưa đàm phán xong.

Trong lúc việc đàm phán để nối lại đường bay với các nước còn gặp khó khăn, Việt Nam nhận thông tin về ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên được phát hiện tại Hà Nội.

Chính sách của địa phương tạo ra trở ngại

Sáng 28/12, nhà chức trách đã công bố ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên tại Việt Nam. Bệnh nhân này từ Anh nhập cảnh về Hà Nội ngày 19/12, được cách ly tập trung tại Bệnh viện Quân y 108 ngay sau khi nhập cảnh.

Trước đó một ngày, UBND TP Hà Nội đã ra văn bản yêu cầu hành khách đến từ quốc gia ghi nhận biến chủng Omicron phải cách ly tập trung, bất kể đã tiêm vaccine hoặc đã mắc Covid-19 trước đó. Đây được coi là biện pháp khắt khe hơn so với hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong văn bản hướng dẫn có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, bộ này chỉ yêu cầu người nhập cảnh tiêm đủ liều vaccine phải theo dõi sức khỏe tại nhà 3 ngày.

Tại TP.HCM, cơ quan y tế địa phương yêu cầu các hãng hàng không cung cấp danh sách người nhập cảnh theo từng chuyến bay cho bộ phận kiểm dịch y tế quốc tế tại cửa khẩu ít nhất 24h trước khi nhập cảnh, có đủ thông tin địa chỉ nơi cư trú, lưu trú tại Việt Nam để chuyển về địa phương chuẩn bị cho việc tiếp nhận, giám sát người nhập cảnh theo quy định.

Chính sách mới của TP Hà Nội gây khó khăn cho việc đàm phán mở lại đường bay quốc tế. Ảnh minh họa: Việt Linh.

Việc ca nhiễm biến chủng Omicron xâm nhập vào Việt Nam nhưng được cách ly kịp thời cho thấy các địa phương có lý do để "khắt khe" trong việc quản lý, cách ly tập trung bắt buộc với người về từ nước có biến chủng Omicron. Tuy nhiên, đối với kế hoạch mở lại đường bay quốc tế của Bộ GTVT, chính sách của địa phương đang tạo ra trở ngại.

Trong báo cáo gửi Bộ GTVT, Cục Hàng không cho biết quy định mới của TP Hà Nội không phù hợp với hướng dẫn quản lý người nhập cảnh của Bộ Y tế, khác biệt với các nội dung đã được Cục Hàng không thông báo với các đối tác. Quy định mới này khiến cục phải trao đổi lại với toàn bộ các quốc gia/vùng lãnh thổ, ảnh hưởng tới kế hoạch khôi phục hoạt động bay quốc tế thường lệ đến Hà Nội.

Đối với yêu cầu của Sở Y tế TP.HCM, Cục Hàng không cũng cho rằng yêu cầu này sẽ gây khó khăn và không khả thi trong việc triển khai kế hoạch khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ.

Theo kế hoạch khôi phục đường bay quốc tế, giai đoạn 1 từ 1/1/2022, Việt Nam sẽ mở 9 đường bay tới Bắc Kinh/Quảng Châu, Tokyo, Seoul, Đài Bắc, Bangkok, Singapore, Vientiane, Phnom Penh, San Francisco/Los Angeles. Theo báo cáo của Cục Hàng không, tất cả điểm đến trên đều đã ghi nhận biến chủng Omicron. Nếu áp quy định của Hà Nội, các đường bay quốc tế sẽ không thể vận hành theo tiêu chí hạn chế cách ly, thích ứng an toàn.

Trao đổi với Zing, đại diện Bộ GTVT cho biết việc đàm phán nối đường bay quốc tế vẫn đang gặp khó khăn do chưa thể thống nhất với nhiều quốc gia. Theo nguyên tắc đối đẳng trong đàm phán, phía Việt Nam phải ứng xử với công dân nước bạn nhập cảnh tương tự như phía nước bạn ứng xử với công dân Việt Nam. Nếu nước bạn không yêu cầu cách ly khách đến từ Việt Nam thì phía Việt Nam cũng phải có chính sách tương tự.

Mặc dù trước đó Bộ GTVT đã được Phó thủ tướng trao quyền quyết định việc nối lại đường bay thương mại quốc tế thường lệ, đại diện bộ này cho biết những diễn biến mới của dịch bệnh và chính sách của địa phương khiến cho bộ khó có khả năng tự quyết. "Cần có thêm hướng dẫn từ phía Bộ Y tế, thậm chí phải báo cáo lên Chính phủ", vị này cho biết.

Trong bối cảnh chỉ còn 4 ngày nữa là đến thời điểm khôi phục đường bay quốc tế, đại diện hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết Cục Hàng không mới cấp slot cho 2 đường bay đến Nhật Bản và Mỹ. Hãng đã bắt đầu mở bán vé với 2 đường bay này. Bảy đường bay còn lại vẫn chưa thể bán vé do chưa hoàn tất đàm phán với quốc gia sở tại.

Cần ưu tiên người Việt hồi hương

Trao đổi với Zing, TS Lương Hoài Nam, chuyên gia hàng không, nhận định chính sách "dựng hàng rào" ngăn Omicron của TP Hà Nội đang gây xôn xao trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, đồng thời có nguy cơ trở thành xu thế lan từ địa phương này sang địa phương khác, gây cản trở việc đón người Việt hồi hương.

"Nếu Hà Nội yêu cầu cách ly tập trung người về từ nước có Omicron, mỗi ngày sẽ vẫn có hàng trăm người Việt hồi hương bằng cách bay về Campuchia rồi nhập cảnh qua cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh. Hà Nội chặn nhưng Campuchia không chặn, Tây Ninh không chặn, như vậy rất buồn cười", TS Lương Hoài Nam bày tỏ lo ngại.

TS Lương Hoài Nam kiến nghị xét nghiệm nhanh cho hành khách ngay khi nhập cảnh vào Việt Nam. Ảnh minh họa: Việt Linh.

Chuyên gia hàng không nhận định biến chủng Omicron vẫn còn gây tranh cãi trên thế giới nên Việt Nam cũng cần thận trọng. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy Việt Nam từng rất khắt khe trong việc ngăn chặn biến chủng delta nhưng biến chủng này vẫn xâm nhập. Nhiều quốc gia cũng rất khắt khe nhưng vẫn không ngăn được Omicron. Các chuyên gia y tế tại Việt Nam đánh giá việc ngăn chặn Omicron xâm nhập là mục tiêu bất khả thi.

"Trong tình huống này, việc khôi phục đường bay quốc tế cần phân rõ các đối tượng hành khách khác nhau để xử lý cho mạch lạc. Khi Tết Nguyên đán đã cận kề, đối tượng hành khách cần ưu tiên hàng đầu là bà con người Việt có nguyện vọng hồi hương đón Tết. Trong đó có những người đã phải chịu tổn thương, ly tán gia đình suốt 2 năm dịch bệnh", TS Lương Hoàng Nam chia sẻ.

Thời gian qua, do đường bay quốc tế chưa mở lại, người Việt ở nước ngoài bất đắc dĩ phải lựa chọn các chuyến bay giải cứu hoặc chuyến bay combo của hãng hàng không Việt Nam với giá vé đắt đỏ, lên đến 80-150 triệu đồng với chặng bay từ châu Âu/Mỹ về Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, nhiều chuyến bay của Singapore Airlines, Turkish Airlines vẫn đáp xuống Nội Bài, Tân Sơn Nhất. Mỗi chuyến chỉ chở vài chục hành khách là người có giấy phép nhập cảnh. Với cơ chế hiện tại, hãng bay nước ngoài không thể vận chuyển hành khách Việt Nam hồi hương.

"Nên tạo điều kiện cho kiều bào về nước trên các chuyến bay của hãng nước ngoài. Khi về đến sân bay Việt Nam thì test Covid-19 ngay tại sân bay và theo dõi sức khỏe tại nhà 3 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế", ông Nam nói và cho biết cách làm này vừa đảm bảo ngăn chặn biến chủng Omicron, vừa giúp hạ giá vé trên những chặng bay quốc tế.

Đối tượng ưu tiên thứ 2 sau kiều bào là những người nước ngoài có nhu cầu đến Việt Nam ngắn ngày để đầu tư kinh doanh. Để đảm bảo giao thương, phát triển kinh tế giữa Việt Nam với các nước, ông Nam cho rằng Chính phủ cũng nên tạo điều kiện ưu tiên cho đối tượng này tương đương với người Việt hồi hương.

Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao gửi Thủ tướng ngày 23/12, nhu cầu về nước của người Việt Nam ở nước ngoài còn rất lớn, ước tính hơn 140.000 người.

Nhằm đáp ứng nhu cầu hành khách, tránh các bức xúc có thể xảy ra do tải cung ứng quá hạn chế, các hãng hàng không đã kiến nghị bổ sung thêm tần suất đối với một số thị trường có dung lượng lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan để hành khách có thêm cơ hội lựa chọn các mức giá hợp lý hơn.

Trong điều kiện kiều bào ở châu Âu và Australia rất mong muốn có chuyến bay thẳng để về Việt Nam ăn Tết, Cục Hàng không Việt Nam đã kiến nghị Bộ GTVT cho phép Cục tiếp tục đàm phán với các đối tác để triển khai ngay kế hoạch chở khách vào Việt Nam từ Pháp, Đức, Nga và Australia với tần suất 7 chuyến/tuần đối với mỗi thị trường.

Tác giả: Ngọc Tân

Theo: Zing.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến