Dòng sự kiện:
Kế hoạch ngân hàng 2019: Mục tiêu chính là tăng vốn?
17/04/2019 15:08:09
Mùa ĐHĐCĐ là lúc các DN rộn ràng lên kế hoạch, chiến lược kinh doanh cho năm 2019 và tất nhiên các NH cũng vậy. Ngoài những chỉ tiêu doanh thu lợi nhuận, các nhà băng đều lên phương án tăng vốn.

Mới chỉ VIB, NamABank, Kienlongbank (KLB), Techcombank (TCB) và SCB là 5 nhà băng đã tổ chức ĐHĐCĐ 2019. Vào ngày 23/03/2019 vừa qua, ĐHĐCĐ NamABank nhất trí kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 8% so với kết quả 2018, tương ứng dự kiến là 800 tỷ đồng.

Trong khi đó, tại ĐHĐCĐ VIB, cổ đông cũng đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2019 của ngân hàng với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế là 3,400 tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước. Mặc dù lợi nhuận trước thuế đạt 2,743 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2017 và đạt 137% kế hoạch ĐHĐCĐ VIB giao, thế nhưng kế hoạch tăng trưởng 24% so với kế hoạch tăng 43% của năm 2018 vẫn là một con số cẩn trọng.

KLB lại đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế suýt soát kết quả 2018, chỉ có 306 tỷ đồng, tức chỉ tăng 2% so với lãi trước thuế 2018. TCB đặt mục tiêu tăng trưởng thêm 10% lãi trước thuế, đặt mục tiêu 11,750 tỷ đồng.

Còn SCB lại đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2019 đạt 273 tỷ đồng, tăng hơn 19% so với năm 2018.

Kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 2019 của một số ngân hàng (Đvt: %)

Nguồn: VietstockFinance

Đối với các nhà băng đã công bố tài liệu ĐHĐCĐ 2019, con số kế hoạch tăng trưởng cũng đều thấp hơn kế hoạch năm trước rất nhiều. Thế nhưng so với kết quả năm 2018, các kế hoạch đưa ra đều có mức tăng trưởng. Chẳng hạn như SGB (+230%) dự kiến 175 tỷ đồng, SeABank (+115%) mục tiêu 818 tỷ đồng, TPBank (TPB, +42%) đề ra chỉ tiêu 3,200 tỷ đồng…

Kế hoạch tăng vốn ở hầu hết các ngân hàng

Ở một khía cạnh khác, đáng chú ý là kế hoạch tăng vốn được hầu hết các nhà băng đề ra trong kế hoạch 2019 của mình. Thời hạn áp dụng Thông 41/2016/TT-NHNN đang dần rút ngắn, do đó các nhà băng tăng tốc nâng vốn điều lệ là điều dễ hiểu khi trong năm 2018, nhiều nhà băng chưa hoàn thành được kế hoạch này.

Trường hợp của TCB, trong năm 2018 nhà băng này đã tăng đến 41% vốn điều lệ so với năm trước từ mức 11,655 tỷ đồng lên 347,966 tỷ đồng, thế nhưng ngân hàng này vẫn tiếp tục kế hoạch tăng vốn trong năm 2019. Theo đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2019 mới đây, cổ đông TCB thông qua phương án tăng thêm tối đa 100 tỷ đồng vốn điều lệ, nâng vốn điều lệ dự kiến tối đa lên gần 35,066 tỷ đồng. 10 triệu cổ phần phổ thông này được dự kiến phát hành cho nhân viên, người lao động tại TCB theo chương trình ESOP trong quý 2/2019 hoặc quý 3/2019.

SeABank cũng sẽ trình ĐHĐCĐ 2019 xem xét thông qua tờ trình tăng vốn điều lệ từ 7,688 tỷ đồng lên 9,019 tỷ đồng dự kiến thông qua phát hành cổ phần phổ thông với mệnh giá 10,000 đồng/cp theo 1 trong 3 hoặc cả 3 hình thức. Thứ nhất, phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ sở hữu của các cổ đông tại thời điểm phát hành. Thứ hai là phát hành ra công chúng cho các cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ sở hữu của các cổ đông tại thời điểm phát hành. Thứ ba là phát hành riêng lẻ cho các cá nhân, tổ chức đủ điều kiện trở thành cổ đông của SeABank theo quy định tại thời điểm phát hành cổ phiếu.

ACB dự kiến thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ năm 2019 từ chia cổ tức bằng phát hành hơn 374 triệu cổ phiếu phổ thông cho cổ đông hiện hữu từ nguồn lợi nhuận giữ lại sau khi phân phối lợi nhuận năm 2018 với mệnh giá 10,000 đồng/cp, tỷ lệ thực hiện quyền là 30%. Dự kiến sau khi phát hành, vốn điều lệ của ACB sẽ đạt hơn 16,627 tỷ đồng.

Năm 2019, SCB cũng đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ từ 3,000 – 5,000 tỷ đồng bằng phương thức chào bán 500 triệu cp riêng lẻ với mệnh giá 10,000 đồng/cp cho cổ đông hiện hữu sở hữu từ 0.5% vốn điều lệ trở lên, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Như vậy, tổng giá trị dự kiến thu được từ đợt chào bán này khoảng 5,000 tỷ đồng. Thời gian dự kiến phát hành trong quý 2/2019 hoặc quý 3/2019

Còn TPBank cũng dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ trong năm 2019 từ 8,566 tỷ đồng của hiện tại lên 10,070 tỷ đồng, tăng tương đương 18%.

Kế hoạch tăng trưởng huy động vốn năm 2019 của một số ngân hàng (Đvt; Tỷ đồng, %)

Nguồn: VietstockFinance

Theo số liệu mới nhất thống kê từ NHNN, trong quý 1/2019, tổng tài sản của toàn hệ thống tăng 0.57%, vốn điều lệ tăng 0.16%, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đạt 11.57%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn đạt 28.77%.

Tính đến nay, mới chỉ có TPBank công bố kết quả kinh doanh quý 1 với kết quả khả quan, VietinBank cũng cho biết quý 1/2019 kết quả tăng trưởng tốt nhưng lại chưa có con số cụ thể. Còn nhiều ngân hàng chưa công bố tài liệu cũng như thời gian tổ chức ĐHĐCĐ. Cùng chờ đợi đến cuối mùa Đại hội, nhà băng nào sẽ có kế hoạch kinh doanh vượt bậc hay dè chừng?

Theo FILI

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến