Kế hoạch tăng VĐL lên 9.000 tỷ đồng của LienVietPostBank: Cái khó bó cái khôn
02/04/2015 17:28:46
ANTT.VN – LienVietPostBank đã đặt ra kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 9.000 tỷ đồng trong năm 2015. Nhưng mong muốn là một chuyện, thực hiện được hay không lại là một nhẽ khác!

Tin liên quan

Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đã đặt ra mục tiêu tăng vốn điều lệ lên 9.000 tỷ đồng trong năm 2015

Kế hoạch hoành tráng…

Tại Đại hội cổ đông diễn ra mới đây của Ngân hàng TMCP Liên Việt – LienVietPostBank (OTC: LPB), các cổ đông đã nhất trí thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 2.540 tỷ đồng.

Theo đó, trong năm 2015, nhà băng này dự kiến chào bán ra công chúng 254 triệu cổ phần LPB với giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phần.

Về giá trị sổ sách, tính đến thời điểm 31/12/2014, giá cổ phiếu LPB được chốt ở mức 11.441 đồng. Tuy nhiên, sau khi vốn điều lệ tăng thêm 2.540 tỷ đồng lên 9.000 tỷ đồng, nhiều khả năng giá cổ phiếu Ngân hàng Bưu điện Liên Việt sẽ bị pha loãng và điều chỉnh giảm.

Theo LienVietPostBank, nguồn vốn tăng thêm sẽ được sử dụng để đầu tư cho việc mở rộng, phát triển hoạt động ngân hàng trên toàn quốc, bao gồm: Mua sắm tài sản cố định, nâng cấp, sửa chữa trụ sở, văn phòng làm việc, mua sắm trang thiết bị; đầu tư mở rộng mạng lưới Chi nhánh và tăng cường đầu tư cho các Phòng Giao dịch Bưu điện trong năm 2015 theo kế hoạch cụ thể do HĐQT phê duyệt; Hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác quản trị ngân hàng và cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng mới; Phát triển dịch vụ và các hoạt động phi tín dụng như đầu tư  cho công nghệ thẻ, ngân hàng điện tử và các dịch vụ khác nhằm nâng cao sức cạnh tranh.

Trên cơ sở giả định kế hoạch tăng vốn lên 9.000 tỷ đồng là thành công, LPB đã cân đối một số chỉ tiêu kinh doanh cơ bản cho năm 2015: Tổng tài sản 135.000 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế 936 tỷ đồng; Dư nợ tín dụng (thị trường 1) 82.000 tỷ đồng; Huy động (thị trường 1) 115.000 tỷ đồng; Tỷ lệ nợ xấu ≤ 3%; Tỷ lệ chi trả cổ tức 8%.

… nhưng liệu có khả thi?

Kế hoạch là vậy, tuy nhiên, mọi chuyện liệu có dễ dàng, đặc biệt phương án đưa ra lại là chào bán ra công chúng?

Trước hết, xét đến bối cảnh thị trường, do áp lực cạnh tranh, mở rộng vốn điều lệ nhu cầu và quyết tâm chung của tất thảy các TCTD.

Thêm vào đó, việc ra đời của Thông tư 36 với những ràng buộc về tỷ lệ an toàn hoạt động như mức cho vay kinh doanh doanh cổ phiếu tối đa, tổng dư nợ cho vay tối đa đối với một khách hàng và nhiều những tỷ lệ giới hạn khác mà trong đó giá trị vốn điều lệ đóng vai trò mẫu số… đã càng thúc đẩy thêm nhu cầu tăng vốn điều lệ vốn đã rất “nóng” trong giới ngân hàng.

Nhưng, mong muốn là một chuyện, khả thi và thành công hay không thì lại là một nhẽ khác. Trở lại một năm về trước, cũng như LienVietPostBank bây giờ, không ít ngân hàng đã đề ra mục tiêu tăng vốn (MBBank, Eximbank, NCB…), nhưng sau một năm nhìn lại, có vẻ mục tiêu thì vẫn chỉ là để… phấn đấu mà thôi.

Điển hình như MBBank – cái tên sáng giá bậc nhất trong khối thương mại cổ phần, tháng 4/2014 đại hội đồng cổ đông của nhà băng này đã đề ra mục tiêu tăng 4.243 tỷ đồng vốn điều lệ trong 2 quý cuối năm để nâng lên thành 15.500 tỷ đồng. Thế nhưng, chốt niên 2014, vốn điều lệ của MB đứng ở 11.594 tỷ đồng, tức là mới chỉ đạt 338 tỷ đồng/4.243 tỷ đồng kế hoạch đề ra. Đối chiếu với phương án tăng vốn, “đoạn đường” 338 tỷ đồng này ứng khớp với “Đợt 1: Tăng vốn điều lệ thêm 337,6875 tỷ đồng thông qua việc phát hành 33.768.750 cổ phiếu để trả cổ tức đợt 2 năm 2013”, còn “Đợt 2: Tăng vốn điều lệ thêm 3.906,0625 tỷ đồng thông qua việc chào bán 390.606.250 cổ phiếu” thì vẫn được “bồng im”.

Như đã nói, trên thị trường, MB là một cái tên đầy uy tín, kết quả kinh doanh cũng “sáng lán” vào diện bậc nhất hệ thống nhưng có vẻ việc tìm kiếm cổ đông chiến lược/đối tác chiến lược trong thời buổi này cũng chẳng dễ dàng gì.

Kế hoạch tăng vốn của Liên Việt chắc chắn sẽ vấp phải không ít trở ngại của thị trường

So sánh với Ngân hàng Quân đội, trên nhiều mặt, LienVietPostBank tỏ ra không có nhiều nổi trội, thậm chí kết quả hoạt động kinh doanh (mối quan tâm lớn nhất đối với mỗi nhà đầu tư) lại “đuối” hơn hẳn. Thêm vào đó, liên quan đến Thông tư 36 (mới chính thức đi vào hiệu lực từ tháng 2/2015), văn bản này quy định mỗi NHTM chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá 2 TCTD khác (trừ trường hợp TCTD khác là công ty con của ngân hàng đó); đồng thời, tỷ lệ nắm giữ phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết. Vô hình chung, Thông tư 36 – một “động lực” (như đã trình bày ở trên) lại hóa ra “trở lực” làm khó chính nhu cầu tăng vốn của các ngân hàng khi nó thu hẹp phạm vi các đối tác tiềm năng (các TCTD khác), đồng thời cũng lại làm cung thêm chật trội (các TCTD khác cũng phải đẩy mạnh chào bán cổ phần).

Chính bản thân LienVietPostBank trong năm 2014 cũng đã đề ra một kế hoạch tăng vốn nhẹ nhưng kết quả vẫn thất bại hoàn toàn. Cụ thể, ngân hàng có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 6.460 tỷ đồng lên 6.647 tỷ đồng dưới hình thức chào bán cổ phần riêng lẻ cho Tổng công ty bưu điện Việt Nam (VNPost) và/hoặc công ty con của VNPost. Số lượng phát hành là 18,7 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên kế hoạch này đã không thực hiện được và hiện giá cổ phiếu LienVietPostBank trên thị trường tự do chỉ dao động quanh mức 7.800 đồng/cổ phiếu.

Nói thế để thấy, về mặt tín hiệu thị trường, quyết định chào bán cổ phần để tăng vốn điều lệ của Liên Việt chắc chắn sẽ phải đối diện với không ít gập ghềnh!

Không phải chuyện dễ!

Ngoài bối cảnh thị trường, cũng cần phải quan tâm đến sức hấp dẫn của cổ phiếu LPB và điều này thì phụ thuộc lớn tỷ suất sinh lời kì vọng của các khối đầu tư.

Năm 2014, LienVietPostBank báo lãi trước thuế 535 tỷ đồng, thua 2013 129 tỷ đồng và chỉ đạt 49% kế hoạch năm.

Việc “lợi nhuận vỡ đôi” này đã làm cho Liên Việt phải “thất hứa” kế hoạch phân phối lợi nhuận với các cổ đông. Cụ thể, thay vì chi trả cổ tức ở mức 10% như đã hứa, nhà băng này chỉ trả 6%. Chắc chắn không ít nhà đầu tư đã phải thất vọng não nề trước quyết định đáng buồn trên.

Căn nguyên của vấn đề này phần lớn đến từ việc tương quan tín dụng đã bị “gẫy gập” khi huy động vốn tăng cao nhưng ngân hàng lại bị “bí kế” giải ngân và phải chấp nhận điều hướng để “đổ” vào chứng khoán (như ANTT.VN đã trình bày trong kỳ trước).

Trong khi hiệu quả kinh doanh không tốt, khả năng kiểm soát chi phí hoạt động của LienVietPostBank cũng là cả một vấn đề. Năm 2014, khoản mục này đã tăng vọt 23% lên 1.351 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, cũng có một yếu tố khác mà các nhà đầu tư cần phải cân nhắc trước khi bỏ vốn vào LienVietPostBank, đó là công tác quản lý rủi ro và xử lý nợ.

Theo số liệu mà nhà băng này công bố, tính đến 31/12/2014, LienVietPostBank đã thực hiện bán tổng số dư nợ xấu là 1.770 tỷ đồng.

Về mặt nguyên tắc, khi bán nợ xấu cho VAMC, ngân hàng sẽ nhận được 1 trái phiếu đặc biệt. Mệnh giá của trái phiếu đặc biệt được phát hành tương ứng với khoản nợ xấu được bán và là số dư nợ gốc của khách hàng vay chưa trả trừ đi số tiền dự phòng cụ thể đã trích lập nhưng chưa sử dụng của khoản nợ xấu đó. Giá trị trái phiếu đặc biệt được ghi nhận vào khoản mục Chứng khoán giữ đến ngày đáo hạn. Trong thời gian nắm giữ Trái phiếu đặc biệt, định kỳ, Ngân hàng tính toán và trích lập dự phòng rủi ro cụ thể hàng năm không thấp hơn 20% mệnh giá trái phiếu đặc biệt.

Với việc “chuyển” 1.770 tỷ đồng nợ xấu sang cho VAMC, giả sử tổng mệnh giá của trái phiếu đặc biệt mà LienVietPostBank nhận được cũng là 1.770 tỷ đồng thì tính sơ sơ mỗi năm LPB sẽ phải “ngắt” ít nhất 354 tỷ đồng lợi nhuận của mình để dành trích lập dự phòng. Điều này, tất nhiên sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới quả kinh doanh của Liên Việt trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, đại chiến lược “thâu tóm thị trường cây tỷ đô - mắc ca” mà ban lãnh đạo LienVietPostBank kỳ vọng cũng đang vấp phải không ít ý kiến trái chiều từ phía dư luận.

Tổng hòa các yếu tố, có vẻ kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 9.000 tỷ đồng của LienVietPostBank trong 2015 sẽ chẳng được dễ dàng!.

Đón đọc kỳ tới…

Ninh Giang

  

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến