Kẻ vui người buồn mùa công bố kết quả kinh doanh
31/10/2016 15:25:30
Giai đoạn đầu của mùa công bố kết quả kinh doanh (KQKD) quí 3 đang diễn ra với không nhiều bất ngờ về tình hình kinh doanh của các nhóm ngành.

Tin liên quan

Doanh nghiệp thép, xây dựng tương đối khả quan

Ba quí đầu năm nay, nhóm doanh nghiệp ngành thép, vật liệu xây dựng có kết quả khá ấn tượng nhờ hưởng lợi từ chính sách chống bán phá giá thép Trung Quốc cũng như đà hồi phục của thị trường bất động sản.

Điển hình là Công ty cổ phần tập đoàn Hòa Phát (HPG) công bố lợi nhuận sau thuế quí 3 đạt 1.600 tỉ đồng, ghi nhận kỷ lục về lợi nhuận theo quí của doanh nghiệp. Nhờ kết quả tích cực này, chín tháng đầu năm 2016, HPG đã hoàn thành 85% kế hoạch doanh thu và 145% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Trong khi đó, Công ty cổ phần tập đoàn Hoa Sen (HSG) cũng không kém cạnh khi lũy kế chín tháng đầu niên độ, công ty đã đạt doanh thu thuần 12.968 tỉ đồng, giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế có mức tăng trưởng nhảy vọt (117%), lên mức 1.053 tỉ đồng. Như vậy qua chín tháng, HSG cũng đã hoàn thành 91% kế hoạch doanh thu và 160% kế hoạch lợi nhuận năm.

Một “ông lớn” trong ngành xây dựng là Coteccons (CTD) cũng đã công bố doanh thu quí 3 đạt 5.317 tỉ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Lũy kế chín tháng, CTD đạt doanh thu 13.462 tỉ đồng - tăng 64%; lợi nhuận sau thuế đạt 961 tỉ đồng - tăng 114% so với cùng kỳ năm trước. Uy tín thương hiệu cùng khả năng thi công các công trình có độ phức tạp cao, đúng thời hạn đã giúp CTD giành được hợp đồng tại các dự án lớn.

Sự hồi phục của thị trường bất động sản rõ ràng đang mang đến rất nhiều thuận lợi cho tình hình kinh doanh của CTD. Tuy nhiên, nhóm các doanh nghiệp xây dựng nhỏ hơn, với những nguyên nhân khác nhau, lại báo cáo KQKD không khả quan như BCE (lỗ 1,8 tỉ đồng), DLR (lỗ 0,15 tỉ đồng), ICG (lỗ 2,14 tỉ đồng), DTA (lỗ 1,6 tỉ đồng)...

Dầu khí chưa hết khó khăn

Với các doanh nghiệp ngành dầu khí, năm 2016 khó có thể có lợi nhuận như giai đoạn 2-3 năm trước do ảnh hưởng của việc sụt giảm giá dầu đã ngấm đến hầu hết các doanh nghiệp trong ngành.

Điển hình nhất là Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) - doanh nghiệp lớn nhất ngành có doanh thu và lợi nhuận gộp quí 3 lần lượt giảm 12,3% và 48,7% so với cùng kỳ. Lũy kế chín tháng, GAS đạt doanh thu hơn 43.546 tỉ đồng, giảm nhẹ 7,4% trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 4.161 tỉ đồng, giảm 46,2% so với cùng kỳ năm trước. Công ty cho biết giá dầu giảm mạnh là nguyên nhân chính dẫn đến việc lợi nhuận trong quí giảm mạnh. Cụ thể, giá dầu trung bình quí 3-2015 là 60 đô la Mỹ/thùng trong khi cùng kỳ năm nay, con số này giảm xuống còn 45 đô la Mỹ/thùng. Ngoài ra, chi phí trong kỳ cũng tăng cao do doanh nghiệp thực hiện bảo dưỡng sửa chữa lớn các công trình khí với tổng chi phí lên tới hơn 366 tỉ đồng.

Đối với Công ty cổ phần Kinh doanh khí miền Nam (PGS), doanh thu thực hiện chín tháng đầu năm ước tính mới đạt 3.015 tỉ đồng, bằng 60% kế hoạch, tuy nhiên lợi nhuận trước thuế của công ty đã đạt 395 tỉ đồng, hoàn thành 96% kế hoạch năm.

Cao su tự nhiên phục hồi

Giá cao su thiên nhiên trên thị trường thế giới sau giai đoạn dài liên tục đi xuống, khiến doanh thu và lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp ngành cao su tự nhiên sụt giảm mạnh thì thời gian gần đây đã có tín hiệu tăng ổn định. Đây là lý do các doanh nghiệp cao su tự nhiên ghi nhận lợi nhuận tốt trong chín tháng đầu năm.

Cụ thể, Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (DPR) công bố kết quả kinh doanh chín tháng với doanh thu đạt 407 tỉ đồng, đạt 75% kế hoạch cả năm; lãi gộp đạt hơn 96 tỉ đồng, vượt 38% chỉ tiêu đề ra. Cao su Thống Nhất (TNC) thậm chí đã vượt 38% mục tiêu lợi nhuận cả năm ngay từ giữa năm. Cao su Phước Hòa (PHR) đạt doanh thu gần 627 tỉ đồng, tương đương 70% kế hoạch và lợi nhuận trước thuế ước đạt 136 tỉ đồng - vượt 8% kế hoạch.

Dù có mức tăng giá tốt trên thị trường chứng khoán những phiên gần đây nhưng thanh khoản thấp hoặc phập phù vẫn là điểm yếu khó thu hút nhà đầu tư của nhóm cổ phiếu cao su tự nhiên.

Tài chính, ngân hàng phân hóa

Trong nhóm các ngân hàng thương mại lớn nhất đang niêm yết trên sàn, tính tới nay mới chỉ có Vietcombank (VCB) công bố KQKD quí 3. Theo báo cáo tài chính của ngân hàng này, tổng dư nợ cho vay tính đến cuối quí 3 đạt 444.462 tỉ đồng, tăng 14,6% so với đầu năm trong khi tiền gửi tăng 14,36%, đạt 573.152 tỉ đồng.

Nợ xấu của VCB tăng thêm 621 tỉ đồng nhưng nhờ dư nợ tăng nhanh nên tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,84% hồi đầu năm xuống còn 1,75%. Lũy kế chín tháng đầu năm, nhờ gia tăng thu nhập lãi thuần cùng lãi từ chứng khoán kinh doanh, lợi nhuận sau thuế của VCB tăng 39,5%, đạt 5.071 tỉ đồng, hoàn thành 84,35% kế hoạch cả năm.

Ở nhóm chứng khoán, nổi bật nhất vẫn là hai cái tên đầu ngành SSI và HSC. Với việc giữ vị trí số 1 trên cả hai sàn HOSE và HNX với thị phần đạt lần lượt là 14,26% và 10,8% trong quí 3, doanh thu từ nghiệp vụ môi giới của SSI tăng 50% so với cùng kỳ, đạt 125,4 tỉ đồng. Lũy kế chín tháng, SSI đạt doanh thu hơn 1.689 tỉ đồng, lợi nhuận kế toán trước thuế đạt 900,7 tỉ đồng. HSC cũng có doanh thu tăng mạnh 50% trong quí vừa qua, lên mức 219 tỉ đồng. Lũy kế chín tháng, HSC đạt hơn 228,7 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 76% kế hoạch năm.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp thuộc tốp sau thì có KQKD không thật sự nổi bật như chứng khoán Bảo Việt (BVS) có doanh thu giảm 12% nhưng lợi nhuận trước thuế vẫn giữ ở mức tương đương so với cùng kỳ. Một số doanh nghiệp thậm chí còn lỗ, như Chứng khoán Phương Đông (ORS), Chứng khoán NN&PTNT (AGR) cùng báo lỗ gần bốn tỉ đồng (trong đó AGR đã lỗ quí thứ 5 liên tiếp) còn Chứng khoán An Phát (APG) lỗ nhẹ 33 triệu đồng. Xu hướng tách tốp trong thị phần môi giới đã và đang khiến KQKD của các công ty chứng khoán ngày càng có sự phân hóa, nhất là giữa hai vị trí dẫn đầu với nhóm còn lại trong ngành.

Theo TBKTSG 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến