Dòng sự kiện:
Kênh bơm tiền qua Kho bạc Nhà nước dư thừa
06/10/2021 18:33:56
Trong tháng 9, Kho bạc Nhà nước chỉ thực hiện được 347,85 tỷ đồng giá trị giao dịch mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ, thấp hơn nhiều so với tháng 7 và 8 trước đó.

Báo cáo kết quả giao dịch mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ tháng 9 của Kho bạc Nhà nước cho biết trong tháng gần nhất, cơ quan này chỉ thực hiện mua được 347,85 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn 1 tháng, lãi suất bình quân là 0,93%/năm.

So với tháng 7 và 8 liền trước, quy mô giao dịch mua này đã giảm xuống rất nhiều cả về khối lượng và kỳ hạn.

Cụ thể, trong tháng 7 - tháng đầu tiên thực hiện nghiệp vụ mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ - Kho bạc Nhà nước đã ghi nhận tổng cộng 843,37 tỷ đồng khối lượng giao dịch, kỳ hạn mua là 2 tuần và lãi suất bình quân 1,28%/năm.

Sang tháng 8, tổng khối lượng giao dịch thực hiện qua nghiệp vụ này của Kho bạc Nhà nước là 694,62 tỷ, với 3 kỳ hạn giao dịch gồm 2 tuần, 3 tuần và 1 tháng, lãi suất bình quân lần lượt là 1,05%/năm; 0,96%/năm và 0,9%/năm.

Như vậy, so với khối lượng giao dịch thành công trong tháng 7 và 8, lượng tiền Kho bạc Nhà nước bơm ra thị trường thông qua hoạt động mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ đã giảm hơn một nửa và là tháng sụt giảm thứ 2 liên tiếp.

Xu hướng này diễn ra trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ngân hàng đang trong trạng thái dôi dư, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức thấp, và Ngân hàng Nhà nước vẫn thực hiện bơm ròng tiền Đồng ra thị trường thông qua kênh đáo hạn ngoại tệ kỳ hạn.

Tính trong cả giai đoạn quý III (tháng 7-9), tổng khối lượng giao dịch mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ bằng nguồn ngân quỹ Nhà nước tạm thời nhàn rỗi chỉ đạt 1.885,84 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với tổng hạn mức dự kiến được sử dụng để thực hiện nghiệp vụ này trong quý là 54.760 tỷ đồng.

Số liệu trên cho thấy thanh khoản của các ngân hàng đang rất tích cực nên nhu cầu bán lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ để huy động tiền Đồng từ Kho bạc Nhà nước trong quý III ở mức rất thấp.

Theo của các chuyên gia phân tích tại SSI Research, việc Kho bạc Nhà nước thực hiện nghiệp vụ mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ đã bổ sung một kênh bơm tiền mới cho thị trường ngoài các kênh bơm tiền thông thường được NHNN thực hiện.

Thanh khoản các ngân hàng dư thừa từ đầu năm là nguyên nhân khiến giá trị giao dịch mua lại có kỳ hạn TPCP của Kho bạc Nhà nước trong quý III ở mức thấp. Ảnh: Nam Khánh.

Dù quy mô kênh bơm tiền này thấp hơn nhiều so với NHNN nhưng trong những giai đoạn các ngân hàng gặp căng thẳng về thanh khoản, đây sẽ là kênh bơm tiền trực tiếp hỗ trợ hệ thống ngân hàng.

Theo Kho bạc Nhà nước, quy mô mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ sẽ được công bố cụ thể từng phiên, nhưng theo quy định, hạn mức tối đa sử dụng ngân quỹ Nhà nước tạm thời nhàn rỗi để thực hiện nghiệp vụ này là 10% mức tồn ngân quỹ ước tính trong quý. Số này có thể lên tới vài chục tỷ đồng.

Như trong quý III, tổng hạn mức sử dụng ngân quỹ Nhà nước tạm thời nhàn rỗi để mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ lên tới 54.760 tỷ đồng.

Tuy vậy, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng ngân hàng suy giảm từ đầu tháng 9 do tác động của dịch Covid-19, trong khi thanh khoản hệ thống vẫn duy trì trạng thái dư thừa, kênh bơm tiền qua Kho bạc Nhà nước này được dự báo tiếp tục duy trì ở mức thấp trong thời gian tới.

Thậm chí, SSI Research cho biết trong tuần này, một lượng tiền Đồng sẽ được NHNN bơm ra ngoài thị trường thông qua các hợp đồng mua ngoại tệ kỳ hạn đáo hạn. Do đó, trường hợp cơ quan quản lý tiếp tục không thực hiện giao dịch mới trên thị trường mở thì thanh khoản trên hệ thống ngân hàng sẽ ghi nhận trạng thái dồi dào hơn.

Tác giả: Quang Thắng

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến