Dòng sự kiện:
Kéo dài lộ trình thực hiện niên hạn đầu máy, toa xe từ 2 - 5 năm
11/01/2022 19:40:42
Theo quy định mới được Chính phủ ban hành, lộ trình thực hiện niên hạn phương tiện đường sắt đã được kéo dài thêm từ 2 – 5 năm.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 01/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 65/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt.

Theo đó, không áp dụng quy định về niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt đối với việc thực hiện cứu hộ cứu nạn; dồn dịch trong ga, cảng, trong đề-pô, trong nội bộ nhà máy; điều chuyển giữa các ga, các đề-pô; các đầu máy hơi nước kéo đoàn tàu du lịch; toa xe mặt võng chuyên vận tải phục vụ an ninh, quốc phòng và các loại phương tiện chuyên dùng di chuyển trên đường sắt.

Hiện quy định niên hạn sử dụng đối với đầu máy, toa xe chở khách chạy trên chính tuyến của đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng, đường sắt đô thị là không quá 40 năm; đối với toa xe chở hàng chạy trên đường sắt chính tuyến của đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng là không quá 45 năm.

Các đầu máy, toa xe này khi hết niên hạn sử dụng sẽ được chuyển thành các phương tiện không phải áp dụng quy định niên hạn khi sử dụng vào các hoạt động nêu trên.

Đáng chú ý, Nghị định 01/2022/NĐ-CP do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký có hiệu lực từ 04/01/2022 cũng sửa đổi Điều 19 về lộ trình thực hiện niên hạn sử dụng của phương tiện giao thông đường sắt.

Cụ thể, các phương tiện hết niên hạn sử dụng trước ngày 31/12/2018 được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2023, trong khi các phương tiện hết niên hạn sử dụng từ ngày 1/1/2019 đến ngày 31/12/2019 thì được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2024.

Các phương tiện hết niên hạn sử dụng từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2025 được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2025, trong khi các phương tiện hết niên hạn sử dụng từ ngày 1/1/2026 thì không được kéo dài thời gian hoạt động.

Như vậy, so với Điều 19 Nghị định 65/2018/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/7/2018), lộ trình thực hiện niên hạn phương tiện đường sắt được kéo dài thêm từ 2 đến 5 năm.

Theo quy định mới, đầu máy, toa xe chở khách chạy trên chính tuyến của đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng, đường sắt đô thị có niên hạn sử dụng không quá 40 năm.

Trước đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có văn bản kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét gia hạn niên hạn, chuyển đổi thành toa xe chuyên dùng đối với khoảng 180 toa xe nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Bao gồm, gần 90 toa xe mở đáy Hmđ, chủ yếu vận chuyển vật liệu phục vụ việc thi công, sửa chữa các công trình đường sắt. Bình quân hàng năm phục vụ chuyên chở khoảng 260.000 tấn vật liệu; gần 70 toa xe P thiết kế chuyên biệt phục vụ vận chuyển mặt hàng xăng, dầu; và 11 toa xe mặt võng Mvt chuyên biệt sử dụng vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, chủ yếu vận chuyển máy móc, ô tô tải các loại, phương tiện, thiết bị quân sự... của Cục Vận tải (Tổng cục Hậu cần - Bộ Quốc phòng).

Hai loại toa xe này, ngoài phục vụ vận tải nói chung, theo yêu cầu của Cục Vận tải, đường sắt phải chỉnh bị toa xe tốt, sẵn sàng thường trực để kịp thời làm nhiệm vụ quốc phòng khi có yêu cầu.

Ngoài ra, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam còn xin kéo dài lộ trình thực hiện quy định niên hạn đầu máy, toa xe thêm 3 năm so với thời gian quy định để có thời gian chuẩn bị và đầu tư mua sắm đầu máy, toa xe mới thay thế cho các phương tiện cũ hết niên hạn sử dụng.

Bởi sẽ cần khoảng 7.000 tỷ đồng để đầu tư thay thế các đầu máy, toa xe hết niên hạn sử dụng, điều này tạo ra áp lực về tài chính và phương tiện phục vụ vận tải cho doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn hiện nay.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến