Dòng sự kiện:
Khách hàng của Lê Hòa Bình hy vọng gì từ tài sản thu hồi?
30/01/2018 06:28:12
Hơn 43 tỷ đồng tiền chênh lệch đã được trả lại, liệu khách hàng trong vụ án lừa đảo ở Dự án Thanh Hà Cienco 5 có thể lấy lại phần nào tài sản đã mất?

Vụ án Lê Hòa Bình lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã kéo dài nhiều năm. Theo đó, có hơn 400 bị hại đã chi khoảng 800 tỷ đồng để mua nhà tại Dự án Thanh Hà Cienco5 thông qua Công ty 1/5 do Lê Hòa Bình làm Chủ tịch HĐQT.

Vụ án được khởi tố từ năm 2010 nhưng đến tháng 3/2017 mới có được bản án có hiệu lực pháp luật. Một trong những lý do khiến vụ án kéo dài là vấn đề thu hồi tài sản để khắc phục cho các khách hàng, trong đó mấu chốt là khoản tiền 100 tỷ đồng Lê Hòa Bình đã chuyển cho PVP Land để mua cổ phần của CTCP Xuyên Thái Bình Dương, chủ đầu tư Dự án Nam Đàn Plaza, đường Phạm Hùng (Hà Nội).

Trong quá trình điều tra, ngày 31/5/2011, PVP Land và Lê Hòa Bình có văn bản thỏa thuận hủy bỏ một phần hợp đồng chuyển nhượng cổ phần. Theo đó, PVP Land đã nhận lại quyền sở hữu 5.817.600 cổ phần, tương ứng với số tiền 91,9 tỷ đồng mà Công ty Minh Ngân chưa thanh toán. Công ty Minh Ngân còn sở hữu 6.302.400 cổ phần tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương, tương ứng với số tiền 100 tỷ đồng đã thanh toán cho PVP Land.

Trong những lần xét xử trước đó, các khách hàng yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng phải thu hồi số tiền này, bởi đây là tài sản do phạm tội mà có. Tuy nhiên, Tòa án không chấp nhận với lý do, việc mua bán đã hoàn thành, đã thay đổi đăng ký kinh doanh. Với quyết định như vậy, khách hàng buộc phải nhận cổ phần của Công ty Xuyên Thái Bình Dương thay vì 100 tỷ đồng. Chính vì căn nguyên này, các khách hàng đã kháng cáo trong nhiều năm.

Bản án phúc thẩm số 134 hồi tháng 3/2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã tuyên PVP Land phải trả lại 100 tỷ đồng cho Công ty 1/5 và nhận lại số cổ phần của Công ty Xuyên Thái Bình Dương. Số tiền 100 tỷ đồng là để đảm bảo thi hành án cho các bị hại - các khách hàng của Lê Hòa Bình.

Vấn đề là ngoài 100 tỷ đồng trả tiền mua cổ phần, Lê Hòa Bình còn phải chung chi 49 tỷ đồng cho nhiều cá nhân là lãnh đạo của PVP Land và Tổng CTCP Xây lắp dầu khí (PVC). Việc điều tra nội dung này đã dẫn đến vụ án Tham ô tài sản, hiện đang được Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội xét xử từ ngày 24/1.

Kết quả điều tra xác định, có sự móc nối, chỉ đạo, thực hiện giữa các bị can Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT PVC), Đinh Mạnh Thắng (nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và thương mại dầu khí Sông Đà), Thái Kiều Hương (nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Vietsan), Đào Duy Phong (nguyên Chủ tịch HĐQT PVP Land), Nguyễn Ngọc Sinh (nguyên Tổng giám đốc PVP Land), Đặng Sỹ Hùng (nguyên Trưởng phòng Kinh tế đầu tư PVP Land - đã chết), Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (môi giới), cùng với sự đồng tình của bị can Lê Hòa Bình để ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương với giá tương đương với 34 triệu đồng/m2, thấp hơn giá trị thực tế nhằm rút tiền chênh lệch, chia nhau. Trong số 87 tỷ đồng tiền chênh lệch, các bị cáo đã nhận 49 tỷ đồng.

Quá trình giải quyết vụ án, các bị cáo đã hoàn trả hơn 24 tỷ đồng. Số tiền này đã được giải quyết khi xét xử vụ án Lê Hòa Bình chiếm đoạt tài sản. Còn lại 19 tỷ đồng do bị cáo Trịnh Xuân Thanh, bị cáo Đinh Mạnh Thắng trả lại đang nằm ở Công ty Vietsan.

Số tiền này chắc chắn sẽ được yêu cầu thu hồi. Câu hỏi đặt ra là liệu các khách hàng của vụ án Lê Hòa Bình có thể trông chờ gì từ khoản thu hồi này?

Tại tòa, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị số tiền 19 tỷ đồng do Trịnh Xuân Thanh và Đinh Mạnh Thắng hoàn trả thông qua Thái Kiều Hương, sau đó được chuyển thành tiền Lê Hòa Bình thanh toán tiền mua cổ phần cho Công ty Vietsan cần phải thu hồi để sung công quỹ nhà nước.   

Theo Tin nhanh Chứng khoán      

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến