Dòng sự kiện:
Khách tử vong khi nâng ngực, chủ phòng khám bị xử lý thế nào?
08/07/2021 07:00:41
Các luật sư nhận định cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân cô gái tử vong và mục đích của chủ phòng khám khi đưa thi thể nạn nhân đến trại hòm nhờ mai táng.

Sáng 3/7, chị N.T.T (30 tuổi) đến phòng khám của ông P.Đ.H. (59 tuổi, ở quận Bình Tân, TP.HCM) để phẫu thuật nâng ngực. Quá trình phẫu thuật, cô gái này tím tái, khó thở rồi tử vong.

Một ngày sau, ông H. cùng con gái đưa thi thể nạn nhân tới trại hòm ở xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, nhờ khâm liệm và mai táng. Người dân thấy bất thường nên báo cơ quan chức năng. Sự việc đang được Công an quận Bình Tân điều tra làm rõ.

Theo dõi vụ việc, nhiều người muốn biết chủ phòng khám này sẽ bị xử lý ra sao.

Luật sư Giang Hồng Thanh. Ảnh: NVCC.

Luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng Văn phòng luật sư Giang Thanh) nhận định chủ phòng khám có thể lựa chọn những giải pháp xử lý tốt hơn như thông báo cho gia đình nạn nhân, báo tin cho cơ quan công an hoặc UBND nơi gần nhất thay vì tự ý đưa chị T. đi mai táng. Hành động này gây bức xúc cho gia đình nạn nhân và làm bất bình dư luận.

Trích dẫn Nghị định 155/2018/NĐ-CP của Chính phủ, luật sư cho biết dịch vụ nâng ngực chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Do đó, cần làm rõ một số yếu tố chuyên môn như phòng khám có được phép thực hiện dịch vụ nâng ngực không? Chủ phòng khám có chứng chỉ hành nghề và đáp ứng điều kiện để thực hiện dịch vụ? Khi xảy ra sự cố, chủ phòng khám có thực hiện đúng quy trình cấp cứu nạn nhân không?

Nếu không đáp ứng đầy đủ những điều kiện cần thiết, ông H. có thể bị xử lý về tội Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác theo Điều 315 Bộ luật hình sự 2015.

Với tình tiết định khung "làm chết người", người vi phạm sẽ đối diện mức án tối đa 5 năm tù.

"Quá trình điều tra, cơ quan chức năng chắc chắn sẽ làm rõ mục đích của hành động đưa nạn nhân đến trại hòm nhờ khâm liệm, mai táng. Nếu mục đích để trốn tránh, che giấu hành vi phạm tội, người vi phạm sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặng theo điểm p, khoản 1, Điều 52 Bộ luật hình sự 2015", ông Thanh phân tích thêm.

Luật sư Tạ Anh Tuấn. Ảnh: NVCC.

Còn luật sư Tạ Anh Tuấn (Trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia luật và liên danh) nhận định có 2 trường hợp có thể xảy ra.

Nếu kết luận điều tra xác định nguyên nhân tử vong là do sai sót nghiệp vụ trong phẫu thuật nâng ngực, ông H. có thể bị xử phạt 1-5 năm tù giam về tội Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính theo Điều 129 Bộ luật hình sự 2015.

Ngoài ra, với hành vi tự ý chở thi thể nạn nhân đến trại hòm mà không thông báo cơ quan chức năng, chủ phòng khám cùng con gái còn có thể bị xử lý hình sự về tội Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt theo Điều 319 Bộ luật hình sự 2015.

Tùy thuộc mức độ nghiêm trọng của hành vi, người phạm tội có thể đối diện mức án tối đa 7 năm tù.

Nếu nguyên nhân tử vong được xác định không liên quan tới việc phẫu thuật, chủ phòng khám sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính mà chỉ xử lý về tội Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt theo Điều 319 Bộ luật hình sự 2015.

 Tác giả: Hoàng Linh

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến