Tin liên quan
Dành 6/8 ngày làm việc để quyết vấn đề nhân sự
Tại buổi họp báo quốc tế về dự kiến chương trình kỳ họp thứ nhất - Quốc hội khóa XIV diễn ra chiều 19-7, Phó Tổng thư ký Quốc hội Lê Minh Thông cho biết, kỳ họp thứ nhất - Quốc hội khóa XIV, khai mạc ngày 20-7 và bế mạc vào 29-7.
Theo chương trình dự kiến, ở kỳ họp này, Quốc hội sẽ tập trung phần lớn thời gian (6 ngày) để xem xét, quyết định về tổ chức, nhân sự cấp cao của Nhà nước.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì buổi họp báo (Ảnh: Thuần Thư)
Khác với các khóa Quốc hội trước, Quốc hội khóa XIV sẽ không tiến hành thẩm tra tư cách đại biểu và thông qua nghị quyết về việc xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại kỳ họp đầu tiên mà sẽ nghe Hội đồng Bầu cử quốc gia báo cáo tổng kết cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 cũng như kết quả xác nhận tư cách ĐBQH được bầu.
Sau đó, Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội; Bầu Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước; Quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ; Phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; Phê chuẩn danh sách Phó chủ tịch và Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành khoảng 2 ngày làm việc để xem xét, thảo luận các báo cáo và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước: Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp 6 tháng cuối năm 2016; Xem xét, thông qua các nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017 và việc thành lập đoàn giám sát chuyên đề…
Nghi thức tuyên thệ sẽ có nhiều thay đổi
Theo quy định, sau khi được bầu, 4 chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sẽ tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội và nhân dân. Để đảm bảo tính nghiêm trang, trên cơ sở tiếp thu ý kiến về lần đầu thực hiện tuyên thệ tại kỳ họp cuối (kỳ họp 11) Quốc hội khóa XIII vừa qua, nghi thức tuyên thệ của 4 chức danh lần này sẽ có một số điều chỉnh.
Cụ thể, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, khi các chức danh được bầu thực hiện nghi thức tuyên thệ, Đoàn Chủ tịch phiên họp sẽ đi xuống dưới hội trường và cùng tất cả ĐBQH đứng lên, giữ tư thế trang nghiêm như khi chào cờ. Các ĐBQH không được chụp ảnh, quay phim trong lúc các chức danh tuyên thệ.
Tại buổi tuyên thệ và nhậm chức không có nghi thức tặng hoa cho người vừa tuyên thệ nhậm chức sau khi được bầu. Đặc biệt, về nội dung lời tuyên thệ của 4 chức danh cũng sẽ có điều chỉnh. Ở kỳ họp thứ 11 - Quốc hội khóa XIII, cả 4 người khi tuyên thệ đều nói “Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng…” thì khi tuyên thệ ở kỳ họp này sẽ sửa thành “Dưới lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc”.
ĐBQH đề nghị báo cáo vụ Formosa
Trước lo ngại về chất lượng ĐBQH khóa XIV khi có tới 2/3 ĐBQH vừa được bầu mới, lần đầu tham gia Quốc hội, đặc biệt vừa qua có 2 người trúng cử nhưng không được xác nhận tư cách ĐBQH vì vi phạm, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng đây là lo lắng không có cơ sở.
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, tỷ lệ ĐBQH tái cử ở khóa XI là 17%, khóa XII là 27,9%, khóa XIII là 33% và khóa XIV này là 36%. Như vậy số ĐBQH tái cử khóa XIV là cao nhất trong 4 nhiệm kỳ gần đây, trong khi ở các khóa Quốc hội vừa qua dù số ĐBQH tái cử thấp hơn nhưng đều không ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của Quốc hội.
Hơn nữa, các ĐBQH mới vừa trúng cử khóa XIV đa phần là những người làm trong các cơ quan tư pháp, hành pháp, am hiểu rất rõ về pháp luật. “Đặc biệt, có đến 94% ĐBQH mới có trình độ Đại học, 62% trong đó trình độ trên Đại học. Có lẽ chưa có nhiệm kỳ nào chất lượng ĐBQH, cơ cấu ĐBQH tốt như vậy” - ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.
Riêng về trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Tổng thư ký Quốc hội cho biết, 2 người này không được xác nhận tư cách ĐBQH vì trong quá trình xem xét tư cách ĐBQH của người trúng cử đã phát hiện có vi phạm chứ không liên quan đến chất lượng ĐBQH. “Sau vụ việc của 2 cá nhân này, bài học tới đây là khi sửa Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp cần có chế tài mạnh mẽ hơn nữa” - ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Trả lời câu hỏi Chính phủ có báo cáo Quốc hội về vấn đề Formosa Hà Tĩnh tại kỳ họp này hay không? Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, để có những thông tin chính thống liên quan đến vụ việc này thì ĐBQH có đề nghị và Chính phủ chuẩn bị tài liệu liên quan đến Formosa gửi tới các ĐBQH nghiên cứu.
Một nội dung đang “nóng” khác là việc Tòa trọng tài Quốc tế vừa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, ĐBQH cũng có đề nghị Chính phủ báo cáo tại kỳ họp này nhưng vì vụ việc vừa mới xảy ra nên để đảm bảo việc chuẩn bị kỹ lưỡng, thấu đáo, Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo nội dung này tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa XIV.
Sẽ xem xét trách nhiệm về sai sót trong Bộ luật Hình sự Bộ luật Hình sự sửa đổi được Quốc hội khóa XIII thông qua cuối năm 2015 và dự kiến có hiệu lực từ 1-7-2016 nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa phải họp khẩn quyết định tạm lùi thời hiệu thi hành bộ luật này để sửa vì phát hiện tới hơn 90 điều trong bộ luật có sai sót. Trả lời báo chí về vấn đề này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đây là trường hợp rất đáng tiếc, là bộ luật duy nhất trong số 107 luật, bộ luật được Quốc hội khóa XIII ban hành có nhiều sai sót như vậy. Lỗi ở đây không phải do quy trình, thủ tục khi làm luật. Tập thể các ĐBQH khóa XIII sẵn sàng nhận trách nhiệm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nhận trách nhiệm và tới đây sẽ xem xét cụ thể trách nhiệm của các cá nhân liên quan một cách công minh, không né tránh. Hiện các cơ quan chức năng đang khẩn trương rà soát, xem xét, thẩm tra việc sửa đổi bộ luật này để báo cáo Quốc hội, dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai tới. |
Nên đọc
Theo An ninh Thủ đô
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy