Dòng sự kiện:
Khai mạc phiên họp 45 Ủy ban Thường vụ Quốc hội
17/02/2016 15:04:41
ANTT.VN – Sáng nay 17/2, phiên họp thứ 45 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc.

Tin liên quan

 

Không quy định đấu giá tài sản nợ xấu vào trong Luật?

Sau lời phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.

Ủy ban Thường vụ cũng sẽ cho ý kiến về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Chính phủ cũng đề nghị trình Quốc hội khóa XIII xem xét, thông qua dự án Luật Đấu giá tài sản ngay tại kỳ họp thứ 11 vào tháng 3-2016 thay vì thông qua tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV như Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu: sau khi Quốc hội thảo luận Dự án Luật tại kỳ họp thứ 10, có hai vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau là đấu giá tài sản nợ xấu và lộ trình xử lý trung tâm đấu giá đối với tài sản công.

Ông Giàu cho rằng, nội dung về đấu giá tài sản nợ xấu không thể đưa vào Luật Đấu giá tài sản được bởi đây là trường hợp cá biệt, không theo thông lệ, chỉ nên nêu ra nguyên tắc.

Đối với vấn đề thứ hai, theo ông Giàu, thực trạng các trung tâm đấu giá tài sản công trên cả nước cũng đang cần hoàn thiện thêm để đáp ứng được yêu cầu của Dự án Luật. Tuy nhiên, nhìn chung, toàn bộ dự thảo Luật đến thời điểm hiện tại là khá hoàn thiện, có thể đủ điều kiện để trình Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cũng cho rằng cần thiết sớm xem xét và ban hành Luật Đấu giá tài sản bởi Luật Đấu giá tài sản có sự liên kết chặt chẽ với Bộ Luật Dân sự và Luật Tố tụng dân sự mà hai luật này không thể chờ Luật Đấu giá tài sản lâu hơn được nữa.

Tuy nhiên, ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật lại cho rằng, quỹ thời gian của kỳ họp thứ 11 thường là 2 tuần như thông lệ tại các kỳ họp cuối nhiệm kỳ nên công tác lập pháp tại kỳ họp này rất nặng. Do đó, để bảo đảm tính khả thi của Chương trình kỳ họp thứ 11, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị giữ thời gian trình dự án Luật này theo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.

Xin lùi dự án Luật Biểu tình

Khi thảo luận về đề nghị của Chính phủ tiếp tục lùi dự án Luật Biểu tình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng không nên lùi mãi Dự án Luật Biểu tình. Dự án Luật này Quốc hội quyết chứ không phải Ủy ban Thường vụ quyết định. Bộ Chính trị cũng đã quyết định đưa dự án Luật này vào chương trình làm luật rồi.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường giải trình: Theo nghị quyết của Quốc hội, Dự án Luật Biểu tình sẽ trình Quốc hội vào tháng 3 tới, phân công Bộ Công an chủ trì. Dự án Luật lẽ ra phải trình Chính phủ vào tháng 10-2015, sau lùi đến kỳ họp tháng 1, tuy nhiên các ý kiến thành viên Chính phủ khá phân tán. Ví dụ như vấn đề có cho người nước ngoài đề xuất biểu tình hay không, hay biểu tình do người Việt Nam đề xuất, người nước ngoài có được tham gia không...

“Do chưa chín muồi nên Thủ tướng đã kết luận ra Nghị quyết và báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin lùi một nấc” - Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết.

Không đồng tình với việc Dự án Luật Biểu tình lại bị lùi đi lùi lại mà lần này là lùi vô thời hạn, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đề nghị đảm bảo đúng thời hạn trình Dự án Luật.

Ông cho rằng, Chính phủ nói do liên quan đến Luật Quản lý vật liệu nổ nhưng không thể chờ ban hành Luật Quản lý vật liệu nổ mới ban hành Luật Biểu tình. “Biểu tình là quyền cơ bản của công dân từ năm 1945. Giờ cứ lùi đi lùi lại mãi. Quốc hội thống nhất kỳ họp thứ 11 sẽ cho ý kiến nhưng đến giờ Chính phủ nói xin lùi không biết đến bao giờ, lùi vô thời hạn. Chúng ta không thể để cho đối tượng xấu lợi dụng nói xấu chúng ta được vì biểu tình liên quan đến vấn đề dân chủ.” - Chủ nhiệm Hiện nhấn mạnh.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa, khi ông nghiên cứu thẩm tra dự thảo Luật Biểu tình của Bộ Công an gửi, ông nhận thấy dự án khá công phu và có thể trình ra xin ý kiến Quốc hội.

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Cứ giữ chương trình như hiện nay là trình tại kỳ họp 11. Thời gian cho ý kiến để thông qua Luật Biểu tình đã được Quốc hội thông qua. Giờ lùi lại Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội.

“Luật Ban hành văn bản pháp luật có quy định chương trình mà không làm được thì ai chịu trách nhiệm? Cho nên bây giờ lý do làm sao lùi Chính phủ phải báo cáo ra Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể cho lùi. Nếu trình ra Thường vụ, Thường vụ thấy không được thì Thường vụ có thể quyết không trình ra Quốc hội xin ý kiến Quốc hội vì không đủ chất lượng, nhưng đằng này lại không trình ra Ủy ban Thường vụ mà lại xin lùi” - Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn.

Phiên họp thứ 45 UBTVQH sẽ diễn ra trong 1 tuần, ngoài việc xem xét điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 sẽ cho ý kiến về dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu của dự án Luật Báo chí (sửa đổi), Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), Luật Dược (sửa đổi).

P.V (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến