Dòng sự kiện:
Khái niệm 'thu giá' đang bị hiểu một cách cứng nhắc!
28/05/2018 16:30:04
Phát biểu mới đây của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể về khái niệm "thu giá", "trạm thu giá" đang gây xôn xao dư luận. Dưới góc nhìn của pháp luật hiện hành, khái niệm này được hiểu ra sao?

Theo luật sư Vũ Văn Biên – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Khoa Tín cho rằng từ trước đến nay việc thu phí tại các trạm BOT sẽ dựa vào: Phương án tài chính trong Hợp đồng BOT mà Nhà đầu tư và Doanh nghiệp dự án đã ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và Thông tư do Bộ tài chính ban hành riêng cho từng dự án BOT.

Luật sư Vũ Văn Biên nêu quan điểm về khái niệm "thu giá"

Hiện nay, theo quy định tại Điều 24 và Phụ lục 2 của Luật Phí và Lệ Phí nêu rõ: Các khoản phí trong Danh mục phí và lệ phí kèm theo Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá do Nhà nước định giá theo Danh mục tại Phụ lục số 2 kèm theo Luật này được thực hiện theo Luật giá kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Chính phủ quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền quy định giá và hình thức định giá.

Và theo điểm e, khoản 2, Điều 8 của Nghị định 149/2016/NĐ-CP nêu rõ: Bộ GTVT quy định: Giá sản phẩm, dịch vụ công ích trong lĩnh vực quản lý, bảo trì đường sắt quốc gia, đường bộ, đường thủy nội địa thực hiện theo phương thức nhà nước đặt hàng hoặc giao kế hoạch sử dụng ngân sách trung ương.

Như vậy, Luật quy định tại Điều 24 để chuyển dịch vụ sử dụng đường bộ từ điều chỉnh theo Luật phí, lệ phí sang điều chỉnh theo Luật Giá.

Trong Nghị định quy định, thẩm quyền của Bộ giao thông vận tải là ban hành mức giá tối đa cho dịch vụ sử dụng đường bộ để đảm bảo quản lý nhà nước về khống chế giá trần sử dụng dịch vụ đường bộ và trao thẩm quyền quy định giá trần từ Bộ tài chính về Bộ Giao thông vận tải.

Từ việc trao quyền quy định mức giá trần đó, Bộ giao thông căn cứ thẩm quyền nhà nước giao là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ký các dự án BOT đàm phán mức giá trần và giá cụ thể cho từng dự án BOT, chứ không áp dụng cứng nhắc như trước theo cách mỗi dự án BOT Bộ tài chính lại phải ban hành 1 Thông tư riêng để thu phí.

Bộ giao thông vận tải trong hợp đồng BOT được nhà nước giao là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ký hợp đồng BOT (trừ 1 số dự án BOT giao thông được Thủ tướng giao cho UBND tỉnh ký với vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền) nên sẽ là cơ quan đại diện duy nhất để quy định mức giá trần, thỏa thuận hoặc yêu cầu Nhà đầu tư cùng Doanh nghiệp Dự án BOT phải điều chỉnh tăng giảm phù hợp với tình hình thực tế của từng Dự án tránh vỡ phương án tài chính nhưng đảm bảo không được vượt qua mức giá trần mà Bộ này đã ban hành.

Bên cạnh đó, nên hiểu mức giá trần sử dụng dịch vụ là đối với tất cả dự án. Còn phí sử dụng dịch vụ đường bộ hoàn toàn có thể hiểu là Chủ đầu tư trên cơ sở hợp đồng BOT đã ký và quy định giá trần của Bộ giao thông để ban hành mức phí sử dụng dịch vụ đường bộ hợp lý cho từng dự án trong từng thời kỳ đảm bảo việc thu hồi vốn theo phương án tài chính đã được duyệt.

Với mỗi dự án BOT, phương án tài chính mà Bộ GTVT làm đại diện ký đều được Bộ tài chính thẩm định kỹ phương án tài chính. Do đó, dựa trên phương án tài chính đã được Bộ tài chính thẩm định thì Bộ giao thông vận tải đàm phán với Nhà đầu tư và Doanh nghiệp Dự án BOT cho phù hợp nhưng đưa ra trần giá đàm phán để đảm bảo quản lý nhà nước đối với giá cả, dịch vụ.

“Luật và Nghị định chỉ xác định khi chuyển đổi thẩm quyền quy định về áp dụng giá trần cho sản phẩm, dịch vụ thay vì được điều chỉnh bởi Luật phí, lệ phí thì được điều chỉnh bởi Luật Giá. Do đó, sử dụng từ: Thu phí khi sử dụng dịch vụ đường bộ là hoàn toàn phù hợp”, Luật sư Biên nhận định.

Phụ lục 2 của Luật Phí và Lệ Phí

Theo luật sư Vũ Văn Biên, khái niệm "thu giá" hay "trạm thu giá" được Bộ trưởng Bộ GTVT hiểu máy móc bởi đã sử dụng các cụm từ này trong Thông tư 35/2016/TT-BGTVT. Từ đó dẫn đến các hiểu lầm và cách giải thích bất thường của ông Thể - Bộ trưởng Bộ GTVT.

Bản chất Luật và Nghị định chỉ định hướng quản lý giá trần sử dụng dịch vụ giao thông đường bộ và điều chỉnh thẩm quyền quản lý quy định mức giá trần dịch vụ sử dụng đường bộ không bị cứng nhắc như trước đây là ngoài phương án tài chính đã ký. Để xác định thời gian thu phí thì Bộ tài chính lại ban hành riêng 1 thông tư thu phí cho từng dự án BOT là không hợp lý. Nhưng thông tư 35 này cũng lại có điều khoản chuyển tiếp từ các dự án trước ngày 1/1/2017 khi thông tư 35 có hiệu lực áp dụng theo các thông tư thu phí cũ đã được ban hành đến khi có văn bản khác thay thế.

Trước đó, chiều 22/5, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về những băn khoăn của dư luận về việc đổi tên gọi trạm thu phí BOT thành trạm thu giá BOT, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết: "Giờ mình xem BOT là 1 sản phẩm của doanh nghiệp (DN) nên họ tự định giá, còn phí là mang tính chất của Nhà nước".

"Bây giờ phí liên quan tới Hội đồng nhân dân, Quốc hội quyết định, còn giá là do DN cung cấp, vì BOT là sản phẩm của DN nên cần điều chỉnh lại cho chính xác. Từ khi chuyển qua giá thì sẽ giảm giá, giảm để cân đối được phương án tài chính, còn nếu phí muốn thay đổi sẽ phải thông qua các bộ nên rất chậm", ông Thể cho hay.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Giao thông vận tải cũng cho biết, theo quy định mới, khung giá và giá tối đa sẽ chuyển về Bộ Giao thông vận tải điều tiết trên cơ sở đảm bảo sự hài hòa, thay vì Bộ Tài chính như trước đây.

Ông Thể cũng cho hay, về nguyên tắc, doanh nghiệp được quyền định giá nhưng nhà nước có thể điều tiết theo thị trường, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và người dân.

“Doanh nghiệp muốn tăng giá phải đăng ký với Bộ Giao thông vận tải. Bộ sẽ xem xét khi nào cảm thấy hài hòa hết các lợi ích, bảo đảm chi phí xã hội thấp nhất thì mới điều chỉnh, nếu không thì không được điều chỉnh”, ông Thể nói.

PV


Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến