Dòng sự kiện:
Khan hàng, thua lỗ, nhiều cây xăng 'khóc ròng' muốn đóng cửa
26/08/2022 14:24:17
Sau kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 22/8, nhiều cây xăng tư nhân đồng loạt nhận được thông báo chiết khấu giảm còn 0 đồng. Thậm chí, ở một số vùng, chiết khấu được thông báo mức âm 300 đồng-âm 500 đồng/lít xăng dầu.

“Bán ít lỗ ít, bán nhiều lỗ nhiều”

Chia sẻ với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Văn Thực, chủ một cây xăng ở Hưng Yên, cho biết: "Chúng tôi đang chết dần chết mòn, không có tiền trả cho công nhân. Khi giá lên thì đầu mối bắt chúng tôi phải nhập hàng với giá cao hơn giá bán lẻ bên ngoài là 1.000 đồng/lít. Khi giá giảm thì xăng tồn trong cửa hàng không tiêu thụ hết, bởi cửa hàng luôn phải đảm bảo hàng tồn kho thấp nhất là 3 khối mỗi loại xăng dầu".

“Hiện giờ chúng tôi không nhập được hàng, còn nếu lấy được về đến cửa hàng thì bị âm 150 đồng, tức là đầu mối họ chiết khấu cho chúng tôi 0 đồng, và chúng tôi phải chịu 150 đồng tiền vận chuyển từ kho ở Hải Phòng, chưa kể tiền thuê mặt bằng, tiền điện, lương công nhân và các chi phí khác”, ông Thực tâm sự.

“Thực sự chúng tôi đang lỗ đơn lỗ kép, nói ra thì nhiều người không tin nhưng thực tế là vậy”, đại diện cây xăng này than thở. “Nếu cứ như thế này mãi, chúng tôi không thể tồn tại được. Tôi đang phải tính làm đơn báo với Sở Công Thương là xin tạm nghỉ để tu sửa lại cửa hàng vì càng bán càng lỗ”.

“Bán ít lỗ ít, bán nhiều lỗ nhiều”, ông Thực nói thẳng.

Sau kỳ điều chỉnh ngày 22/8, việc nhập hàng trở nên khó khăn. Ảnh minh họa: Chí Hùng

Điều đó có nghĩa, chủ các cây xăng phải "nhập giá cao, bán giá thấp", chịu lỗ. Ngay cả trong trường hợp này, nhiều cây xăng phản ánh “gặp khó khăn khi nhập hàng”, “không có hàng để bán”.

Ông Nguyễn Văn An (tên nhân vật đã được thay đổi), chủ một DN có 3 cửa hàng xăng dầu ở Hà Giang, phản ánh với PV: "Trước kỳ điều hành ngày 22/8, chúng tôi nhập hàng đã thấy khó khăn, 6-7 ngày mới được một lô chứ hàng không được dồi dào. Kể từ thời điểm đó, chiết khấu đã giảm mạnh, chỉ khoảng 100 đồng/lít. Mức chiết khấu không đủ tiền vận chuyển, vì từ Việt Trì về đến đầu Hà Giang đã mất 400 đồng/lít, chưa kể các chi phí khác để vận hành cửa hàng. Trong khi đó, lúc tăng giá thì cửa hàng cũng không nhập được hàng.

“Không hiểu sao tình hình dạo này khan hàng đến vậy”, ông An thắc mắc. “Từ đầu năm đến nay chúng tôi đa phần là lỗ. Trong khi đó, muốn tạm dừng bán hàng thì phải làm đơn lên Sở Công Thương. Sở sẽ yêu cầu phải có lý do chính đáng. Họ sẽ tìm hiểu, kiểm tra kỹ mới cho nghỉ. Doanh nghiệp đứng ở giữa rất khó khăn. Khách hàng thì không hiểu được thực tế kinh doanh của doanh nghiệp như vậy”.

Kiến nghị 1 cửa hàng được nhập xăng dầu từ nhiều đầu mối

Theo các DN xăng dầu tư nhân, từ ngày việc điều chỉnh giá xăng giảm từ 15 ngày xuống còn 10 ngày, việc kinh doanh càng khó khăn hơn do hàng nhập về vẫn còn. Các cửa hàng nhỏ lẻ lấy một lô về phải bán 15 ngày mới hết, bán 10 ngày thì chịu. Trong khi, cửa hàng không thể lấy lẻ 100 hay 200 lít.

Để khắc phục tình trạng chiết khấu thấp, khan hàng, các đại lý xăng dầu kiến nghị cho phép các cây xăng được nhập hàng của nhiều đầu mối, thay vì chỉ được nhập của một đầu mối xăng dầu như lâu nay để có sự cạnh tranh hơn trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thực kiến nghị: Bộ Công Thương nên cho phép một cửa hàng được lấy của nhiều đầu mối xăng dầu, thay vì một đầu mối như quy định hiện hành. Nếu lấy ở đầu mối khác sẽ bị quản lý thị trường phạt. Trong khi đó, các đầu mối xăng dầu đều hiểu rằng các cây xăng không còn lựa chọn nào khác, buộc phải lấy hàng của họ nên họ cho chiết khấu bao nhiêu cũng phải chịu. Trong khi nếu cho phép các cây xăng lấy của nhiều đầu mối, nơi nào chiết khấu cao hơn cửa hàng thì sẽ nhập chỗ đó. Như vậy, việc kinh doanh có tính cạnh tranh và công bằng hơn.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc yêu cầu một cửa hàng chỉ được lấy hàng của một đầu mối để quản lý chất lượng. Nếu cho phép lấy từ nhiều cửa hàng, nếu khách hàng phản ánh về chất lượng xăng dầu sẽ không biết lô hàng đó nhập của đơn vị nào.

Phản hồi lại, ông Thực cho rằng: Mỗi một ngăn hàng đều được lưu lại chai mẫu lúc nhập. Khi bán hết hàng mới hủy mẫu đó. Chai mẫu được kẹp chì đàng hoàng, để lại cửa hàng, nếu làm hỏng chì thì mẫu không hiệu nghiệm. Mẫu đó do đầu mối cấp, nếu khách hàng phản ánh về chất lượng thì cơ quan kiểm định độc lập sẽ kiểm định chất lượng mẫu xăng trong xe, trong bồn và trong chai mẫu đó.

“Mức chiết khấu phải để các cây xăng có lợi nhuận thì mới tồn tại được. Mà phải có lợi nhuận người ta mới duy trì được kinh doanh”, đại diện DN xăng dầu tư nhân giãi bày.

Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu đáp ứng đủ cho thị trường trong nước, ngày 25/8, Vụ Thị trường trong nước đã có hai văn bản chỉ đạo điều hành về việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu gửi Sở Công Thương các tỉnh thành phố và các thương nhân kinh doanh xăng dầu.

Bộ Công Thương đề nghị các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, các thương nhân phân phối xăng dầu:

1. Chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu (đối với các thương nhân đầu mối) để bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian tới;

2. Không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh; duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp và cung cấp đủ hàng cho các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp;

3. Chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối, cho các khách hàng một cách hợp lý để bảo đảm không gián đoạn việc cung ứng xăng dầu cho thị trường;

4. Thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.

Tác giả: Lương Bằng

Theo: Vietnamnet
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến