Dòng sự kiện:
`Khi Condotel trở thành hàng tặng đính kèm`
08/07/2019 14:01:50
Nở rộ trong nhiều năm gần đây, Condotel như một “trào lưu” đầu tư đối với các doanh nghiệp BĐS. Tuy nhiên vì nhiều lý do và pháp lý đã khiến cho lượng Condotel tồn kho đỉnh điểm, nhiều CĐT phải tìm cách xả hàng?

Condotel hay Condo-hotel được hiểu là từ viết tắt của condo (chung cư) và hotel (khách sạn). Điều này có nghĩa Condotel là một sản phẩm bất động sản trung gian, hay sản phẩm lai giữa căn hộ với khách sạn. Nói nôm na, sản phẩm này là một condominium (nhà chung cư) nhưng lại hoạt động như một khách sạn. 

Tại Việt Nam, tòa tháp Nha Trang Plaza được biết đến như là sản phẩm Condotel đầu tiên của Việt Nam. Tòa tháp này được hoàn thành vào năm 2009 trên khu đất rộng khoảng 35.000m2 với quy mô 40 tầng và 240 căn hộ đạt tiêu chuẩn 5 sao.

Sau Nha Trang Plaza, tại các trung tâm du lịch nổi tiếng của Việt Nam như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc,… đã có một số lượng lớn các dự án Condotel được triển khai xây dựng như CocoBay Đà Nẵng, Diamond Bay - Condotel Resort, Condotel Panorama Nha Trang, Vinpearl Condotel Nha Trang, Vinpearl Empire Condotel, Ariyana Nha Trang, InterContinental Nha Trang, dự án Olalani Resort & Condotel, Vinpearl Condotel Đà Nẵng, FHome Đà Nẵng, Vinpearl Riverfront Condotel Đà Nẵng, PremierVillage Villas Phú Quốc, Condotel Intercontinental Phú Quốc, Vinpearl Condotel Phú Quốc,….

Nhìn chung, các Condotel nêu trên có quy mô đầu tư xây dựng rất lớn, nhiều dự án đạt tiêu chuẩn quốc tế 5 sao với quy mô là sự kết hợp các tính năng phòng khách sạn, biệt thự và "phòng condotel" với các dịch vụ cao cấp.

Như vậy, tuy sinh sau đẻ muộn hơn thị trường Condotel trên thế giới nhưng thị trường Condotel tại Việt Nam, lại “lớn nhanh như thổi” để chính thức hình thành và nhanh chóng phát triển, nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng đang ngày càng tăng của khách du lịch trong và ngoài nước. Từ đây, Condotel đã chính thức ghi tên mình vào danh mục sản phẩm bất động sản (BĐS) và làm phong phú thêm, đa dạng thêm các sản phẩm của thị trường BĐS Việt Nam.

Du nhập sau nhưng Condotel đã "khuấy đảo" thị trường BĐS

Chính vì thế, việc loại hình BĐS này nở rộ và ngày càng là mục tư đầu tư của nhiều doanh nghiệp, cũng như nhà đầu tư là điều tất yếu. Tuy nhiên, do sức hút quá lớn dẫn đến việc đầu tư vào Condotel như một “trào lưu” dẫn đến việc cung vượt quá cầu.

Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đến cuối năm 2018, cả nước còn tồn hơn 20.000 căn hộ condotel. Nếu tính cả nguồn cung đang xây dựng, sẽ hoàn thành vào cuối năm 2019, ước tính sẽ khoảng 30.000 căn hộ condotel. Tuy nhiên vấn đề pháp lý cũng khiến cho nhiều nhà đầu tư lấn cấn nếu nghĩ đến chuyện đầu tư.

Nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề nổi cộm hiện nay chính là tính pháp lý đối với condotel. Cụ thể, nhiều vướng mắc đối với mô hình condotel như việc áp dụng tính toán chỉ tiêu kiến trúc kỹ thuật công trình có căn hộ condel hiện chưa rõ ràng; về chỉ tiêu dân số hiện mới có chỉ tiêu với khu vực nhà ở, chưa có đối với condotel, nên nếu không có quy định bổ sung thì sẽ ảnh hưởng tới chỉ tiêu dân số địa phương.

Tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng sẽ sửa đổi tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan, ban hành quy chế quản lý vận hành các loại hình bất động sản mới (condotel, officetel…). Các văn bản này sẽ được hoàn tất trong năm 2019. Cùng với đó, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường có hướng dẫn về chế độ sử dụng đất đối với công trình xây dựng condotel hoặc kết hợp giữa condotel với nhà ở.

Như vậy, có thể thấy, condotel sắp có giấy khai sinh, nhưng chưa biết đó là loại nào, sổ hồng, sổ đỏ, hay một loại giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, sử dụng nào khác.

“Tìm cách xả hàng”

Việc chững lại của loại hình bất động sản nghỉ dưỡng thời gian qua được ông Nguyễn Trần Nam đánh giá do 4 nguyên nhân chính.

Thứ nhất: pháp lý cho các căn hộ condotel vẫn chưa được tháo gỡ gây tâm lý e ngại cho giới đầu tư.

Thứ hai: ngân hàng siết chặt cho vay đầu tư bất động sản khiến dòng vốn đổ vào các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, đặc biệt là condotel bị hụt hơi.

Thứ ba: năng lực phát triển, vận hành dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam vẫn còn hạn chế dẫn đến sự ngờ vực của khách hàng có nhu cầu đầu tư lâu dài.

Thứ tư: giá bán của các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng đã bị đẩy lên mức quá cao trong những năm vừa qua.

Tồn kho nhiều dẫn đến nhiều chủ đầu tư tìm cách xả hàng bằng nhiều chiêu khác nhau. Nếu như ban đầu, khi các dự án Condotel được khởi động thì các chủ đầu tư thường mạnh miệng cam kết lợi nhuận cho với nhà đầu tư thứ cấp từ 8 - 12%/năm thì giờ đây Condotel được tặng như một mặt hàng đính kèm.

Dự án Movenpick Cam Ranh đưa ra chính sách “Mua biệt thự TẶNG condotel“ hay Movenpick Resort Waverly Phú Quốc thuộc tập đoàn Mik Group thì dùng chiêu "mua 1 tặng 1". Nghĩa là Condotel sẽ được tặng kèm nếu khách hàng mua một sản phẩm BĐS khác có thể là Biệt thự hoặc Condotel.

Với chiêu kinh doanh này sẽ kích cầu cho các sản phẩm BĐS, tăng sự thu hút nhà đầu tư nhưng mặt khác đang cho thấy Condotel đang dần trở thành mặt hàng không được “ưa thích” nếu nghĩ đến câu chuyện đầu tư.

Tuy nhiên, nếu trong trường hợp khung pháp lý dành cho Condotel không định hình được thì bức tranh cho loại hình BĐS này sẽ vô cùng ảm đạm. Và lúc đó thì ai sẽ là người chịu thiệt nặng nề nhất? Ngân hàng, chủ đầu tư hay nhà đầu tư thứ cấp?

Quang Hưng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến