Kho bạc Nhà nước đang gửi gần 700.000 tỷ đồng tại NHNN và 270.000 tỷ tại các ngân hàng thương mại. Ảnh: Hoàng Hà.
Tại họp báo kết quả công tác trọng tâm năm 2022 của hệ thống Kho bạc Nhà nước, ông Lưu Hoàng, Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ (Kho bạc Nhà nước), cho biết Kho bạc Nhà nước đang gửi 900.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Nhà nước và 4 ngân hàng thương mại.
Đây là tiền tồn quỹ ngân sách trung ương, các tỉnh, huyện và hơn 100.000 số dư tài khoản... Trong đó, số dư tồn quỹ địa phương là lớn nhất, còn số dư tồn quỹ Nhà nước không lớn.
"Kho bạc Nhà nước đang gửi không kỳ hạn số tiền gần 700.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại Thông tư 58/2019 của Bộ Tài chính. Còn khoảng 270.000 tỷ đồng số tiền còn lại được gửi có kỳ hạn 1-3 tháng tại các ngân hàng thương mại khoảng 6%", ông nói.
Chia sẻ thêm, Phó tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước Trần Thị Huệ cho biết ngoài số tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước thì số tiền còn lại của Kho bạc Nhà nước đang gửi tại 4 ngân hàng có vốn Nhà nước chiếm cổ phần chi phối.
"Chúng tôi thực hiện đúng quy định của Nghị định 24 là gửi tại một số ngân hàng an toàn hoạt động hiệu quả", bà nhấn mạnh.
Trong năm 2022, Kho bạc Nhà nước đã triển khai mở tài khoản chuyên thu ngân sách Nhà nước và ký thỏa thuận hợp tác phối hợp thu ngân sách Nhà nước, thanh toán song phương điện tử với 4 ngân hàng thương mại là Sacombank, ABBANK, Vietbank, Eximbank. Ngoài ra, cơ quan này cũng đã mở tài khoản chuyên thu và kết nối thanh toán với 15 ngân hàng.
Tính đến hết ngày 20/12, lũy kế thu ngân sách Nhà nước trong cân đối đạt 1,7 triệu tỷ đồng, bằng 122,37% so với dự toán năm 2022 được giao. Đối với chi thường xuyên, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã kiểm soát hơn 895.000 tỷ đồng, bằng 80,5% dự toán chi thường xuyên năm 2022 của ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước.
Thông tư 58/2019 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 1/11/2019 quy định về quản lý và sử dụng tài khoản của Kho bạc Nhà nước mở tại Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại.
Theo đó, 4 loại tài khoản tiền gửi không kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước mở tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại, gồm: Tài khoản thanh toán tổng hợp, tài khoản chuyên thu tổng hợp, tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu.
Thông tư hướng dẫn rõ về nội dung sử dụng tài khoản. Trong đó, tài khoản thanh toán tổng hợp của Kho bạc Nhà nước Trung ương mở tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước được sử dụng để đảm bảo khả năng thanh toán chung của các đơn vị Kho bạc Nhà nước qua kênh thanh toán điện tử liên ngân hàng.
Tác giả: Thanh Thương
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy