Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Còn nhiều khó khăn trong sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư
Báo cáo đại biểu Quốc hội về thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đến hết năm 2021, cả nước có 10.599 đơn vị hành chính cấp xã và có tổng số 212.606 cán bộ, công chức cấp xã, so với năm 2015 giảm 20.833 người (tương ứng giảm 8,94%). Trong đó, cán bộ cấp xã là 107.672 người, giảm 7.760 người (tương ứng giảm 6,72%); công chức cấp xã là 104.934 người, giảm 13.123 người (tương ứng giảm 11,12%) so với năm 2015. Số cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn đại học trở lên chiếm 82,5%, cao đẳng là 2,9%, trung cấp 12,2%, sơ cấp và chưa qua đào tạo là 2,3%.
Cả nước có 90.508 thôn, tổ dân phố (trong đó có 69.580 thôn và 20.928 tổ dân phố), tổng số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố là 405.032 người, giảm 468.155 người (tương ứng giảm 53,61% so với năm 2015).
Theo Sở Nội vụ Quảng Ninh, triển khai chỉ đạo và quy định của Trung ương, trong giai đoạn 2019 - 2021, tỉnh thực hiện sắp xếp 16 đơn vị hành chính cấp xã (chiếm 8,62% tổng số đơn vị hành chính cấp xã). Sau sắp xếp, tỉnh giảm 9 đơn vị hành chính cấp xã. Cùng với đó, Quảng Ninh chủ động triển khai rà soát, sắp xếp 230 thôn, khu phố (chiếm 14,68% tổng số thôn, khu phố); sau sắp xếp giảm 115 thôn, khu phố.
Để giải quyết các vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cơ sở vật chất dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính; trong quá trình xây dựng Đề án, Quảng Ninh đã chủ động trước một bước chuẩn bị bài bản, kỹ càng, thận trọng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản quan trọng như phê duyệt Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; ban hành chính sách hỗ trợ đối tượng chịu tác động do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Đối với sắp xếp các xã, ngay sau khi có Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỉnh đã chỉ đạo ban hành quyết định thành lập Đảng bộ, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị tại đơn vị hành chính mới; tổ chức kỳ họp thứ nhất HĐND để kiện toàn các chức danh chủ chốt HĐND, UBND; giữ nguyên các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở; hợp nhất các Trạm y tế và giữ nguyên biên chế trước khi sắp xếp. Sau sắp xếp đã giảm 133 cán bộ, công chức và giảm 72 người hoạt động không chuyên trách cấp xã.
Ngoài chính sách của Trung ương, các đối tượng chịu tác động do sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính còn được hưởng chính sách riêng của tỉnh. Nhờ làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền vận động và ban hành chính sách kịp thời, thỏa đáng, việc sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhận được sự đồng thuận. Toàn tỉnh không có đơn thư, kiến nghị về nội dung này.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện sắp xếp, Quảng Ninh cũng gặp một số khó khăn ban đầu trong việc xây dựng phương án, lộ trình bố trí các chức danh lãnh đạo, quản lý dôi dư, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức do việc bố trí phụ thuộc vào chỉ tiêu biên chế được giao, phù hợp với trình độ chuyên môn, vị trí việc làm và các quy định về tiếp nhận, luân chuyển, điều động. Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, số lượng được giao tại mỗi xã, thị trấn tiếp tục giảm 1 biên chế, khó khăn cho việc bố trí số lượng cán bộ, công chức cấp xã dôi dư sau sắp xếp, trong bối cảnh số lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tăng đột biến.
Tại Hòa Bình, Giám đốc Sở Nội vụ Đặng Mai Sơn cho hay, giai đoạn 2017 - 2019, toàn tỉnh đã giảm 576 thôn, tổ dân phố, tương ứng giảm 28% so với trước khi sắp xếp. Giảm 2.304 người hoạt động không chuyên trách và 2.880 tổ chức đoàn thể ở thôn, tổ dân phố; giảm khoảng 51,7 tỷ đồng/năm kinh phí chi trả phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách, khoán kinh phí hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức đoàn thể ở thôn, tổ dân phố.
Song, quá trình thực hiện sắp xếp, tinh gọn thôn, tổ dân phố còn một số vướng mắc. Điển hình là, do chưa làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo; công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương, đôn đốc, kiểm tra, giám sát nên một số đơn vị có tỷ lệ cử tri tán thành phương án nhập, kiện toàn thôn, tổ dân phố chưa cao; có nơi phải tổ chức lấy ý kiến cử tri nhiều lần mới đạt trên 50% tổng số cử tri trên địa bàn tán thành theo quy định.
Bất cập trong quy định
Theo Bộ Nội vụ, số lượng cán bộ, công chức cấp xã được quy định theo phân loại đơn vị hành chính cấp xã. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, với khối lượng công việc, mức độ đa dạng, phức tạp trong giải quyết công việc ở cấp xã, nếu chỉ căn cứ vào phân loại đơn vị hành chính cấp xã là chưa phù hợp vì cùng một loại đơn vị hành chính cấp xã nhưng diện tích tự nhiên, dân số và khối lượng công việc không tương đồng nhau, trong khi quy định về số lượng biên chế cán bộ, công chức lại bằng nhau.
Mặc dù có một số chức danh công chức cấp xã được bố trí nhiều hơn 1 người nhưng thực tế số lượng cán bộ được bố trí vẫn cao hơn số lượng công chức trong tổng số biên chế được giao theo phân loại đơn vị hành chính. Nhiều địa phương kiến nghị sửa đổi quy định này cho phù hợp, bảo đảm số lượng công chức cấp xã theo quy định ít nhất bằng với số lượng cán bộ cấp xã.
Hiện cũng chưa có hướng dẫn rõ về chế độ được hưởng khi thôi việc đối với đối tượng là cán bộ cấp xã và chế độ phụ cấp công vụ đối với cán bộ cấp xã là người đang hưởng chế độ hưu trí hoặc trợ cấp mất sức lao động. Các nghị định hiện hành chưa quy định cụ thể về việc bầu, tuyển dụng, chế độ làm việc, khen thưởng, kỷ luật, quản lý, đánh giá đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, dẫn đến khó khăn cho các đối tượng trong quá trình thực hiện.
“Theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố), mỗi đơn vị hành chính cấp xã giảm 2 người cùng thời điểm với việc sắp xếp giảm các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 và đưa công an chính quy về thay thế công an xã nên hiện nay việc giải quyết số lượng cán bộ, công chức cấp xã dôi dư là rất khó khăn đối với các địa phương, nhất là các địa phương thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 - 2021”, Bộ Nội vụ thông tin.
Cũng theo Bộ Nội vụ, ngoài quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP, số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố trong thực tế còn được bố trí lớn hơn nhiều để thực hiện các quy định của pháp luật về công an xã, dân quân tự vệ, bảo vệ dân phố, y tế thôn, bản và các quy định của Luật, Điều lệ của tổ chức chính trị - xã hội.
Liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện, cấp tỉnh
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, hiện Bộ Nội vụ đang xây dựng để trình Chính phủ Nghị định quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (thay thế quy định tại các nghị định hiện hành), bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa các quy định của Chính phủ. Đồng thời nghiên cứu xác định nội dung và lộ trình thực hiện liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện, cấp tỉnh. Theo đó, khi thực hiện liên thông, việc quản lý, sử dụng và chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã được thực hiện chung như đối với cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị.
Trên cơ sở khung quy định của Chính phủ về số lượng cán bộ, công chức cấp xã theo phân loại đơn vị hành chính, thực hiện phân cấp thẩm quyền cho chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện quyết định số lượng cụ thể cán bộ, công chức cấp xã ở từng đơn vị hành chính cấp xã ở địa phương, bảo đảm không vượt quá tổng số lượng theo quy định của Chính phủ. Đồng thời, phân cấp thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quy định cụ thể số lượng và chức danh người hoạt động ở thôn, tổ dân phố cho phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương trên cơ sở khoán kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương.
Bộ Nội vụ nghiên cứu chế độ phụ cấp và các chế độ, chính sách khác đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố theo hướng khoán kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương trung bình trên 1 đơn vị hành chính cấp xã và giao thẩm quyền cho chính quyền địa phương cấp tỉnh quyết định cụ thể.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy