Dòng sự kiện:
Khoản nợ mới 350 tỷ và cuộc chơi kín tiếng của Kiến Á Group
27/09/2020 12:07:01
Là tập đoàn có tên tuổi trên thị trường địa ốc Sài Thành, song ít người biết rằng Kiến Á cùng TS. Huỳnh Bá Lân đã từng là tay chơi có điểm nhấn trong làng tài chính.

Phối cảnh dự án CitiGrand của Kiến Á Group (Nguồn: Kiến Á)

Nhằm mục đích góp phần đẩy mạnh quận 2 (TP.HCM) trở thành khu đô thị hiện đại, Cát Lái được đánh giá cao nhờ quy hoạch bài bản và đồng bộ. Mặt khác, đặt trong bối cảnh thị trường bất động sản trung tâm TP.HCM dần trở nên chật chội, nơi đây đã trở thành điểm đến hấp dẫn dòng tiền đầu tư.

Tiêu biểu trong số này, không thể không nhắc đến bộ đôi CTCP Đầu tư Vĩnh Phú – CTCP Kiến Á.

Hồi đầu năm 2018, Vĩnh Phú nhận chuyển nhượng quyền sử dụng (không có tài sản gắn liền trên đất) từ CTCP Đầu tư và dịch vụ TP.HCM (Invesco) các lô đất H2-04, H1-09, H1-07 và H2-01 thuộc dự án Khu dân cư Cát Lái.

Theo tìm hiểu, lô H2-04 và lô H2-01 thuộc dự án Khu chung cư cao tầng và thương mại-dịch vụ-văn phòng (tên thương mại Citialto) có quy mô gồm 300 căn, rộng 1,7ha, dự kiến hoàn thành năm 2024. Chủ đầu tư là Vĩnh Phú, Kiến Á Group đóng vai trò phát triển dự án.

Lô H1-09 thuộc dự án Citiesto (7.488 m2), vẫn là sự phối hợp giữa Vĩnh Phú (chủ đầu tư) và Kiến Á Group (phát triển dự án). Nói thêm một chút, nằm cạnh lô H1-09 là lô H1-10 thuộc dự án Citisoho do CTCP Bất động sản Sài Gòn Thăng Long – công ty do ông Huỳnh Bá Lân (Chủ tịch HĐQT Kiến Á Group) làm Chủ tịch HĐQT (tính đến tháng 6/2020), triển khai.

Lô cuối cùng H1-07, có tên thương mại là CitiGrand, tiếp tục là sự kết hợp của Vĩnh Phú (chủ đầu tư) và Kiến Á Group (nhà phát triển dự án). 

Hơn cả mối quan hệ hợp tác giữa chủ đầu tư và đơn vị phát triển dự án, Vĩnh Phú còn được cho là có liên quan mật thiết tới Kiến Á Group – tập đoàn bất động sản nổi danh khu vực phía Nam. Giả thiết này không hẳn không có cơ sở khi nhiều dự án “họ” Citi kể trên được giới thiệu trên trang chủ của Kiến Á Group. Mặt khác, Chủ tịch HĐQT Vĩnh Phú – ông Lê Vĩnh Phước (tính đến tháng 8/2019) cũng là người đại diện theo pháp luật Công ty TNHH Lavila Phước Kiển – chủ đầu tư dự án Khu dân cư Vĩnh Phước tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM, hay còn có tên gọi khác là Lavila Phước Kiển (cũng được Kiến Á quảng cáo trên Website).

Sở hữu nhiều dự án lớn, nguồn vốn triển khai chắc hẳn sẽ là bài toán đặt ra với Kiến Á Group và các công ty liên quan.

Vị trí các dự án thuộc lô đất Vĩnh Phú nhận chuyển nhượng từ Invesco hồi đầu năm 2018 (Ảnh: Huy Ngọc)

Dự án CitiGrand (lô H1-07) đã được quây tôn (Ảnh: Huy Ngọc)

Bãi đất trống bên trong dự án CitiGrand (Ảnh: Huy Ngọc)

Một góc dự án CitiAlto (trong hình là lô H2-01) nằm đối diện lô H1-09, tức dự án Citiesto. Theo tìm hiểu, lô đất H2-01 đã được UBND TP.HCM chấp thuận đầu tư vào ngày 23/10/2019. Trong khi đó, lô H2-04 (nằm bên cạnh) phải đến tháng 3/2020 mới được chấp thuận chủ trương xây dựng dự án(Ảnh: Huy Ngọc)

2 block ngoài cùng bên phải xây trên lô H1-09 thuộc dự án Citiesto đã hoàn thành phần thô. Được biết, lô H1-09 được UBND TP.HCM chấp thuận đầu tư vào ngày 4/9/2018 (Ảnh: Huy Ngọc)

Theo đó, Kiến Á Group và các công ty liên quan đã liên tục hút vốn qua nhiều hình thức.

Đơn cử, Vĩnh Phú từ giữa năm 2015 đã thế chấp dự án Khu dân cư Cát Lái (phường Cát Lái, Quận 2, TP.HCM) tại các ngân hàng ACB, BIDV. Được biết, tính đến năm 2019, Vĩnh Phú cho biết đang thế chấp tại BIDV 166 căn hộ và 422 căn hộ khối nhà B, nhà C tại lô H1-09 (dự án Citialto).

Trong khi đó, Kiến Á Group vào ngày 27/8/2020 đã thế chấp 99,9% vốn điều lệ CTCP An Tây và 89% vốn CTCP Bất động sản Sài Gòn Nam Phú tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB).

Sau đó không lâu, cụ thể là ngày 31/8/2020, Sài Gòn Nam Phú – công ty con của Kiến Á Group đã huy động thành công 350 tỷ đồng trái phiếu mã “SGNP.BOND.2020.01”. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 4 năm và dự kiến đáo hạn vào ngày 3/9/2024. Mã trái phiếu có số hiệu "01", không loại trừ Kiến Á, thông qua Nam Phú sẽ còn tiếp tục thực hiện nhiều đợt huy động trong thời gian tới. 

Thực lực của Kiến Á Group

Khởi sự vào năm 1994, Kiến Á Group (tiền thân là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kiến Á) được sáng lập bởi kỹ sư Hóa học Trần Thúy Nga, vợ TS Huỳnh Bá Lân (Chủ tịch HĐQT Kiến Á Group hiện tại).

TS. Huỳnh Bá Lân (đứng giữa), trưởng nữ Huỳnh Thúy Phương (bên trái) và thứ nữ Huỳnh Bích Phương (bên phải)

Ban đầu, hoạt động chính của doanh nghiệp là kinh doanh hàng độc quyền, nhập khẩu từ Ý và Tây Ban Nha, nhưng do bị hàng nhái của Trung Quốc cạnh tranh, công ty gặp khó khăn sau 4 năm hoạt động.

Đây là bước ngoặt để ông Huỳnh Bá Lân vào năm 1998 đưa công ty chuyển sang tham gia lĩnh vực phát triển bất động sản, và Phước Long B là dự án thành công đầu tay của doanh nghiệp. Dẫu vậy, tên tuổi của Kiến Á chỉ thực sự được đông đảo giới đầu tư biết đến vào năm 2004 với dự án khu căn hộ cao cấp Imperia An Phú (phường An Phú, quận 2, TP.HCM).

Trải qua hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực địa ốc, Kiến Á Group được đánh giá là một trong những tên tuổi giàu kinh nghiệm tại TP.HCM. Trong đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần gần đây nhất (ngày 27/12/2018), vốn điều lệ của Kiến Á Group đạt 1.368 tỷ đồng.

Bên cạnh việc sở hữu nhiều dự án thành phần tại KDC Cát Lái, Kiến Á Group còn sở hữu các dự án đáng chú ý khác trên địa bàn TP.HCM, như: Khu dân cư Vĩnh Phước tại xã Phước Kiển; Thương hiệu nhà phố biệt lập Citibella;....

Ngoài ra, Kiến Á Group cũng nắm nhiều dự án tại các tỉnh thành ngoài khu vực TP.HCM, như: Dự án Alila Bai Om Resort quy mô 50ha (Sông Cầu, Phú Yên), dự án Hyat regency Cam Ranh bay Resort and Spa (Lô D5 Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, thuộc xã Cam Hải Đông),….

Không chỉ bất động sản, Kiến Á Group còn tham gia mảng giáo dục với Đại học Quản lý và Công nghệ TP.HCM (UMT) và Trường phổ thông Duy Tân (Phú Yên). Điều này có phần dễ hiểu khi bản thân ông Huỳnh Bá Lân xuất thân là một nhà giáo. Năm 2007, ông rời Đại học Bách khoa về làm Chủ tịch kiêm Hiệu trưởng trường Đại học Tài chính Kế toán TP.HCM, nơi Kiến Á Group là nhà đầu tư sáng lập chủ chốt của trường và giữ 80% cổ phần. Trong khi đó, dự án trường Đại học Công nghệ Sài Gòn (quy mô 5,5ha) thuộc sở hữu của Kiến Á Group được đặt nằm tại khu đô thị Cát Lái.

Sự hình thành và phát triển của Kiến Á Group, ngoài vai trò của TS Huỳnh Bá Lân, còn phải kể đến các cộng sự gắn bó với ông. Tiêu biểu nhất trong những cái tên này là ông Bùi Tường Thụy. Không chỉ có chuyên môn trong lĩnh vực bất động sản, M&A, kinh nghiệm quản lý và điều hành lĩnh vực tài chính, đầu tư…, ông được đánh giá cao khi là Tổng giám đốc Kiến Á Group trong 10 năm. Ngoài vị trí này, ông Thụy cũng đang là Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật tại Kiến Á Group.

Được biết, ông đang đứng tên tại CTCP Cảng tổng hợp Nhơn Trạch (hoạt động chính trong lĩnh vực bốc xếp hàng hóa). Vốn điều lệ công ty đạt 396 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gồm: CTCP Kiến Á (35%), Công ty TNHH Kho cảng xăng dầu Nhơn Trạch (30%) và Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển giáo dục Duy Tân (35%).

Một nhân sự cấp cao khác là ông Huỳnh Trương Phát (Thành viên HĐQT Kiến Á Group) đang đứng tên một loạt doanh nghiệp như: CTCP An Phú Hưng, Công ty TNHH Đầu tư Phước Kiển và CTCP Đầu tư Kiến Á Khánh Hòa.

Đặc biệt, phải kể đến bà Huỳnh Thúy Phương – con gái ông Huỳnh Bá Lân. Khác với 2 người em nổi tiếng trên các phương tiện truyền thông, trưởng nữ họ Huỳnh có phần kín tiếng hơn. Người ta chỉ biết, bà hiện đang là Phó Tổng giám đốc, Thành viên HĐQT Kiến Á Group. Bà được đánh giá có chuyên môn cao khi tốt nghiệp Đại học California (BA’06”), Trường Kellogg – Northwestern University (MBA’15), và đóng vai trò quan trọng trong quá trình đặt nền móng và phát triển nhiều dự án của Kiến Á Group.

Ngoài các vị trí cấp cao tại Kiến Á Group, bà còn đứng tên tại Công ty TNHH MTV Sài Gòn Bến Nghé, CTCP Hiệp An, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Thế giới Mới (đơn vị gián tiếp sở hữu dự án Lavila De Rio tại Phước Kiển, Nhà Bè, TP.HCM) và Công ty TNHH Công nghệ Tin học – Viễn thông Sài Gòn.

Trong bối cảnh nhiều lô đất tiềm năng chưa triển khai, một số dự án cần phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thành vào cuối năm nay (điển hình là dự án Hyat regency Cam Ranh bay Resort and Spa còn tiến độ thực hiện đến hết tháng 12/2020, theo quyết định gia hạn của Sở Kế hoạch và Đầu tư), không loại trừ khả năng Kiến Á Group và các công ty thành viên sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác huy động vốn.

Cuộc chơi tài chính của ông Huỳnh Bá Lân

Ông Lân và nhóm cổ đông từng sở hữu số lượng lớn cổ phiếu Kienlongbank và VPBank, có lúc nắm tới 29% Kiên Long. Ngoài vai trò là cổ đông góp vốn, ông Lân trong giai đoạn 7/10/2008 – 25/4/2013 còn đóng vai trò là Thành viên HĐQT Kienlongbank. Ông Trương Hoàng Lương – Thành viên HĐQT Kiến Á Group, cũng là người đại diện theo pháp luật Kienlongbank – Phòng giao dịch Tân Thành. Ở một chi tiết khá thú vị khác, Sài Gòn Nam Phú trong giai đoạn năm 2016 từng mang cái tên là Công ty TNHH Bất động sản Kiên Long.  

Không được biết đến nhiều như Kienlongbank, sự hiện diện của ông Huỳnh Bá Lân ở VPBank có phần kín tiếng hơn, có lẽ xuất phát từ bản chất của thương vụ này. Tháng 11/2013, Ngân hàng OCBC đã chuyển nhượng toàn bộ 14,88% vốn VPBank, tương đương hơn 85,8 triệu cổ phần cho 3 cá nhân là Ngo Thu Thuy, Huynh Ba Lan (ông Huỳnh Bá Lân - Chủ tịch HĐQT Kiến Á Group) và Pham Vu Thi Nhu Hoang. Nhiều khả năng, cái tên "Pham Vu Thi Nhu Hoang" ở đây là bà Phạm Vũ Thị Như Hoàng - người đứng tên văn phòng đại diện Công ty TNHH Sài Gòn An Phú (tính đến tháng 4/2018, công ty do ông Lân nắm 85,5%). 

Tác giả: Hoá Khoa

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến