Khoản vay ở Ngân hàng Úc của Cty Cơ điện lạnh REE có hợp lệ?
12/03/2015 14:25:41
ANTT.VN – Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (HOSE: REE) đi vay vốn của HSBC để trả nợ Vietcombank; trong khi tài sản thế chấp tại CBA lại có giá trị thấp hơn nhiều lần giá trị khoản vay.

Mới đây, Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (HOSE: REE) đã tiến hành công bố Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2014.

“Ngán” lãi suất, vay tiền HSBC để trả nợ Vietcombank?

Theo đó, tại ngày 31/12/2014, để đáp ứng nhu cầu vốn lưu động, REE đã vay ngắn hạn xấp xỉ 171 tỷ đồng từ 4 ngân hàng: Vietcombank (74 tỷ đồng), VIB (52 tỷ đồng), Vietinbank (40 tỷ đồng) và ANZ Việt Nam (4 tỷ đồng). Tất cả các khoản vay đều được thực hiện dưới dạng tín chấp và chịu lãi suất VNĐ tương ứng từ 5,2% đến 7,5%/năm và lãi suất USD bình quân là 2,8%/năm.

Ngoài ra, Công ty cũng có 130 tỷ đồng Nợ dài hạn đến hạn phải trả; qua đó, làm cho giá trị khoản mục Vay ngắn hạn tăng nhẹ 5,6% so với đầu năm lên 301 tỷ đồng.

Trong khi đó, Vay dài hạn của REE lại bật tăng tới 72,3% so với cùng kỳ 2013 lên 410 tỷ đồng.

Trái phiếu chuyển đối chỉ còn 64 tỷ đồng, bằng 46 % so với đầu năm nhưng Vay dài hạn lại “phi mã” 3,6 lần lên 477 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tất cả các khoản vay dài hạn của REE đều được tài trợ bởi các ngân hàng có nguồn gốc nước ngoài là Ngân hàng TNHH Một thành viên HSBC Việt Nam và Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia.

Trong khi đó, theo Báo cáo tài chính bán niên, tại ngày 30/6/2014, ngoài khoản vay ở Commonwealth Bank of Australia, Cơ Điện Lạnh vẫn còn vay tín chấp Vietcombank 64 tỷ đồng theo hợp đồng tín dụng số 0003/DTDA/10CD với lãi suất 9,8%/năm và ngày đến hạn là 1 tháng 6 năm 2018.

Cụ thể, ngày 31/3/2010, REE đã ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam với hạn mức 200 tỷ đồng Việt Nam để tài trợ cho việc xây dựng Tòa nhà REE-Tower tại số 9, Đoàn Văn Bơ, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh. Kỳ hạn vay là 96 tháng tính từ ngày rút vốn đầu tiên, tức là ngày 1 tháng 6 năm 2010. Khoản vay được trả hàng quý theo kế hoạch trả nợ được Vietcombank duyệt và được gửi sau thời gian ân hạn 24 tháng tính từ thời điểm rút vốn đầu tiên hết hạn. Khoản vay không thế chấp và lãi suất vay tương đương với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng do Viecombank niêm yết cộng 2,8%/năm cho các khoản rút vốn bằng đồng Việt Nam hay lãi suất tiền gửi 12 tháng do Vietcombank niêm yết cộng 2,5%/năm cho các khoản rút vốn bằng Đô la Mỹ.

Tuy nhiên , không lâu sau đó, khoản vay dài hạn với Vietcombank đã được REE “tất toán” (trong khi đến giữa năm 2018 hợp đồng tín dụng giữa 2 bên mới đáo hạn).

Khoản vay tại Vietcombank (bên trái) đã được thay bằng HSBC

Tìm hiểu kỹ hơn được biết, ngày 21 tháng 7 năm 2014, Công ty đã ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng TNHH Một thành viên HSBC Việt Nam (“HSBC”) với hạn mức 550 tỷ đồng Việt Nam để thanh toán khoản vay tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam tài trợ cho việc xây dựng Tòa nhà REE và để tài trợ cho hoạt động đầu tư. Kỳ hạn vay là 60 tháng tính từ ngày rút vốn đầu tiên từ là ngày 25 tháng 8 năm 2014. Khoản vay được trả sáu tháng một lần theo kế hoạch trả nợ được HSBC duyệt và được gửi sau thời gian ân hạn 12 tháng tính từ thời điểm rút vốn đầu tiên hết hạn. Khoản vay được thế chấp bằng tài sản tại địa chỉ số 9 Đoàn Văn Bơ, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh, và lãi suất vay tương đương với lãi suất cho vay cơ bản VNĐ cùng kỳ hạn do HSBC niêm yết cộng 0,5%/năm.

Vay thế chấp ngân hàng ngoại để trả nợ vay tín chấp cho Vietcombank trong khi thời gian đáo hạn vẫn còn rất dài, động lực nào khiến REE quyết định như vậy?

Có lẽ vấn đề nằm ở chi phí sử dụng vốn mà cụ thể hơn là lãi suất cho vay. Cụ thể, như đã trình bày ở trên, theo Báo cáo tài chính bán niên 2014, thì khoản vay 64 tỷ đồng của REE tại Vietcombank phải trả lãi 9,8%; trong khi theo Báo cáo tài chính Quý III/2014, khoản vay 65,7 tỷ đồng (đủ một cách tương đối để trả nợ khoản nợ 64 tỷ và cộng thêm lãi ở Vietcombank) của REE ở HSBC chỉ bị áp lãi 5,9%/năm.  Tất nhiên, đó chỉ là một sự suy đoán khi thời điểm tính lãi ở 2 trường hợp chưa được sát nhau…

Giá trị khoản vay gấp nhiều lần giá trị Tài sản thế chấp

Tại 31/12/2014, ngoài khoản vay dài hạn tại HSBC như đã trình bày, REE cũng còn một khoản vay dài hạn khác trị giá 43 tỷ đồng tại Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (“CBA”).

Được biết, vào ngày 3 tháng 3 năm 2012, Công ty đã ký hợp đồng tín dụng với CBA – Chi nhánh Tp. HCM với hạn mức 73 tỷ VNĐ để tài trợ cho việc xây dựng Tòa nhà REE. Kỳ hạn vay là 60 tháng tính từ ngày rút vốn đầu tiên, tức ngày 7 tháng 3 năm 2012. Khoản vay được trả hàng quý theo kế hoạch trả nợ được CBA duyệt và được gửi sau thời gian ân hạn 12 tháng tính từ thời điểm đợt rút vốn đầu tiên hết hạn. Khoản vay được thế chấp bằng tài sản tại địa chỉ số 180 Pasteur, Phường Bến Nghé, Quận 1, Tp. HCM. Lãi suất vay tương đương với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng do CBA niêm yết cộng 2,5%/năm.

Như vậy, CBA – Chi nhánh Tp. HCM đã cấp cho REE một hạn mức tín dụng lên đế 73 tỷ đồng và đến cuối năm 2014, REE hiện vay CBA 43 tỷ đồng.

Báo cáo hợp nhất cả năm 2014 (bên phải) không nêu giá trị tài sản thế chấp cho khoản vay ở CBA nhưng Báo cáo Bán niên lại nêu rất rõ ràng

Tuy nhiên, tìm hiểu về tài sản đảm bảo cho khoản vay trên của REE không khỏi bất ngờ khi giá trị TSĐB lại thấp hơn nhiều lần so với giá trị khoản vay. Cụ thể, theo Báo cáo tài chính bán niên (đã soát xét) của REE, tài sản thế chấp tại địa chỉ số 180 Pasteur, Phường Bến Nghé, Quận 1, Tp. HCM lại chỉ có giá trị là 9.437.896.861 đồng.

9,4 tỷ so sánh với 73 tỷ, tức là giá trị tài sản thế chấp chỉ chưa bằng 13% hạn mức tín dụng?

Theo quy định tại Điều 12, Quyết định số 217/QĐ-NH1 ngày 17 tháng 8 năm 1996 của Thống đốc NHNN về việc ban hành quy chế thế chấp, cầm cố tài sản và bảo lãnh vay vốn ngân hàng thì: “Tổ chức tín dụng (bên nhận thế chấp, cầm cố; nhận bảo lãnh) căn cứ vào giá trị của tài sản thế chấp, cầm cố hoặc bảo lãnh đã được định giá như quy định tại Điều 10 của Quy chế này để xác định số tiền cho vay. Số tiền cho vay tối đa bằng 70% giá trị tài sản thế chấp, cầm cố, và tài sản bảo lãnh đã được xác định và ghi trên hợp đồng. Riêng tài sản dùng để cầm cố quy định tại khoản 6.2 và 6.3 Điều 6 Quy chế này thì mức cho vay tối đa có thể bằng 80% giá trị tài sản cầm cố”.

(Còn nữa)

Ninh Giang

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến