Sau phiên điều chỉnh mạnh đầu tuần qua (5/8), các chỉ số chứng khoán trong nước đã xuất hiện nhịp phục hồi kỹ thuật khi thị trường đón nhận những thông tin hỗ trợ. Trong ngắn hạn, thị trường bắt đầu tháng 8 với khoảng trống thông tin về doanh nghiệp sau báo cáo quý II đã công bố.
*Tìm cơ hội sau mùa báo cáo bán niên
Chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) cho biết, thị trường biến động mạnh hơn trong những phiên đầu tháng 8 khi xuất hiện các biến số rủi ro mới như lo ngại kinh tế Mỹ suy thoái khi các dữ liệu về sản xuất và thị trường lao động được công bố suy yếu; Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) quyết định nâng lãi suất cơ bản từ 0,1% lên 0,25%, tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán nước này.
Các tài sản rủi ro; trong đó có cổ phiếu bị bán mạnh ở hầu hết các thị trường chứng khoán trên thế giới và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Tuy nhiên, với thị trường chứng khoán Việt Nam, một số chuyển biến về nền tảng cơ bản theo hướng tích cực có thể đã bị bỏ qua, do yếu tố tâm lý chi phối như rủi ro tỷ giá giảm dần, khi đồng USD quay lại suy yếu; xu hướng phục hồi lợi nhuận theo quý vẫn tốt và định giá thị trường ở mức 11,27 lần. Hệ số giá trên lợi nhuận mỗi cổ phiếu (P/E) ước tính một năm sẽ về mức hấp dẫn hơn khi giá tiếp tục điều chỉnh.
Trong danh sách SSI theo dõi, hầu hết các nhóm cổ phiếu đều đang có định giá ước tính 1 năm thấp hơn so với bình quân 5 năm như nhóm tiêu dùng, nhóm tài chính, nhóm công nghiệp, nhóm bất động sản. Riêng nhóm công nghệ thông tin có định giá mở rộng trong thời gian gần đây, nhưng vẫn được hỗ trợ tốt bởi tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bền vững và bảng cân đối lành mạnh.
SSI cho rằng, nếu tăng trưởng kinh tế vẫn duy trì tích cực trong giai đoạn cuối năm sẽ hỗ trợ cho sự tăng trưởng tiếp theo của doanh nghiệp niêm yết, là yếu tố hỗ trợ cho thị trường chứng khoán về dài hạn.
Tuy nhiên, tín hiệu suy thoái ở các nền kinh tế lớn sẽ là yếu tố rủi ro cần được theo dõi sát bởi sẽ đây cũng sẽ là yếu tố rủi cho quá trình phục hồi của Việt Nam.
Các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS) cho biết, thống kê biến động lịch sử của VN-Index cho thấy, xác suất tăng điểm của chỉ số sẽ được nâng cao sau mùa báo cáo bán niên, khi kỳ vọng của nhà đầu tư đã có sự điều chỉnh phù hợp cho giai đoạn cuối năm.
Thống kê biến động lịch sử của VN-Index cho thấy, xác suất tăng điểm của chỉ số sẽ được nâng cao sau mùa báo cáo bán niên. Ảnh minh họa: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN
Các yếu tố rủi ro cho khả năng điều chỉnh của thị trường tiếp tục cần được theo dõi bao gồm xu hướng của tỷ giá và lãi suất, dòng tiền khối ngoại và tác động từ xu hướng của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như ngân hàng, bất động sản…
FPTS cho rằng việc tìm kiếm các cơ hội giao dịch ngắn hạn sẽ khó khăn hơn trong nửa đầu quý III nếu VN-Index duy trì vùng giằng co hẹp bên dưới ngưỡng 1.300 điểm. Tuy nhiên, các vị thế Swingtrade (giao dịch ngắn hạn) có thể cân nhắc nếu chỉ số thoái lui về khu vực hỗ trợ 1.200 - 1.220 điểm và cho tín hiệu phục hồi trở lại.
Về dài hạn, giai đoạn hiện tại vẫn phù hợp để nhà đầu tư cơ cấu danh mục, thực hiện tích lũy cổ phiếu trên cơ sở kỳ vọng các chủ đề đầu tư sẽ tiếp tục dẫn dắt xu hướng và luân chuyển ngành cho giai đoạn nửa cuối năm 2024, FPTS khuyến nghị.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect (VNDirect), sau phiên điều chỉnh mạnh đầu tuần, các chỉ số chứng khoán trong nước đã xuất hiện nhịp phục hồi kỹ thuật khi thị trường đón nhận những thông tin hỗ trợ.
Cụ thể, Bộ Lao động Mỹ công bố số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần qua ít hơn dự báo đã phần nào xóa tan những lo ngại về nguy cơ nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái.
Số liệu mới này cũng đối lập với số liệu việc làm đáng thất vọng vào thứ Sáu tuần trước đó cho thấy bức tranh của nền kinh tế Mỹ “không yếu như cái cách mà thị trường đã phản ứng trong phiên cuối tuần trước và đầu tuần qua”.
Sau thông tin tích cực trên, các chỉ số chứng khoán Mỹ đã ghi nhận phiên tăng điểm mạnh nhất trong 2 năm, giá dầu tăng trở lại đi cùng với lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ phục hồi về mức 4%, tất cả những diễn biến này cho thấy tâm lý thị trường đã dần cân bằng trở lại sau cú sốc cuối tuần trước đó (tuần từ 29/7 – 2/8).
Trong nước, thị trường cũng đón nhận thông tin hỗ trợ khi kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng vượt dự báo.
Theo khối phân tích VNDirect, lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp niêm yết trong quý II năm 2024 đã tăng trưởng trên 20% so với cùng kỳ, vượt mức dự báo của thị trường trước đó là 5-10%.
Đồng thời, sau nhịp điều chỉnh mạnh, định giá của thị trường cũng về mức hấp dẫn hơn khi P/E (hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) của VN-Index đã có thời điểm chạm mức -1 độ lệch chuẩn, từ đó kích thích dòng tiền “bắt đáy” nhập cuộc.
Với những biến động trên thị trường tài chính trong nước và quốc tế vừa qua, VNDirect vẫn duy trì quan điểm tích cực đối với triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung hạn từ 6 - 12 tháng tới nhờ kết quả kinh doanh tích cực trong quý II/2024. VNDirect cho rằng lợi nhuận toàn thị trường có thể tăng trưởng 18% trong năm nay.
Bên cạnh đó, kịch bản Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất điều hành 2-3 lần từ nay đến cuối năm đang dần trở nên hiện hữu, điều này sẽ giúp giảm bớt áp lực tỷ giá và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể linh hoạt hơn để bơm thanh khoản vào hệ thống, đặc biệt là trong quý IV (thông qua kênh nghiệp vụ thị trường mở và mua vào USD). Qua đó giúp duy trì mặt bằng lãi suất trong nước ở mức hấp dẫn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
VNDirect vẫn giữ nguyên quan điểm chỉ số VN-Index có thể đóng cửa năm 2024 ở vùng 1.300-1.350 điểm (kịch bản cở sở) và trong kích bản tích cực (Fed hạ lãi suất điều hành như thị trường kỳ vọng và Ngân hàng Nhà nước có động thái nới lỏng chính sách tiền tệ), chỉ số VN-Index có thể đóng cửa trên 1.400 điểm trong năm nay.
Do đó, trong trường hợp chỉ số VN-Index kiểm định lại vùng hỗ trợ 1.200 điểm sẽ là cơ hội tốt để nhà đầu tư dài hạn xem xét gia tăng tỷ trọng cổ phiếu và xây dựng danh mục đầu tư cho tầm nhìn 6-12 tháng tới; ưu tiên các nhóm ngành có triển vọng kinh doanh cải thiện như ngân hàng và xuất nhập khẩu (dệt may, thủy sản, sắt thép).
Tuy vậy, nhà đầu tư lưu ý duy trì tỷ trọng danh mục ở mức hợp lý (60-70% cổ phiếu) và không sử dụng đòn bẩy để quản trị rủi ro khi trong ngắn hạn thị trường vẫn còn nguy cơ rung lắc mạnh, VNDirect khuyến nghị.
Chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho biết, “bóng ma suy thoái” cùng với căng thẳng địa chính trị leo thang đã đẩy thị trường chứng khoán toàn cầu trải qua làn sóng bán tháo dữ dội ngay phiên giao dịch đầu tuần. Trong cơn hoảng loạn bán tháo trên phạm vi toàn cầu, thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần qua (5/8), chỉ số VN-Index bị “cuốn bay” gần 50 điểm. Ngay sau khi “cơn giông bão” qua đi, thị trường nhanh chóng lấy lại gần 1 nửa những gì đã mất ngay trong phiên sau đó và trong suốt 3 phiên giao dịch còn lại là nỗ lực đi lên trong nghi ngờ.
Thành quả trong 4 phiên hồi phục giúp chỉ số VN-Index thu hẹp đà rơi chỉ còn giảm gần 13 điểm so với mức giảm hơn 50 điểm trong phiên giao dịch đầu tuần.
Dòng tiền phân hóa tương đối mạnh mẽ sau nhịp giảm sâu và kịp thời lan tỏa trong phiên cuối tuần giúp cải thiện tâm lý giao dịch.
Đóng cửa tuần giao dịch (từ 5 -9/8), chỉ số VN-Index ở mức 1.223,64 điểm, giảm 12.96 điểm. Lũy kế đến cuối tuần giao dịch, thanh khoản khớp lệnh bình quân trên sàn HOSE đạt 683 triệu cổ phiếu (tăng 6,08%), tương đương 17.046 tỷ đồng (tăng 5,1%).
Độ mở thị trường vẫn chìm trong sắc đỏ bất chấp nỗ lực phục hồi mạnh mẽ. Áp lực điều chỉnh vẫn bủa vây các nhóm ngành như hàng không giảm 4,98%, thép giảm 4,25%, thủy sản giảm 2,66%, ngân hàng giảm 2,62%...
Ngược dòng thành công tuần qua đáng kể đến các nhóm ngành bán lẻ tăng 2,09%), dầu khí tăng 2,05%, chứng khoán tăng 1,31%...
Khối ngoại bán ròng trở lại 3.992 tỷ đồng, nối dài đà bán ròng sang tuần thứ 2 liên tiếp. Tâm điểm bán ròng tuần qua là các mã VJC (1.122 tỷ đồng), VHM (1.112 tỷ đồng), HPG (558 tỷ đồng).
Thực tế cho thấy, những “chuyển động” trong tuần qua của thị trường chứng khoán Việt Nam là tương đồng với thị trường chứng khoán thế giới.
*Chứng khoán Mỹ cân bằng trở lại
Chốt phiên 9/8, chỉ số S&P 500 tăng điểm và không thay đổi nhiều khi tính theo tuần. Chỉ số này đã phục hồi gần như hoàn toàn sau khi lao dốc trong phiên đầu tuần, thời điểm chi phối tâm lý nhà đầu tư là những lo ngại về nguy cơ suy thoái của nền kinh tế cùng xu hướng thanh lý các giao dịch chênh lệch lãi suất dựa trên đồng yen trên toàn cầu.
Phiên 9/8, chỉ số Dow Jones tăng 0,13% lên 39.497,54 điểm; chỉ số S&P 500 tăng 0,47% lên 5.344,16 điểm và chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,51% lên 16.745,3 điểm.
Lĩnh vực công nghệ dẫn đầu đà tăng điểm trong phiên cuối tuần này và chỉ số biến động Cboe Volatility Index, đo lường mức độ lo ngại của nhà đầu tư trên Phố Wall, giảm sau khi tăng mạnh vào đầu tuần.
Trong ngày 8/8, các nhà hoạch định chính sách Fed bày tỏ lạc quan rằng lạm phát đang hạ nhiệt đủ để cho phép hạ lãi suất và cho biết sẽ căn cứ vào số liệu kinh tế để quyết định mức hạ và thời điểm hạ lãi suất.
Tuần qua, thị trường đã giảm mạnh trong phiên 5/8, sau đợt bán tháo của tuần trước đó, do báo cáo việc làm tháng 7/2024 của Mỹ yếu hơn dự kiến, gây lo ngại về nguy cơ suy thoái và các nhà đầu tư rút khỏi các giao dịch chênh lệch lãi suất liên quan đến đồng yen.
Tính chung cả tuần, chỉ số S&P 500 giảm 0,05%, chỉ số Dow Jones giảm 0,6% và chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,2%.
Hoạt động giao dịch tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN phát
Theo Giám đốc quản lý giao dịch chứng khoán tại Wedbush Securities (Los Angeles), Michael James, sẽ vẫn có nhiều yếu tố không chắc chắn khiến các nhà giao dịch tiếp tục lo ngại trong tháng tới, cho đến khi diễn ra cuộc họp của Fed.
Fed được cho là sẽ hạ lãi suất tại cuộc họp vào ngày 17-18/9, nhưng các nhà giao dịch đang cân nhắc giữa hai khả năng lãi suất giảm 25 điểm cơ bản và 50 điểm cơ bản.
Các nhà giao dịch hiện nhận định có 51% khả năng lãi suất giảm 50 điểm cơ bản và 49% khả năng lãi suất giảm 25 điểm cơ bản.
Các nhà đầu tư cũng đang chờ các số liệu về giá tiêu dùng và doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 7/2024 sẽ được công bố trong tuần tới để có cơ sở đánh giá về khả năng "hạ cánh mềm" của kinh tế Mỹ.
Tác giả: Văn Giáp