Một số thương vụ dần lộ diện
Theo ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia, số lượng ngân hàng Việt Nam hiện nay vẫn lớn, trong khi đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang từng bước tái cơ cấu và tinh gọn quy mô của hệ thống ngân hàng để lĩnh vực này ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ. Hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng được dự báo sẽ diễn ra sôi động trong năm 2022.
Ông Lê Khánh Lâm, Chủ tịch Công ty RSM Việt Nam nhận định, ngành ngân hàng, bất động sản, tiêu dùng hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian qua và sẽ tiếp tục hấp dẫn trong thời gian tới. Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, mới đây, Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã bán 49% vốn tại FE Credit cho đối tác Nhật Bản, thu về gần 1,4 tỷ USD. Trước đó, cuối tháng 11/2021, Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB) ký kết thỏa thuận bán 100% vốn công ty con FCCOM cho đối tác nước ngoài. Thương vụ dự kiến thực hiện cuối năm 2021, đầu năm 2022, ước tính mang về cho MSB khoảng 1.800 - 2.000 tỷ đồng lợi nhuận.
Nếu như năm 2021, thị trường M&A công ty tài chính tiêu dùng “dậy sóng”, thì năm 2022, nhiều chuyên gia dự báo, thị trường có thể chứng kiến hàng loạt thương vụ ngân hàng nội bán cổ phần cho đối tác ngoại.
Thực tế cho thấy, VPBank chuẩn bị lấy ý kiến cổ đông về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa dành cho nhà đầu tư nước ngoài (room) từ 15% lên 17,5%, nhằm bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài. Đối tác đang được đồn đoán là SMBC - chính là đối tác đã mua lại 49% vốn FE Credit với giá trị kỷ lục gần 1,4 tỷ USD.
Nhiều ngân hàng đang trong tầm ngắm của nhà đầu tư nước ngoài và không ít nhà băng mong muốn được nới tỷ lệ sở hữu tối đa dành cho khối ngoại.
Lãnh đạo VPBank kỳ vọng, kế hoạch trên sẽ hoàn thành trong quý I/2022, giúp vốn chủ sở hữu đạt mức cao kỷ lục, trên dưới 120.000 tỷ đồng. Bởi lẽ, thương vụ bán 15% vốn VPBank cho đối tác ngoại dự kiến mang về giá trị tương đương thương vụ bán 49% vốn FE Credit.
Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) cho hay, Ngân hàng đang đàm phán với đối tác ngoại để bán tiếp cổ phần.
Được biết, giữa năm 2020, OCB đã hoàn tất thương vụ bán 15% cổ phần cho đối tác Nhật Bản là Ngân hàng Aozora, qua đó tăng vốn điều lệ từ 7.898 tỷ đồng lên 8.767 tỷ đồng. Đại hội đồng cổ đông OCB tổ chức tháng 4/2021 đã thông qua kế hoạch chào bán riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Mức giá chào bán sẽ không thấp hơn giá trị sổ sách trên mỗi cổ phần của Ngân hàng thời điểm cuối quý gần nhất khi phát hành.
Một số ngân hàng còn nguyên room đang tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài như Nam A Bank, Bản Việt, Kienlongbank, SCB.
Nới room sẽ tăng thu hút vốn ngoại
Các tổ chức tín dụng đang có nhu cầu tăng tỷ lệ sở hữu của các cổ đông nước ngoài, đặc biệt theo nhu cầu tăng vốn để tiếp tục thực hiện tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu.
Tính chung toàn hệ thống ngân hàng, hiện nay, 19 tổ chức tín dụng có cổ đông là tổ chức nước ngoài sở hữu trên 1% vốn điều lệ, trong đó ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu chi phối có 3/4 ngân hàng và ngân hàng thương mại cổ phần là 16/28 ngân hàng. Trong số này, 11 tổ chức tín dụng có tỷ lệ sở hữu cổ phần của tổ chức nước ngoài trên 15% và 5 tổ chức tín dụng có tỷ lệ sở hữu cổ phần của tổ chức nước ngoài trên 25% (ACB, MSB, Eximbank, TPBank, VietinBank).
Theo quy định tại Nghị định 01/2014/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam, tỷ lệ sở hữu cổ phần nhà đầu tư nước ngoài không quá 5% vốn điều lệ đối với cá nhân nước ngoài; không quá 15% vốn điều lệ đối với tổ chức nước ngoài; không quá 20% vốn điều lệ đối với nhà đầu tư chiến lược; nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan không quá 20% vốn điều lệ. Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ ngân hàng thương mại Việt Nam.
Một số ngân hàng thương mại cổ phần đã và đang làm tốt việc tăng vốn chủ sở hữu từ các cổ đông nước ngoài. Tuy nhiên, các chuyên gia Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, quy định hiện hành về tỷ lệ sở hữu vốn ngoại nếu không được nới sẽ làm giảm sức hấp dẫn của ngân hàng nội đối với nhà đầu tư nước ngoài, thậm chí không ít ngân hàng khó có cơ hội tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM cho biết, nội dung mở nhất về room ngân hàng trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng chỉ là Việt Nam sẽ cân nhắc tích cực đề xuất của các định chế tài chính EU về việc cho phép nắm giữ tối đa 49% vốn điều lệ của hai ngân hàng thương mại của Việt Nam (trừ BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank) trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực (1/8/2021). Hiện chưa có thông tin nào về đề xuất từ phía các định chế tài chính của EU.
Bà Virginia Foote, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Bay Global Strategies nhìn nhận, giữ trần sở hữu nước ngoài ở mức 30% sẽ khó có thể hỗ trợ các ngân hàng thu hút được vốn vốn ngoại. Trong khi đó, đối với ngành ngân hàng, các nhà đầu tư nước ngoài, kể cả nhà đầu tư Mỹ quan tâm đến tổng thể cả ngành cũng như từng ngân hàng để tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc hoạch định chiến lược đầu tư Dragon Capital nhận định, ngân hàng và bán lẻ sẽ là 2 nhóm ngành chủ đạo trong việc thu hút vốn ngoại thời gian tới, với triển vọng nới room của ngành ngân hàng và nhu cầu đang bị dồn nén của ngành bán lẻ.
Hiện tại, rào cản lớn nhất đối với nhà đầu tư nước ngoài trong việc tham gia lĩnh vực tài chính - ngân hàng Việt Nam là giới hạn về room. Việc nới room ngoại là mong đợi của cả ngân hàng nội và đối tác ngoại.
“Nới room sẽ thu hút dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài, giúp các ngân hàng thương mại tăng quy mô vốn chủ sở hữu, tăng năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh, đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu...”, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Ông Hùng đề xuất, quy định tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông nước ngoài nên được phân loại theo nhóm, đối với nhóm các ngân hàng thương mại có thể nới room tùy theo đánh giá, xếp loại của Ngân hàng Nhà nước. Chẳng hạn, ngân hàng thương mại đã đạt chuẩn Basel II, đang tiến tới áp dụng Basel III có thể nâng tỷ lệ góp vốn cổ đông nước ngoài lên cao hơn mức 30%.
Tác giả: Vân Linh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy