Dòng sự kiện:
Khối ngoại vẫn đang duy trì đà bán ròng, chưa đáng lo ngại
13/09/2023 11:30:00
Tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng trong tháng Tám vừa qua đã gây áp lực lên giao dịch của khối ngoại trên thị trường chứng khoán nhưng khối ngoại vẫn đang duy trì đà bán ròng nên chưa đáng lo ngại.

Ảnh minh họa. (Nguồn: SSI)

Tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng trong tháng Tám vừa qua đã gây áp lực lên giao dịch của khối ngoại trên thị trường chứng khoán.

Dù khối ngoại vẫn đang duy trì đà bán ròng, tuy vậy giới phân tích cho rằng điều này vẫn chưa đáng lo ngại.

Báo cáo cập nhật dòng vốn đầu tư toàn cầu của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI vừa công bố cho thấy trong tháng Tám vừa qua, dòng vốn ETF (quỹ hoán đổi danh mục) không lấy lại được xu hướng tích cực mà chuyển sang trạng thái rút ròng 3.400 tỷ đồng ở hầu hết các quỹ sau 2 tháng giao dịch khá cân bằng.

Theo SSI, xét về thị trường, toàn bộ nhóm quỹ có tỷ trọng lớn từ nhà đầu tư châu Á (Đài Loan-Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan) đều bị rút mạnh. Trong số đó, dẫn đầu là Fubon rút ròng 1.274 tỷ đồng. Mặc dù lượng vốn rút chỉ tương đương 6% tài sản quỹ nhưng việc rút đều đặn đã phần nào tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Tương tự, các quỹ KIM Kindex Vietnam (-1.081 tỷ đồng); DCVFM VN30 (-898 tỷ đồng) và VNDiamond (-865 tỷ đồng) cùng rơi vào trạng thái rút mạnh.

Trong khi đó, nhóm quỹ đến từ thị trường Âu Mỹ cũng chịu áp lực rút vốn, nhưng mức độ nhỏ hơn. Cụ thể, quỹ iShares MSCI FM ETF và Xtracker FTSE Vietnam bị rút lần lượt 409 tỷ đồng và 189 tỷ đồng trong tháng Tám vừa qua.

Tính chung trong tháng Tám năm nay, các quỹ ETF đầu tư vào Việt Nam đã bị rút ròng 3.404 tỷ đồng. Đây cũng là mức rút ròng theo tháng lớn nhất từ trước đến nay và đưa giá trị dòng vốn ETF từ đầu năm giảm xuống chỉ còn 2.051 tỷ đồng.

Các chuyên gia của SSI cho rằng hoạt động rút vốn chịu ảnh hưởng mạnh từ tâm lý quản trị rủi ro của nhà đầu tư cá nhân nước ngoài, trong bối cảnh dòng vốn ETF vào Việt Nam có tỷ trọng chủ yếu đến từ các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài và tương quan nghịch chiều với biến động tỷ giá. Thông thường, các giai đoạn tỷ giá USD/VND có biến động mạnh trong tháng (tháng 6/2018, tháng 3/2020, tháng 10/2022) cũng là những giai đoạn dòng vốn ETF ghi nhận rút ròng.

Tuy vậy, tỷ suất lợi nhuận (theo USD) của các quỹ ETF vẫn ghi nhận mức sinh lời khả quan kể từ đầu năm đến nay. Chẳng hạn, SSIAM VNFIN LEAD tăng 33,3%; VanEck Vectors Vietnam tăng 28%; KIM Kindex Vietnam VN30 tăng 20,5%; VFM VN30 ETF tăng 20%; FTSE Vietnam tăng gần 19%; Fubon FTSE Vietnam ETF tăng 18,5%...

Điểm tích cực của dòng vốn ETF trong tháng Tám là quỹ CGS Fullgoal Vietnam 30 Sector Cap ETF với quy mô IPO 25,5 triệu USD đã được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore (SGX) vào ngày 25/8 vừa qua. Quỹ ETF này tham khảo chỉ số SGX iEdge Vietnam 30 Sector Cap, để theo dõi hiệu quả hoạt động của 30 công ty niêm yết lớn nhất và thanh khoản nhất tại Việt Nam theo vốn hóa thị trường. Đây được xem là tín hiệu tích cực cho dòng vốn ETF trong thời gian tới.

Về phía dòng tiền đầu tư từ các quỹ chủ động cũng giao dịch khá thận trọng. Theo SSI, dòng vốn từ các quỹ chủ động đầu tư vào Việt Nam đảo chiều rút ròng nhẹ 167 tỷ đồng trong tháng Tám vừa qua. Tuy nhiên, mức độ rút ròng chỉ chiếm khoảng 0,1% tổng tài sản quỹ. Tính trong 8 tháng, dòng tiền từ các quỹ chủ động duy trì vào ròng hơn 4.000 tỷ đồng.

SSI cho rằng dòng tiền từ các quỹ chủ động thường có xu hướng ổn định hơn và mang xu hướng dài hạn. Do vậy, các biến động của tỷ giá trong ngắn hạn không có nhiều tác động tới vị thế của các quỹ.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo các chuyên gia của SSI, dòng tiền từ các quỹ chủ động vẫn chưa cho thấy các tín hiệu đáng lo ngại ở thời điểm hiện tại. Khác với giai đoạn đầu năm khi định giá thị trường ở mức thấp, yếu tố có thể giúp thúc đẩy dòng vốn từ các quỹ chủ động tiếp tục vào thị trường Việt Nam là kỳ vọng tích cực hơn về tăng trưởng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp và các biện pháp hỗ trợ thực tế hơn từ phía Chính phủ có thể là một điểm cộng. Tuy nhiên, rủi ro cũng cao hơn trong trường hợp tăng trưởng không đạt như kỳ vọng.

Báo cáo chiến lược tháng Chín này của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mới đây cũng nhận định, xu hướng bán ròng của khối ngoại có thể chưa chấm dứt, khả năng sẽ ảnh hưởng tới hiệu suất của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Một phần lý do khiến hoạt động bán ròng có thể tiếp diễn là rủi ro mất giá của đồng VND. Mặc dù lãi suất quỹ liên bang có thể sẽ không thay đổi trong tháng 9, mức chênh lệch giữa lãi suất qua đêm giữa đồng VND và USD vẫn là rất lớn (khoảng 5%), khiến cho đồng VND có thể tiếp tục mất giá.

Tuy vậy, theo VDSC, xu hướng này có thể không gây ra những ảnh hưởng quá tiêu cực tới thị trường chứng khoán Việt Nam. Bởi lẽ, yếu tố này đã được kỳ vọng khi Ngân hàng Nhà nước lựa chọn mạnh tay nới lỏng chính sách tiền tệ. Trong khi đó, tỷ lệ tham gia thị trường của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài-nhóm nhà đầu tư có hành vi giao dịch liên quan tới tỷ giá lại đang giảm dần.

Bên cạnh đó, chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng Tám vừa qua đã phục hồi, vượt ngưỡng 50 điểm, hàm ý hoạt động xuất nhập khẩu cải thiện nhẹ và duy trì thặng dư thương mại.

Dù đà bán ròng của khối ngoại không tác động nhiều đến thị trường, dẫu vậy các chuyên gia cũng lưu ý nhà đầu tư cần theo dõi động thái của khối ngoại. Nếu đà bán ròng vẫn tiếp tục tăng mạnh, cộng thêm tình trạng căng margin (vay ký quỹ) thì khả năng thị trường sẽ có đợt điều chỉnh mạnh trong thời gian tới./.

Tác giả: H.Chung

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến