Dòng sự kiện:
Khối nợ nghìn tỷ của Tisco tại các ngân hàng
10/04/2019 13:03:40
Tình trạng tài chính của Tisco đang đặc biệt khó khăn, có khả năng không trả được các khoản nợ khi đến hạn. Doanh nghiệp có nguy cơ phá sản nếu không được giải cứu kịp thời.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2018, CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco -UPCoM: TIS) ghi nhận doanh thu tăng trưởng 12% lên 10.935 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuân sau thuế chỉ thu về gần 29 tỷ đồng, giảm hơn 70% so với năm trước.

Bên cạnh khó khăn do hoạt động kinh doanh đi xuống, Tisco còn đang mắc kẹt tại dự án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên (một trong 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của Bộ Công thương) và đối mặt với tình trạng tài chính khó khăn.

Cụ thể, công ty đang ghi nhận nợ phải trả hơn 8.700 tỷ đồng, gấp 4,65 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, riêng nợ vay tài chính đã lên đến 5.717 tỷ đồng, tương đương hơn 54% tổng tài sản của doanh nghiệp.

Tisco đang vay nợ hơn 5.700 tỷ đồng.

Thuyết minh về các khoản nợ vay, Tisco phân thành các khoản vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và các khoản vay liên quan đến dự án mở rộng giai đoạn 2.

Với các khoản cho vay liên quan đến dự án mở rộng giai đoạn 2, tổng dư nợ đến cuối 2018 là 3.031 tỷ đồng. Trong đó, khoản vay tại VietinBank có số dư gốc vay là 1.895 tỷ đồng và Ngân hàng Phát triển (VDB) cho vay 1.136 tỷ đồng.

VietiBank và VDB cho vay nghìn tỷ tại Dự án mở rộng GĐ2.

Về các khoản cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, tổng vay ngắn hạn của Tisco là 2.165 tỷ đồng. Trong đó, đơn vị cho vay lớn nhất là BIDV với tổng dư nợ gốc đến cuối 2018 là hơn 1.018 tỷ đồng; tiếp đến VietinBank với 645 tỷ đồng, Indovina là 268 tỷ và MBBank hơn 233 tỷ đồng.

Tổng vay dài hạn phục vụ sản xuất kinh doanh là 521 tỷ đồng. Ngân hàng BIDV vẫn là đơn vị cho vay lớn nhất với tổng dự nợ 377 tỷ đồng; tiếp đến là VietinBank với 59 tỷ, Agribank là 47 tỷ và VDB cho vay 36 tỷ đồng.

Các khoản vay của Tisco để phục vụ sản xuất kinh doanh.

Dòng tiền kinh doanh âm, vay hơn 11.000 tỷ để trả nợ

Trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ năm 2018, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh bị âm 56 tỷ đồng, trong khi năm 2017 vẫn là con số dương 494 tỷ đồng. Việc dòng tiền kinh doanh bị âm chủ yếu do Tisco nâng giá trị hàng tồn kho thêm khoảng 400 tỷ.

Cơ cấu hàng tồn kho cuối năm 2018 của Tisco lớn nhất là thành phẩm với giá trị 1.209 tỷ, tăng 360 tỷ so với cuối năm 2017. Các loại tồn kho khác không có nhiều thay đổi.

Lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư bị âm gần 2 tỷ, trong khi năm ngoái dương 996 tỷ đồng. Điều này là do năm 2017, SCIC đã rút vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng khỏi Tisco.

Lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính năm 2018 là dương 113 tỷ đồng. Trong đó, Tisco chỉ có 2 khoản biến động là tiền thu từ đi vay hơn 11.168 tỷ và tiền trả nợ gốc vay 11.055 tỷ đồng.

Khủng hoảng tài chính, nguy cơ phá sản

Trong tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2019, lãnh đạo Tisco thừa nhận doanh nghiệp này đang lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn, nguy cơ khủng hoảng tài chính dẫn đến phá sản đang hiện hữu nếu không có sự giải cứu kịp thời của Chính phủ, các ngân hàng và các cấp có thẩm quyền.

Trong khi đó, việc SCIC rút 1.000 tỷ đồng ra khỏi Tisco vào cuối tháng 4/2017 đã làm cho các chỉ tiêu tài chính xấu đi, các ngân hàng cho vay vốn ngắn hạn phục vụ sản xuất kinh doanh đánh giá khả năng tài chính của Tisco xuống thấp và đồng loạt tăng lãi suất lên 8%/năm.

Tisco đứng trước nguy cơ phá sản.

Riêng với Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 dù được triển khai từ năm 2007 nhưng đến thời điểm hiện tại, các hạng mục chính của dự án tại khu vực Lưu Xá vẫn chưa hoàn thành. Tổng chi phí đầu tư của dự án là 5.093 tỷ đồng với chi phí lãi vay được vốn hóa là 1.888 tỷ đồng.

Dự án này vẫn đang gặp nhiều khó khăn và chưa có kết quả cụ thể trong việc tháo gỡ khó khăn từ Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện sản xuất kinh doanh của Công ty và tư tưởng người lao động.

Trong khi đó, Ban kiểm soát Tisco cho biết nợ phải trả của công ty đã gấp 4,65 lần vốn chủ sở hữu. Ngoài ra, khả năng thanh toán hiện hành năm 2018 chỉ là 0,7 lần cho thấy tình trạng tài chính đặc biệt khó khăn, có khả năng không trả được các khoản nợ khi đến hạn. Bên cạnh đó, các khoản nợ xấu của công ty gần 852 tỷ, giá trị có thể thu hồi chỉ hơn 393 tỷ đồng.

Theo Người đồng hành

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến