Khởi tố, bắt tạm giam giám đốc tuồn thiết bị y tế hết đát vào bệnh viện
11/08/2014 15:39:00
Mặc dù theo quy định, thiết bị y tế nhập vào Việt Nam phải là mới 100%, nhưng Phạm Hồng Anh (GĐ Cty ANNA) lại nhập toàn thiết bị y tế quá đát để tuồn vào bệnh viện.

Mặc dù theo quy định, thiết bị y tế nhập vào Việt Nam phải là mới 100%, nhưng Phạm Hồng Anh (GĐ Cty ANNA) lại nhập toàn thiết bị y tế quá đát để tuồn vào bệnh viện. Hiện cơ quan điều tra đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Hồng Anh về hành vi "buôn lậu".
 
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, cuối năm 2013, ông Phạm Hồng Anh mở tờ khai hải quan nhập khẩu máy phân tích sinh hóa tại Chi cục hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài. Qua thực tế kiểm tra đối chiếu giữa tờ khai Hải Quan và hàng hóa, lực lượng hải quan phát hiện thấy lô hàng có chứa một máy phân tích sinh hóa Hitachi model 917 (xuất xứ Nhật Bản) và các phụ kiện kèm theo đã qua sử dụng và được "tút tát" lại tuồn về Việt Nam.
 
Ngay sau đó, Cục Điều tra chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan đã khởi tố vụ án “buôn lậu” thiết bị y tế đã qua sử dụng xảy ra tại Cty ANNA, đồng thời chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra. Qua tiến hành xác minh, cơ quan chức năng làm rõ từ năm 2007-2012, Cty ANNA còn nhập khẩu 46 máy phân tích sinh hóa nhãn hiệu Hitachi vào Việt Nam qua chi cục hải quan Gia Lâm và Nội Bài, trong đó có tới 38 máy được nhập từ Cty Fameco của Pháp.

 Một trong những chiếc máy xét nghiệm sinh hoá hết "đát" bị cơ quan chức năng phát hiện.

Đến tháng 4.2013, Cty ANNA có đơn gửi Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) xin nhập khẩu các thiết bị y tế, trong đó có máy phân tích sinh hóa Hitachi model 904, 9119, 917 xuất xứ từ Mỹ, Nhật, Pháp, sản xuất năm 2012, 2013 và mới 100%. Qua đó, Cty này được Vụ Trang thiết bị và công trình y tế cấp giấy phép cho Cty nhập máy như đề nghị, tuy nhiên, trên thực tế các đời máy phân tích sinh hóa mà công ty xin nhập đều đã dừng sản xuất từ nhiều năm nay. Còn Cty Fameco là công ty chuyên mua bán các thiết bị y tế đã qua sử dụng và cung cấp các thiết bị xét nghiệm, thí nghiệm y tế được tân trang.
 
Trước đó, ngày 28.7, đoàn công tác liên ngành gồm Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Sở Y tế Hà Nội, CA huyện Thường Tín đã tiến hành kiểm tra Bệnh viện Đa khoa Thường Tín và phát hiện bệnh viện này sử dụng máy xét nghiệm sinh hóa nhãn hiệu Hitachi 717, series 6312-19 nhưng không rõ nguồn gốc xuất xứ phục vụ công tác khám chữa bệnh.
 
Qua giám định, cơ quan chức năng phát hiện chiếc máy trên "ruột" toàn các chi tiết của Việt Nam, Trung Quốc. Lý giải việc sử dụng máy không rõ nguồn gốc, Bệnh viện đa khoa Thường Tín cho biết do máy xét nghiệm sinh hóa được Sở Y tế Hà Nội cấp bị hỏng nên bệnh viện buộc phải mượn máy của đối tác bên ngoài.
 
Cơ quan chức năng xác định Bệnh viện Thường Tín đã mượn máy xét nghiệm trên của Cty TNHH Phú Cường An (địa chỉ tại Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, Hà Nội) để phục vụ khám chữa bệnh. Tính từ 7.2013 đến nay đã chuyển tiền mua hóa chất cho Cty này lên tới 1,2 tỉ đồng.

 

Ngoài vụ việc được cơ quan chức năng phát hiện ở bệnh viện đa khoa Thường Tín (Hà Nội), hầu hết các máy phân tích sinh hóa được Cty ANNA nhập về là do các đơn vị khác ủy thác. Sau đó số máy hết “đát” đó sẽ được đưa vào một số cơ sở y tế, bệnh viện khám chữa bệnh tuyến huyện tại một số tỉnh dưới hình thức cho mượn. Thực chất việc làm này là nhằm tiêu thụ hóa chất phục vụ việc xét nghiệm sinh hóa tại các cơ sở y tế khám chữa bệnh.
 
Hiện vụ việc đang được cơ quan điều tra tiếp tục mở rộng, làm rõ.

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến