Cử tri lo ngại việc thiếu giám sát sẽ làm ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai và phá vỡ quy hoạch phát triển của từng địa phương.
Chỉ sau 3 tháng gỡ lệnh cấm, tình trạng phân lô bán nền trái phép lại diễn ra tại Phú Quốc
Không có vùng cấm
Trả lời vấn đề nêu trên, Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành thực thi nhiều giải pháp nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm những vụ việc vi phạm trật tự xây dựng.
Cụ thể, ngày 27/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở, trong đó quy định xử phạt đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về trật tự xây dựng như: Thi công sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp; xây dựng không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng; xây dựng không đúng với thiết kế xây dựng được thẩm định, phê duyệt…
Ngày 01/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về việc tăng cường chấn chỉnh trong công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt, Thủ tướng yêu cầu “Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công tác lập, quản lý quy hoạch, quản lý hoạt động xây dựng. Xử lý nghiêm, kịp thời, dứt điểm các vi phạm tại địa phương”.
Bên cạnh đó, Bộ này cũng cho biết thời gian tới sẽ triển khai Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu Nghị định để thay thế Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị; sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành xây dựng. Đồng thời, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về xây dựng theo quy hoạch được duyệt; tiến hành thanh tra, kiểm tra giám sát các công trình ngay từ giai đoạn khởi công đến khi hoàn thành công trình đưa vào sử dụng và xử lý nghiêm vi phạm theo quy định pháp luật; không có vùng cấm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
"Xử lý nghiêm cán bộ, công chức có thẩm quyền để xảy ra vi phạm mà không xử lý, xử lý không kịp thời, không triệt để hoặc có hành vi dung túng, bao che cho hành vi vi phạm" - Bộ Xây dựng khẳng định.
Sửa luật cho phù hợp thực tế
Theo tìm hiểu của phóng viên, thời gian gần đây tình trạng phân lô bán nền trái phép xảy ra tràn lan ở khắp các địa phương, trong đó nở rộ nhất có thể kể đến ở TP.HCM và các tỉnh vùng ven. Trong đó, câu chuyện về 29 dự án ma của Công ty Alibaba xảy ra năm 2019 tại Đồng Nai là hồi chuông cảnh báo về tình trạng phân lô bán nền nhưng không xử lý kịp thời đã để lại những hậu quả đối với người dân.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, mặc dù TP đã ban hành Quyết định 60/2017/QĐ-UBND quy định diện tích tối thiểu được tách thửa, tuy nhiên nhiều “đầu nậu” đã lợi dụng kẽ hở trong quy định để tách thửa các thửa đất lớn hơn 2.000m2.
Với nhiều hình thức cảnh báo khác nhau của các cấp chính quyền, kể cả cắm biển cảnh báo không có dự án phân lô, bán nền tại rất nhiều khu đất nông nghiệp, nhưng nhiều khu đất nông nghiệp vẫn rao bán công khai trên mạng internet.
Tại Vũng Tàu, mới đây một khu đất rộng 60ha đất nuôi trồng thủy sản cũng vừa bị Cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh này lên tiếng cảnh báo bởi một số đối tượng phân thành 586 nền đất bán trái phép cho người dân.
Thậm chí như tại Phú Quốc, chỉ 3 tháng sau khi chấm dứt hiệu lực công văn 651 ngày 15/5/2018 về việc cấm phân lô, tách thửa hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại huyện đảo Phú Quốc, tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái quy định pháp luật tại đây đã quay trở lại và diễn biến phức tạp hơn khiến UBND tỉnh Kiên Giang một lần nữa phải buộc tiếp tục lệnh cấm phân lô bán nền tại địa phương này.
Theo ông Lê Hoàng Châu, nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là do hệ thống pháp luật hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập. Cụ thể, Luật Kinh doanh bất động sản chỉ điều chỉnh các hành vi kinh doanh bất động sản kể từ thời điểm các bên đã giao kết hợp đồng, nhưng không điều chỉnh các hành vi xảy ra trước thời điểm ký kết hợp đồng kinh doanh.
Do đó, theo ông Châu cần bãi bỏ quy định tại Khoản 31 Điều 2 Nghị định 01/2017 về việc cho phép "tách thửa đối với từng loại đất, trong đó có đất nông nghiệp”, dẫn đến hệ quả làm gia tăng tình trạng phân lô, tách thửa tràn lan.
Đồng thời cần thống nhất quy định về "đặt cọc" giữa các luật để bảo đảm giao kết hợp đồng của các bên có thể tuân thủ. Đơn cử trường hợp "đặt cọc" để bảo đảm giao kết hợp đồng mua bán bất động sản hình thành trong tương lai, các pháp nhân phải vừa tuân thủ quy định của Bộ luật Dân sự, vừa tuân thủ quy định của Luật Kinh doanh bất động sản.
Ngoài ra, để thống nhất pháp luật và tạo điều kiện cho người dân, cơ quan soạn thảo cần bổ sung quy định trong Luật Kinh doanh bất động sản về giá trị đặt cọc không vượt quá 5% giá tạm tính của sản phẩm bất động sản.
Tác giả: Diệu Hoa
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy