Dòng sự kiện:
Không để cho vay ngang hàng biến tướng xấu
10/03/2019 12:05:49
Cho vay ngang hàng (P2P Lending), mô hình kinh doanh mới đang phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới và hiện có xu hướng gia tăng mạnh tại Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng giống như ở các nước đang phát triển mô hình này, P2P Lending tại Việt Nam đã manh nha xuất hiện những hoạt động biến tướng, vi phạm pháp luật về ngân hàng và tín dụng, cần sớm có giải pháp quản lý tổng thể.  

Cho vay trên nền tảng công nghệ

Xuất hiện lần đầu tiên tại Anh năm 2005, P2P Lending là một loại hình dịch vụ sáng tạo dựa trên nền tảng công nghệ số kết nối trực tiếp người vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính. Công ty P2P Lending sẽ cung cấp nền tảng giao dịch trực tuyến (Platform) để người vay kết nối trực tiếp vay mượn với người cho vay. Toàn bộ hoạt động vay, trả nợ (gốc, lãi) giữa người vay và người cho vay được nền tảng giao dịch trực tuyến ghi nhận và lưu trữ bằng các bảng điện tử, số hoá.

Quản lý chặt cho vay ngang hàng

Hiện nay, P2P Lending đã phát triển ở nhiều dạng thức khác nhau. Tại Việt Nam, hệ thống pháp luật chưa có quy định quản lý riêng và cũng không cấm (trừ trường hợp được xác định là hoạt động ngân hàng) nên mô hình này xuất hiện cách đây khoảng 2 năm với 40 công ty đang hoạt động theo dạng thức truyền thống.

Năm 2018 là năm chứng kiến sự bùng nổ của loại hình kinh doanh này ở Việt Nam. Người có nhu cầu vay vốn trực tuyến có thể nhận tiền trong vòng 1-2 giời với thủ tục nhanh chóng. Có thể dễ dàng tìm thấy những trang web quảng cáo cho vay tiền kiểu này như: huydong.com, vaytieudung… Lãi suất cho vat được công bố là 10-20%/năm cộng với chênh lệch quản lý là 1-5%/năm. Tuy nhiên, trên thực tế, các trang cho vay thường tính theo lãi suất tháng, lên tới trên 30%/tháng, có trường hợp người vay phải trả lãi suất “khủng” là 720%/năm.

Nhiều biến tướng từ cho vay ngang hàng

Thông tin tại cuộc họp chiều 6/3, do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì một số bộ, ngành liên quan để nghe Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) báo cáo về hoạt động P2P Lending, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Chí Quang cho biết, nếu được quản lý tốt, P2P Lending sẽ góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, đặc biệt là tại các địa bàn mà hệ thống tài chính chưa phát triển, người dân, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa ít có khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính-ngân hàng với chi phí thấp, ít thủ tục.

Tuy nhiên, ở một số quốc gia, P2P Lending đã bị lợi dụng, từ đó biến tướng gây bất ổn an ninh kinh tế và xã hội. Thay vì làm trung gian kết nối thông tin, có công ty P2P Lending đã huy động tài chính đa cấp để lừa đảo, chiếm dụng vốn; huy động vốn để cho vay tràn lan, làm phát sinh nợ xấu, mất khả năng thanh toán và thực hiện chức năng thanh toán trung gian bất hợp pháp nhằm chiếm dụng vốn, lừa đảo...

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho rằng, những hệ luỵ này biểu hiện rõ nhất tại Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á. Khi Chính phủ Trung Quốc thắt chặt quản lý P2P Lending thì các công ty chuyển địa bàn hoạt động sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Trong 40 công ty P2P Lending đang hoạt động ở nước ta thì có 10 công ty có nguồn gốc từ Trung Quốc, một số công ty từ Indonesia và Singapore. Theo đại diện NHNN, một số công ty trong số 40 doanh nghiệp này đã xuất hiện những hoạt động biến tướng, vi phạm pháp luật về ngân hàng và tín dụng.

Đưa hoạt động P2P Lending vào khuôn khổ

Tại cuộc họp, lãnh đạo các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Tư pháp đều nhận định, pháp luật Việt Nam chưa quy định và cũng không cấm P2P Lending, đồng thời thống nhất phải có khuôn khổ pháp lý phù hợp để quản lý và đây là loại hình kinh doanh có điều kiện, phải được cơ quan Nhà nước cấp phép.

Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh đề nghị Chính phủ ban hành một nghị quyết để cho chủ trương thực hiện và Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định cho phép thí điểm thực hiện để có thể tiến tới tổng kết, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quản lý. Theo đó, trước mắt nên quản lý trong phạm vi P2P Lending kết nối trực tiếp người vay với người cho vay như phần lớn các công ty đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay và chưa mở rộng cho sự tham gia của các tổ chức tài chính, đồng thời không cho phép các công ty P2P Lending được quyền huy động vốn để cho vay.

Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định đây là xu hướng mới và sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai tại Việt Nam vì những lợi ích và tiện ích mang lại cho các bên liên quan. Các cơ quan này cũng cho rằng cần nhanh chóng tiếp cận và sớm quản lý các dạng thức của P2P Lending, đồng thời đề nghị NHNN và các bộ nghiên cứu để cho phép cả các công ty tài chính cũng có thể tham gia mô hình này.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng tình với kiến nghị của các bộ, ngành, cho rằng dự thảo Quyết định của Thủ tướng quy định về phương thức hoạt động truyền thống của P2P Lending, kết nối trực tiếp người vay với người cho vay, đồng thời xem xét việc mở rộng sự tham gia của các tổ chức tài chính. Đồng thời nhấn mạnh, Dự thảo Quyết định thể hiện rõ quan điểm Nhà nước nghiêm cấm và sẽ xử lý nghiêm các hành vi biến tướng của mô hình kinh doanh mới này do vi phạm pháp luật quy định tại Khoản 2, Điều 8, Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010: “Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán”.

“Một mặt nhanh chóng tiếp cận với các mô hình kinh doanh mới nhưng phải tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này”, Phó Thủ tướng nêu rõ

Các bộ, ngành tiếp tục đánh giá rõ hơn thực trạng hoạt động của 40 công ty P2P Lending ở Việt Nam, là nhiệm vụ được Phó Thủ tướng đưa ra, đồng thời giao NHNN là cơ quan chủ trì soạn thảo Quyết định của Thủ tướng, bao gồm các nội dung cơ bản về khuôn khổ quản lý rủi ro, thanh tra, kiểm tra, giám sát và trách nhiệm của từng bộ, ngành liên quan.

Theo báo Công thương

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến