Dòng sự kiện:
Không để người cao tuổi bị bỏ lại trong cuộc chiến chống COVID-19
24/09/2021 11:39:50
Người cao tuổi là những người đặc biệt dễ bị tổn thương do hệ miễn dịch kém, thường mắc sẵn các bệnh lý như tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch.. Bởi vậy, không một người cao tuổi nào sẽ bị bỏ lại trong cuộc chiến.

Đại dịch COVID-19 đã khiến cả thế giới bị ảnh hưởng nặng nề về sức khoẻ con người, tài sản, kinh tế; trong đó người cao tuổi là đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương hơn cả.

BS Hoàng Thị Bạch Dương, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Hà Nội, kiêm Giám đốc Cty TNHH Chăm sóc giảm nhẹ Chân Trời Mới, cho biết, COVID-19 là bệnh truyền nhiễm, chủ yếu lây truyền qua các giọt bắn văng ra khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc thở ra. Mọi người có thể bị nhiễm bệnh khi hít phải virus SARS-CoV-2 khi đang ở gần người nhiễm, hoặc chạm vào bề mặt có virus, rồi lại chạm tay vào mắt, mũi, miệng.

BS Hoàng Thị Bạch Dương, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Hà Nội, kiêm Giám đốc Cty TNHH Chăm sóc giảm nhẹ Chân Trời Mới trao đổi với ANTT.

Mọi người cần chung tay hành động, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo và yêu cầu của bác sỹ, chuyên gia.

Để bảo vệ người cao tuổi trước dịch COVID-19, BS Dương chia sẻ: “Người cao tuổi cần phải được duy trì tập thể dục hoặc vật lý trị liệu thường xuyên, tối thiểu 30 phút mỗi ngày, tập luyện chủ động hoặc bị động với sự hỗ trợ của các nhân viên chăm sóc. Thực hành các sở thích, thư giãn, thiền… tuỳ theo điều kiện sức khoẻ".

Bà cũng nhấn mạnh, chế độ dinh dưỡng đầy đủ và đa dạng là hết sức quan trọng. Việc tăng cường nhiều rau xanh, vitamin và khoáng chất đặc biệt quan trọng. Bên cạnh đó, người cao tuổi cần được duy trì nhắc nhở hoặc hỗ trợ người cao tuổi uống đủ nước (tối thiểu 1,5 lít mỗi ngày).

Cũng liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe, bảo vệ người cao tuổi, BS Lê Minh Thanh, Phó phòng chị đạo tuyến, Trung tâm Huấn luyện Đào tạo - Bệnh Viện 108 chia sẻ: “Ở người cao tuổi, sự lão hóa tự nhiên của cơ thể sẽ gây nên nhiều biến đổi của cơ thể. Điều này làm suy giảm miễn dịch và tăng phản ứng viêm.

BS Lê Minh Thanh, Phó phòng chị đạo tuyến, Trung tâm Huấn luyện Đào tạo - Bệnh Viện 108

Người cao tuổi có nhiều nguy cơ bị bệnh nặng khi mắc COVID-19 như nhập viện, chăm sóc tích cực hoặc dùng máy thở để có thể hô hấp được, thậm chí tử vong, đặc biệt ở người cao tuổi có nhiều bệnh nền chưa được kiểm soát tốt như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận mạn, bệnh phổi mạn, bệnh tim mạn, ung thư…”.

BS Thanh đánh giá, nguy cơ tăng dần ở người từ 50 tuổi và tăng thêm với mỗi nhóm tuổi 60, 70 và 80. Người trên 85 tuổi có nguy cơ cao nhất nhiễm bệnh và bệnh diễn tiến nặng.

Để bảo vệ sức khỏe bản thân trong lúc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, BS Thanh khuyến cáo, người cao tuổi nên rửa tay thường xuyên, tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng khi chưa rửa tay.

Khi ho hoặc hắt hơi, hãy dùng khăn giấy hoặc mặt trong khuỷu tay, sau đó hãy rửa tay. Làm sạch và khử trùng các bề mặt và đồ vật thường chạm vào bằng dung dịch tối thiểu 60% cồn.

Đặc biệt, người cao tuổi phải tuân thủ chế độ điều trị các bệnh lý nền mạn tính một cách đều đặn, không được ngưng thuốc, chuẩn bị sẵn những thuốc thường dùng để sử dụng trong thời gian lâu dài.

“Với những người có bệnh nền mãn tính, cần duy trì chế độ điều trị một cách đều đặn, chuẩn bị sẵn cơ số những thuốc thường dùng để sử dụng trong thời gian lâu dài”, BS Thanh nói.

Luật sư Diệp Năng Bình, Giám đốc Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật chia sẻ về vấn đề dưới góc độ pháp lý, pháp luật nước ta ghi nhận trong Luật Người cao tuổi năm 2009 về độ tuổi để công dân Việt Nam được xác định là người cao tuổi tại Điều 2. Cụ thể, "người cao tuổi được quy định trong Luật này là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên.

Một buổi khám, tiêm vaccine cho người cao tuổi vào chiều 20/09/2021, tại Trung tâm Chăm sóc giảm nhẹ Chân trời mới (TT Văn Giang, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). 

Theo đó, đối với người đủ 60 tuổi, tức là kể từ ngày sinh nhật lần thứ 60 tính theo năm dương lịch, người đó được xác định vào nhóm người cao tuổi và được hưởng các quyền lợi theo pháp luật quy định đối với người cao tuổi như: Được bảo đảm các nhu cầu cơ bản về ăn, mặc, ở, đi lại, chăm sóc sức khoẻ. Được ưu tiên khi sử dụng các dịch vụ theo quy định pháp luật. Được ưu tiên nhận tiền, hiện vật cứu trợ, chăm sóc sức khỏe và chỗ ở nhằm khắc phục khó khăn ban đầu khi gặp khó khăn do hậu quả thiên tai hoặc rủi ro bất khả kháng khác...

Có thể thấy, thời gian qua chính sách hỗ trợ người cao tuổi được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Tuy bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, nhưng công tác người cao tuổi năm 2020 vẫn được Chính phủ, các Bộ, ngành, đoàn thể và các địa phương quan tâm, chủ động triển khai.

Những đổi mới tích cực trong hoạt động truyền thông cả về nội dung, phương pháp, đối tượng, thời điểm mang lại nhiều hiệu quả thực chất trong việc nâng cao nhận thức, tạo sự lan tỏa rộng rãi trong của xã hội về vấn đề người cao tuổi, thu hút sự quan tâm và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư trong công tác người cao tuổi. Các tỉnh, thành phố chủ động trong triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với người cao tuổi. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải cần đẩy mạnh một số biện pháp hỗ trợ hơn nữa với người cao tuổi.

Người cao tuổi đang sinh sống tại các cơ sở chăm sóc dài hạn như: các trung tâm bảo trợ xã hội, phục hồi chức năng và nhà dưỡng lão cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt để tránh nguy cơ lây nhiễm và những hệ quả bất lợi khác từ COVID-19. Người cao tuổi đang sống một mình có thể gặp phải những khó khăn nhất định trong việc tiếp cận thông tin chính thống, thực phẩm, thuốc và các vật dụng cần thiết khác trong thời gian cách ly. Đây là lý do mà người cao tuổi rất cần hỗ trợ của cộng đồng”.

Đoàn Tân

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến