Dòng sự kiện:
'Không để thâu tóm độc quyền, gây lãng phí tài nguyên tần số'
18/04/2022 16:37:49
Cần phải có quy định về giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức được phép nắm giữ, sử dụng để tránh trường hợp xảy ra tình trạng thâu tóm độc quyền, sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên tần số.

Sáng 18/4, tiếp tục chương trình phiên họp tứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Tránh để “rơi” vào tay doanh nghiệp yếu kém

Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Đức Long nhấn mạnh, mục tiêu của luật là thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng về hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh.

Liên quan đến vấn đề giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức, doanh nghiệp được phép sử dụng, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thấy rằng, tổng lượng băng thông của băng tần di động là hữu hạn, doanh nghiệp càng nắm giữ nhiều băng tần di động thì càng có lợi thế cạnh tranh.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy. Ảnh: Quốc hội

"Nếu không có quy định về giới hạn tổng độ rộng băng tần thì có thể xảy ra tình trạng một tổ chức, doanh nghiệp sẽ sở hữu quá nhiều tài nguyên viễn thông/tần số, làm giảm hoặc thậm chí triệt tiêu tính cạnh tranh của thị trường kinh doanh, cung cấp dịch vụ viễn thông” - Chủ nhiệm Lê Quang Huy nói.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường tán thành việc cần phải có quy định về giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức được phép nắm giữ, sử dụng để tránh trường hợp xảy ra tình trạng thâu tóm độc quyền, sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên tần số. Quy định này cũng tương tự như quy định của nhiều nước trên thế giới đang áp dụng.

Thảo luận về dự án luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, dự án luật tuy phạm vi sửa đổi không nhiều nhưng lại rất quan trọng vì liên quan đến tài sản quốc gia đặc biệt có ý nghĩa và ngày càng có giá trị trong bối cảnh phát triển xã hội số, kinh tế số cũng như hội nhập. Do đó cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, nhất là những quan điểm, tư tưởng, vấn đề lớn cần được đặt ra phù hợp.

Góp ý vào nội dung cụ thể, về vấn đề giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức, doanh nghiệp được phép sử dụng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, quy định cần khắc phục được việc doanh nghiệp có năng lực không được phân bổ hoặc phân bổ ít trong khi anh không có năng lực lại sở hữu, thậm chí sở hữu nhiều. Vì thế, cần nguyên tắc phân bổ.

“Nên chăng tính toán tỉ lệ xác định trên quy mô doanh nghiệp như năng lực, vốn đầu tư, hạ tầng cơ sở CNTT và truyền thông, mức độ công nghệ đang sở hữu, rồi năng lực theo tiêu chuẩn ISO lĩnh vực này, để đảm bảo công bằng, minh bạch, công khai, thúc đẩy cạnh tranh, nâng cao chất lượng, khắc phục tích tụ tần số gây lãng phí tài nguyên quốc gia” – ông Vương Đình Huệ đặt vấn đề, đề nghị luật cần cụ thể hoá các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ cho minh bạch để tránh thêm các văn bản dưới luật.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Quốc hội

Vì sao 10 năm không thực hiện đấu giá?

Về phương thức cấp giấy phép quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, dự thảo Luật tiếp tục kế thừa các quy định của Luật hiện hành, gồm: Cấp giấy phép trực tiếp; thông qua thi tuyển và đấu giá.

Đặt vấn đề vì sao 10 năm qua, từ ngày có luật đến nay chưa có trường hợp nào đấu giá hay thi tuyển mà toàn cấp trực tiếp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị lý giải “chứ quy định ra mà không làm thì không tác dụng”. Đồng thời việc sửa đổi phải cụ thể, rành mạch các trường hợp cấp phép trên để luật ra là thực hiện được ngay. Hơn nữa, đấu giá thực hiện theo luật này hay theo Luật Đấu giá tài sản cũng phải rõ.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, luật đặt vấn đề tách bạch khi nào đấu giá, khi nào thi tuyển nhưng nội dung dự thảo không thực sự rõ, thiếu tiêu chí xác định.

“Luật giao Thủ tướng Chính phủ quyết định nhưng quyết định đó dựa trên tiêu chí, cơ sở nào? Luật thể hiện không rõ ràng, không quy định các tiêu chí, điều kiện của băng tần được đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện làm cơ sở cho Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định” – ông Hoàng Thanh Tùng nói, đồng thời lưu ý theo quy định thì trình tự, thủ tục đấu giá phải thực hiện theo Luật Đấu giá tài sản, do đó nếu tần số vô tuyến điện có đặc thù thì phải sửa luật chứ không thể dùng luật này để điều chỉnh.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, băng tần vô tuyến điện là tài sản công nên bắt buộc phải đấu giá. Giá trị thương mại của băng tần cũng cao nên đấu giá có thể tạo thêm nguồn cho ngân sách nhà nước. Đấu giá còn tạo cạnh tranh lành mạnh. Trình tự thủ tục đấu giá phải theo Luật đấu giá tài sản, còn các điều kiện thì theo luật chuyên ngành. Nếu cần có trình tự thủ tục riêng đặc thù thì cần sửa luật.

Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Đức Long.

Báo cáo giải trình thêm tại phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Phạm Đức Long nhấn mạnh, tần số là tài sản vô cùng quý hiếm, có giá trị rất cao và theo quy định phải thực hiện đấu giá. Tuy nhiên, nhiều năm qua chưa thực hiện đấu giá tần số vì có vướng mắc, nhất là Luật Đấu giá tài sản điều chỉnh các phương pháp xác định giá không phù hợp với tần số. Tuy nhiên, Luật Quản lý sử dụng tài sản công vào năm 2017 đã tạo căn cứ và Chính phủ đã ban hành nghị định liên quan cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép... Cùng với việc trình sửa đổi một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện thì việc đấu giá tần số sắp tới là có thể triển khai được.

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm, lượng tần số có thể mang ra kinh doanh chỉ khoảng 15% và không tăng được nữa; 85% dành cho các mạng chuyên dùng, trong đó có quốc phòng và an ninh. Luật quy định rõ khi có tình huống khẩn cấp thì tất cả tần số quay về quốc phòng, an ninh vô điều kiện. 15% tần số này đem kinh doanh, nếu có đấu giá thì chỉ những doanh nghiệp pháp nhân Việt Nam hoặc sở hữu của Việt Nam trên 50% mới được cấp./.

Tác giả: Ngọc Thành

Theo: VOV
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến