Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng trong quy hoạch các dự án chính quyền Hà Nội cần lấy ý kiến của người dân, doanh nghiệp để tìm tiếng nói đồng thuận, hài hòa lợi ích.
Người dân ủng hộ nhưng… còn băn khoăn
Những mảng tường bong tróc, nứt vỡ lộ cả lõi sắt hoen gỉ, hệ thống cầu thang sụt lún... là hình ảnh ở những chung cư cũ được xây dựng từ nhiều thập kỷ trước. Người dân sống tại các chung cư cũ thì cơi nới thêm hệ thống "chuồng cọp" đặt hệ thống bình nước trọng tải lớn lên sân thượng đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết cấu, gây ra hiện tượng nghiêng và sụt lún, không an toàn với các chung cư.
Ông Trần Văn Nghiêm ở khu tập thể 3 tầng, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội cũng như nhiều hộ dân ở đây rất mong dự án cải tạo chung cư cũ được triển khai. Căn phòng hơn 20 m2 của gia đình ông Nghiêm xuống cấp nghiêm trọng hàng chục năm nay. Tường nhà thấm mốc, trần bong tróc hàng mảng, mỗi khi trời mưa là phải chịu cảnh thấm dột.
Thành phố Hà Nội hiện có 1.579 chung cư cũ, nhiều nhất cả nước.
“Chủ đầu tư dự án đã cùng UBND phường khảo sát và họp cùng cư dân một lần nhưng từ đó tới nay đã vài năm chưa thấy có công việc, triển khai cụ thể. Người dân băn khoăn với các thông tin về dự án, như tầng cao của các tòa nhà sau khi cải tạo, khu vực không gian quanh chung cư, đặc biệt là diện tích bồi thường, diện tích trong sổ đỏ được bồi thường sao, diện tích người dân cơi nới được bồi thường như thế nào?” - ông Nghiêm nói.
Với bà Vân ở nhà chung cư cũ Thành Công, phường Thành Công lại băn khoăn: “Người dân chưa đi vì chưa biết ai đầu tư. Người dân sẵn sàng hợp tác nhưng với điều kiện chủ đầu tư đến thống nhất các phương án xây dựng, đền bù tái định cư… Chủ đầu tư phải có kế hoạch, có cam kết dưới sự giám sát của người dân và chính quyền”.
Câu chuyện về quyền lợi của người dân khi cải tạo chung cư vẫn là nút thắt, khi việc cải tạo đền bù giải phóng mặt bằng phải tìm được tiếng nói đồng thuận dự án mới có tính khả thi.
Lợi ích hài hòa trong quy hoạch
Sau Nghị định 69 của Chính phủ về cải tạo chung cư cũ có hiệu lực, HĐND thành phố Hà Nội đã có Nghị quyết về cải tạo xây dựng chung cư cũ. Thành phố Hà Nội quyết tâm triển khai các dự án cải tạo chung cư cũ trên địa bàn.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến năm 2020, trên địa bàn thành phố có 1.579 chung cư cũ, nhiều nhất cả nước. Diện tích các căn hộ phần lớn chỉ khoảng 30-50m2/căn. Qua nhiều thập niên sử dụng, hầu hết các nhà chung cư cũ đã bị đục phá, cơi nới, biến đổi cấu trúc, gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình; nhiều nhà xuống cấp, thậm chí hư hỏng nặng...
Chung cư cũ số 30A Lý Thường Kiệt sau khi được xây dựng lại.
Cải tạo chung cư cũ để đảm bảo đời sống của người dân, góp phần vào công cuộc tái thiết đô thị, hướng tới đô thị xanh, hiện đại. Điều này được thành phố Hà Nội quyết tâm thực hiện trong giai đoạn trước mắt là 2021 - 2025.
Quá trình cải tạo chung cư cũ được chia thành nhiều giai đoạn và mốc thời gian cụ thể. Trong đó, chi khoảng hơn 500 tỷ đồng cho giai đoạn 2021-2025 để thực hiện tổng rà soát, khảo sát, kiểm định chung cư.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, thành phố Hà Nội đang có những bước tiến mới trong việc cải tạo, xây mới chung cư cũ trong thời gian tới đây. Các quy định đã rõ ràng nhưng thực hiện trong thực tiễn còn nhiều tranh cãi, băn khoăn tính khả thi của các quy định mới.
“Nếu quy hoạch chỉ được lập trên cơ sở chủ quan của chính quyền thì tính lợi ích của chủ đầu tư có được tính đến đầy đủ hay không, đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân có thỏa đáng, phù hợp với lợi ích các bên? Khi lợi ích các bên trong dự án cải tạo chung cư cũ không đảm bảo dự án lại sẽ khó khăn, lại rơi vào vòng luẩn quẩn. Doanh nghiệp vào rồi, lại ra. Quy hoạch chủ động là tốt rồi, lập, phê duyệt nên lấy ý kiến của doanh nghiệp, người dân ở khu vực giải tỏa để tìm tiếng nói chung, thuận lợi” - ông Đính nêu ý kiến.
Ông Trần Duy Độ, Giám đốc đầu tư Công ty Cổ phần đầu tư tài chính Toàn Cầu (đơn vị là chủ đầu tư chung cư số 30A Lý Thường Kiệt) cho rằng, để thực hiện được dự án cải tạo chung cư cũ là trách nhiệm của các bên liên quan, gồm: Chủ sở hữu, chủ đầu tư, các cấp chính quyền địa phương và người dân.
“Để giải quyết tổng thể, hài hòa lợi ích các bên liên quan, chính quyền phải tổ chức kiểm định đánh giá lại toàn bộ các khu chung cư, sắp xếp quỹ nhà tạm cư và chịu trách nhiệm tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, kết hợp tham khảo ý kiến các chủ sở hữu căn hộ. Chỉ khi nhận được đa số người dân đồng tình thì dự án mới có thể triển khai được, đây là điểm mấu chốt” - ông Độ nói./.
Tác giả: Phương Hoài
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy