Khu công nghiệp Amata (Đồng Nai) đang được thí điểm chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái. Ảnh: Lê Toàn
Phát triển khu công nghiệp đa chức năng
Mô hình phát triển khu công nghiệp truyền thống đang dần bộc lộ những hạn chế trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư chất lượng cao. Theo ông Phạm Thanh Trực, Phó Ban quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM, nhiều ưu thế trong thu hút đầu tư của Thành phố đã giảm so với các địa phương lân cận do giá thuê đất và chi phí lao động cao, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, còn tập trung vào các ngành thâm dụng lao động, ngành có giá trị gia tăng thấp…
Ông Trực cho rằng, trước bối cảnh phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khi các yếu tố đầu vào truyền thống như lao động giá rẻ, tài nguyên dồi dào… không còn là thế mạnh, đòi hỏi phải quy hoạch khu công nghiệp theo bối cảnh mới, xây dựng mô hình phù hợp với mục tiêu thu hút dự án lớn theo định hướng của TP.HCM, dự án công nghiệp hỗ trợ và đổi mới sáng tạo.
Trong kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021-2030, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phổ biến, nhân rộng các mô hình cộng sinh công nghiệp, mô hình khu, cụm công nghiệp, làng nghề sinh thái và bền vững…
Theo đó, trước mắt, TP.HCM sẽ triển khai thí điểm chuyển đổi Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) sang khu công nghiệp sinh thái với tổng diện tích cả 3 giai đoạn lên tới 1.300 ha. Tại đây, TP.HCM sẽ xây dựng cảng biển tập trung lớn nhất Thành phố, khu đô thị hiện đại với đầy đủ hạ tầng xã hội, các dịch vụ phục vụ khu công nghiệp và công nghiệp cảng.
Với các nhà phát triển bất động sản công nghiệp, việc đổi mới để đáp ứng khẩu vị khắt khe của các tập đoàn đa quốc gia cũng được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng khi quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp mới.
Chẳng hạn, tại VSIP Group, từ khi bước vào thị trường năm 1996 với dự án Khu công nghiệp VSIP 1 tại Bình Dương với mục đích đơn thuần là cho thuê đất với quy mô 500 ha, tới nay trở thành một trong những khu công nghiệp kiểu mẫu của Việt Nam nhờ hệ thống quản lý và kết cấu hạ tầng đều đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Nguyễn Chí Toàn, Giám đốc Marketing VSIP Group cho biết, năm 2007, VSIP Group bắt đầu chuyển từ mô hình kinh doanh “cắt đất cho thuê” thuần túy sang mô hình khu đô thị dịch vụ công nghiệp cho tất cả các dự án.
Lấy ví dụ về dự án Khu công nghiệp VSIP 3 tại Bình Dương với quy mô 1.000 ha, tổng vốn đầu tư 6.407 tỷ đồng vừa được khởi công, ông Toàn cho biết, dự án này đánh dấu cột mốc quan trọng khi VSIP Group thực hiện việc chuyển đổi chiến lược kinh doanh theo hướng phát triển bền vững với thiết kế tích hợp công nghệ thông minh trong các hoạt động tại khu công nghiệp.
Tại COP26, Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nên việc đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp sinh thái là rất quan trọng. Đây không chỉ là xu hướng, mà còn tạo ra giá trị bền vững cho thế hệ tương lai.
Không chỉ VSIP, nhiều nhà phát triển công nghiệp khác cũng tham gia cuộc đua hình thành “lối sống” công nghiệp mới. Trong đó, khu công nghiệp vẫn là “trái tim”, còn các hạng mục đô thị và dịch vụ sẽ hoàn chỉnh như một thành phố vệ tinh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo sẽ được ưu tiên sử dụng, kinh tế tuần hoàn được chú trọng nhằm đảm bảo yếu tố phát triển bền vững.
Là một trong những nhà phát triển bất động sản công nghiệp nước ngoài xuất hiện sớm nhất tại Việt Nam từ năm 1994, bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc điều hành Amata Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần mở rộng giới hạn quy mô diện tích của khu công nghiệp để các nhà đầu tư hạ tầng có thể xây dựng chính sách thu hút đầu tư trong dài hạn.
Bà Somhatai Panichewa cho biết, hiện nay, các thành phố công nghiệp thông minh ở các quốc gia Tiểu vùng sông Mekong mở rộng đều có diện tích trên 10.000 ha. Các thành phố này đều có nền sản xuất cao, chi phí thấp, năng lượng xanh và môi trường tốt, mức xả thải rất thấp. Đây cũng là mô hình Amata mang đến Việt Nam.
“Dù ở Đồng Nai hay Quảng Ninh, Amata đều lấy khu công nghiệp là cốt lõi với nền sản xuất cao, thân thiện với môi trường, từ đó hình thành và xây dựng cộng đồng dân cư chất lượng cao, tiến tới xây dựng một thành phố thông minh. Ở thành phố thông minh này, các yếu tố sản xuất, năng lượng, giáo dục, quản trị, xử lý chất thải… đều phải sử dụng công nghệ thông minh để cải tiến và tạo ra giá trị thặng dư cho cộng đồng, nhân viên, khách hàng và các bên liên quan”, bà Somhatai Panichewa nhấn mạnh.
Hướng đến phát triển xanh và bền vững
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, cả nước có 335 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 100.000 ha. Các khu công nghiệp đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng bền vững hơn cả về kinh tế, xã hội và môi trường để đáp ứng nhu cầu đầu tư, sản xuất ngày một gia tăng.
Đặc biệt, tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26), Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nên việc đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp sinh thái là rất quan trọng. Đây không chỉ là xu hướng, mà còn tạo ra giá trị bền vững cho thế hệ tương lai.
Ông Preben Elnef, Phó chủ tịch Tập đoàn LEGO - một tập đoàn lớn của Đan Mạch chuyên sản xuất đồ chơi cung cấp cho thị trường thế giới cho biết, một trong những lý do chọn Khu công nghiệp VSIP 3 để xây dựng nhà máy mới bởi có thể đáp ứng các yêu cầu xanh của dự án.
Trong khi đó, chủ đầu tư VSIP 3 xác nhận, khu công nghiệp này sẽ đầu tư trang trại năng lượng mặt trời rộng 50 ha để cung cấp điện cho các khách hàng lớn như LEGO, hướng đến các dự án phát triển bền vững bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời mái nhà để bảo đảm yêu cầu về phát thải carbon.
Theo ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec, hiện nay, khi nói đến bất động sản công nghiệp là nhắc đến xu hướng khu công nghiệp sinh thái và sau khi Nghị định 82/2018/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế được sửa đổi, phát triển khu công nghiệp sinh thái bền vững sẽ là kênh thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam mạnh nhất.
Để đón đầu xu hướng, ông Điệp cho biết, Shinec xây dựng Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền giống như một công viên sinh thái với 3 hệ thống kinh tế tuần hoàn, trong đó các nhà đầu tư sản xuất cộng sinh với nhau, đem lại giá trị gia tăng cho nhau và cùng chủ đầu tư xây dựng nên hệ sinh thái tuần hoàn.
“Khi Quy hoạch điện VIII hoàn thành, các nhà đầu tư trong Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền sẵn sàng xung phong đầu tư vào năng lượng tái tạo, cụ thể là năng lượng mặt trời để tiết kiệm điện năng, bảo vệ môi trường”, ông Điệp chia sẻ thêm.
Tác giả: Trọng Tín
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy