Dòng sự kiện:
Kì 2: Phát hiện Trại tù binh Phi công Mỹ ở Sơn Tây
03/12/2014 12:33:42
ANTT.VN - Sự nới lỏng của trại giam “Hy Vọng” cùng những nỗ lực tìm kiếm không ngừng phía Mỹ đã làm “lóe lên niềm tin” cho những vị khách “không mời” rơi xuống Việt Nam.

mô-hình-trại-giam-tù-binh-phi-công-mỹ

Mô hình trại giam tù binh Phi công Mỹ (nguồn: Internet)

Xây dựng nhà giam Hỏa Lò, những kiến trúc sư người Pháp đã góp phần vào chiến thắng không lực Hoa kỳ của Việt Nam. Các Phi công Mỹ đã gọi Hỏa Lò bằng một cái tin rất Mỹ: Khách sạn Hilton Hà Nội hay Khách sạn Vỡ Tim.

Thị xã Sơn Tây cách Hà Nội khoảng 40km về phía Tây. Người Mỹ sẽ không bao giờ để ý và quan tâm đến nơi đây nếu không có một trại giam nhỏ - trại giam “Hy Vọng"

Tạo tín hiệu

Cuối tháng 12/1968, Thiếu tá không quân Elmo Baker cùng 11 tù binh khác được di chuyển từ Khách sạn “Vỡ tim” đến trại giam “Hy Vọng”.

Khi đã nằm im trong căn buồng giam vắng lặng, Baker nghĩ ra cách đánh “mooc” gõ vào tường để liên lạc với những tù binh phòng bên cạnh. Anh ta tự giới thiệu về mình và có được khá nhiều thông tin về những bạn tù xung quanh.

Một điều đặc biệt là các tù binh ở đây vẫn có điều kiện tiếp xúc với nhau. Ban ngày, họ thường được giao cho làm những việc lặt vặt ngoài sân trại như đập gạch, đào rãnh, chuyển vật liệu xây dựng…Chiều tối, họ được tự do đánh bóng chuyền, bóng rổ và chơi thể thao.

Lợi dụng sự nới lỏng của trại giam “Hy Vọng”, các tù binh Mỹ ngày càng tăng lên, họ đã bí mật tập hợp nhau lại thành từng nhóm. Từ những âm thanh bắt buộc, buồn tẻ và đơn điệu, Baker đã biến chúng thành tiếng mooc thông báo tin tức và trò chuyện với những tù binh khác.

Công việc lao động của các tù binh Phi công Mỹ ở trại “Hy Vọng” không vất vả nhưng cũng chẳng có gì thú vị. Ước mơ lớn nhất của các tù binh nơi đây là được trở về đoàn tụ với gia đình.

Lợi dụng việc chôn cột bóng chuyền để trèo lên cao, đại úy Richard Brenneman phát hiện ra  trại “Hy Vọng” nằm biệt lập giữa cánh đồng, rất xa khu dân cư. Cùng các tù binh khác, họ đã lóe lên hi vọng “có thể được giải thoát” bằng cách báo cho máy bay trinh sát của quân đội Mỹ thông qua những tín hiệu bằng hình ảnh bất thường. Khi phơi quần áo sau lúc tắm giặt họ nghĩ cách để tạo thành các chữ viết tắt như  SOS (cấp cứu), K (hãy đến cứu chúng tôi), hay SAR (tìm và giải thoát) để các chuyên gia nghiên cứu chụp ảnh từ máy bay dễ nhận thấy nhất.

Trại Tù binh Phi công Mỹ được phát hiện như thế nào?

Tháng 10/1966, sau hơn hai năm tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta, lực lượng không quân Mỹ đã bị thiệt hại nặng nề. Phía Mỹ đã có 264 Phi công bị bắn rơi. Nhưng một điều đáng lo ngại là trong số đó, chỉ có một người “may mắn” được phía Việt Nam bắt sống. Số còn lại được coi như đã mất tích trong lúc thi hành nhiệm vụ.

Trước sự thúc ép của gia đình các phi công, Bộ quốc phòng Mỹ đã tổ chức một cuộc họp bất thường nhằm tìm ra phương pháp hữu hiệu thu thập thông tin về tù binh Phi công Mỹ bị bắt và mất tích trong khi thi hành nhiệm vụ.

Cuộc họp đề ra, trước mắt có hai việc cần làm ngay: thứ nhất, xác đinh danh sách những phi công sau khi bị bắn rơi đã bị bắt làm tù binh; thứ hai, xác định được vị trí những trại tù binh phi công để đưa chúng ra ngoài mục tiêu ném bom bắn phá của quân đội Mỹ. Họ rất sợ “dư thừa bom đạn” nên không khéo sẽ xảy ra chuyện “gậy ông đập lưng ông”. Và sau này, chính sợ hãi của người Mỹ đã được phía Việt Nam tận dụng để “tương kế, tựu kế”: dùng nơi giam giữ Phi công Mỹ để bảo vệ các mục tiêu trọng yếu nhất.

Cũng từ đó, những cuộc họp có nội dung như trên thường xuyên được tổ chức hàng tuần tại Trung tâm không quân của Lầu Năm Góc. Chủ tọa của các phiên họp này do CIA (Cục tình báo Trung ương Mỹ) và DIA (Cục tình báo Bộ Quốc phòng Mỹ) phối hợp,… Và trong cuộc chạy đua này, một đơn vị tình báo hoạt động trên mặt đất của Không quân Mỹ mang bí số 1127 đã về đích đầu tiên.

Tại đơn vị đặc nhiệm 1127, trong khoảng thời gian những năm 1966 -1970, các chuyên gia đã phân tích, xử lí hàng núi tài liệu tình báo, được thu thập bằng rất nhiều nguồn, từ khắp nơi trên thế giới gửi về.

Cuối năm 1968, các chuyên gia Mỹ đã cho rằng có một trại tù binh phi công cách Hà Nội vài chục cây về phía Tây song không thể xác định được vị trí cụ thể của trại tù binh ấy.

Ngày 9/5/1970, Collinsbell – một chuyên viên kĩ thuật tình báo đã khám phá ra điều nóng hổi mà cả cơ quan tình báo Mỹ mong chờ: Có ít nhất hai trại giam tù binh Phi công Mỹ tại phía Tây Hà Nội. Một trong hai trại đó nằm ở thị xã Sơn Tây, cách Hà Nội khoảng 40Km.

Sau khi phân tích, so sánh rất nhiều các bức không ảnh cũ và mới, chắp nối và tổng hợp lại, các chuyên gia đã có một sơ đồ thực sự đề nhận biết và có kế hoạch giải thoát cho tù binh.

Vậy ai sẽ giải cứu cho tù binh Phi công Mỹ và giải thoát bằng cách nào? (Còn tiếp)

Hoàng Hà (lược trích theo tác phẩm "Phi công Mỹ ở Việt Nam" của nhà văn Đặng Vương Hưng).

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến