Dòng sự kiện:
Kịch bản nào cho MB khi nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng?
14/04/2022 10:26:49
Mặc dù thông tin về thương vụ chưa được xác thực, song gần đây, lãnh đạo MB đã có mặt tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của OceaBank. Thương vụ nếu xảy ra sẽ tác động thế nào?

Một trong những nội dung quan trọng được trình tại phiên họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm nay của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã chứng khoán: MBB) là phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng.

Thông tin rò rỉ trước đó cho thấy, tổ chức tín dụng đó khả năng cao là "ngân hàng 0 đồng" OceanBank.

MB sẽ trình cổ đông thông qua phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng (Ảnh: Tiến Tuấn).

Theo tài liệu vừa được công bố, tại phiên họp thường niên năm 2022 được tổ chức vào 25/4 tới đây, MB sẽ trình cổ đông thông qua phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng.

Nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng để làm gì?

Mục đích của việc nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng là để tận dụng các cơ hội tăng trưởng quy mô nhanh chóng so với tốc độ hiện nay, củng cố và nâng hạng vị thế trên thị trường.

MB cho biết, với nguồn lực có chất lượng và có kinh nghiệm triển khai thành công một số phương án tái cơ cấu, cùng với sự ủng hộ, hỗ trợ của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ngân hàng này kỳ vọng sẽ thực hiện thành công phương án nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng. Điều này mở ra cơ hội để MB tăng tốc 1,5 - 2 lần tốc độ phát triển quy mô tài sản, tín dụng, mạng lưới, góp phần sớm hoàn thành mục tiêu chiến lược phục vụ trên 20 triệu khách hàng.

Tên tổ chức tín dụng này không được MB nêu cụ thể trong tài liệu dự thảo họp cổ đông. Tuy nhiên, trong nhiều thông tin rò rỉ trước đó cho thấy, tổ chức tín dụng này nhiều khả năng là "ngân hàng 0 đồng" OceanBank. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2022 của OceanBank diễn ra hồi đầu năm nay, ông Lưu Trung Thái - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc MB và ông Phạm Như Ánh - Thành viên Ban điều hành, Giám đốc khối CIB của MB - đều tham dự.

Tại hội nghị, lãnh đạo OceanBank cho biết một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 là phối hợp với MB triển khai chương trình cho vay hợp vốn, kể cả cho vay bán lẻ; Nghiên cứu phát triển một số sản phẩm làm lợi thế cạnh tranh; vừa để thu hút khách hàng vừa để tăng thương hiệu trên thị trường tín dụng.

Trong khi đó, ông Lưu Trung Thái cho biết, việc hợp tác với OceanBank vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là cơ hội của MB. Theo lộ trình của NHNN mà Chính phủ đã cho phép, MB sẽ phối hợp cùng OceanBank kiểm tra, hệ thống dữ liệu và xây dựng phương án trình Chính phủ.

Phó Chủ tịch MB khi đó cũng cho biết, theo sự chỉ đạo của NHNN, ngân hàng này sẽ thảo luận cùng lãnh đạo OceanBank thiết kế chương trình phù hợp cho OceanBank, trong đó cốt lõi là cách thức làm việc trong tương lai.

Tác động ra sao?

Về thông tin này, báo cáo của một số công ty chứng khoán cho hay, mặc dù thông tin về thương vụ chưa được xác thực, song đây không phải thông tin tác động tiêu cực cho MB nếu thương vụ này nhận được sự hỗ trợ phù hợp từ NHNN.

Một công ty chứng khoán cho biết có thể kể đến khả năng MB sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn. Nếu giả định ngân hàng này được cấp thêm 10% hạn mức tín dụng (hoặc 34.000 tỷ đồng) theo số liệu năm 2021 và cung cấp 10.000 tỷ đồng vốn chi phí thấp cho OceanBank, tác động ròng đến thu nhập hoạt động và lợi nhuận trước thuế có thể là 1.000 tỷ đồng và 600 tỷ đồng (giả định NIM là 4,3% và chi phí tín dụng 1,8%).

Mặc dù hiểu rằng cấu trúc thương vụ nếu xảy ra sẽ rất phức tạp không như những con số tính toán đơn giản, song theo quan điểm của các chuyên gia phân tích công ty chứng khoán trên thì thương vụ này sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Mặc dù vậy phía công ty chứng khoán này cho rằng vẫn có rủi ro nhất định. Đó là MB cần thời gian để áp dụng và tích hợp hệ thống và mô hình hoạt động vào OceanBank. Ngoài ra, việc phân tán nguồn lực quản lý sang OceanBank cũng có thể tạo rủi ro cho MB. Một rủi ro khác là chu kỳ kinh tế kém thuận lợi khiến nợ xấu và chi phí tín dụng tăng vọt.

Tuy nhiên, theo quy định, báo cáo tài chính của OceanBank được tách riêng và không hợp nhất vào MB. Thương vụ này có thể đem lại nhiều lợi ích hơn so với rủi ro mà MB phải chịu xét về mặt dài hạn.

Cập nhật cho thấy MB duy trì đà tăng trưởng tốt 2 tháng đầu năm nay với tín dụng tăng 6% và lợi nhuận ngân hàng mẹ đạt 3.500 tỷ đồng. Ngân hàng hiện có một số kịch bản cho năm 2022, dựa trên các mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 15% đến 35% phụ thuộc vào hạn mức tín dụng do MB cấp.

Giả định theo kịch bản cơ sở, công ty chứng khoán cho rằng MB sẽ tăng trưởng tín dụng và huy động lần lượt ở mức 15% và 6,8% so với năm ngoái, lợi nhuận trước thuế tăng 20% đạt 19.800 tỷ đồng; tỷ lệ ROE 23% và tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%; chi phí trên thu nhập (CIR) duy trì thấp hơn 29% đối với ngân hàng mẹ, số lượng khách hàng cá nhân là 13-14 triệu khách.

Tác giả: San Hy

Theo: Dân trí
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến