Dòng sự kiện:
Kiếm bộn tiền ngày giáp tết nhờ nghề nấu mật mía truyền thống
22/01/2019 08:24:18
Cứ độ giáp tết, những lò nấu mật mía truyền thống tại các huyện Thạch Thành, Cẩm Thủy (Thanh Hóa) lại tất bật suốt đêm ngày để cung cấp mật mía cho thị trường, nhờ đó người dân kiếm bộn tiền phục vụ nhu cầu sắm tết.

Mật mía là thứ không thể thiếu đối với nhiều gia đình người Việt trong ngày tết Nguyên đán. Mật dùng để chấm bánh chưng, làm bánh chè lam, bánh gai… Thậm chí, đây là thứ nước chấm truyền thống trên mâm cỗ gia tiên của các gia đình. Tại Thanh Hóa, mật mía nổi tiếng nhất phải kể đến làng Đồng Trạ, xã Cẩm Phong, huyện Cẩm Thủy và xã Thành Kim, huyện Thạch Thành.

Đầu tiên là dùng máy ép mía lấy nước

Những ngày cuối năm, các lò nấu mật luôn đỏ lửa suốt đêm ngày, chạy hết công suất để kịp thời có mật cung ứng ra thị trường, không chỉ bán cho bà con địa phương, mà còn được thương lái đến thu mua đêm đi tiêu thị ở những tỉnh thành khác.

Để cho ra được những giọt mật thơm ngon, lóng lánh, phải trải qua rất nhiều công đoạn.

Ban đầu là từ cây mía ép lấy nước, sau đó cho lắng dưới bể, rồi bơm lên chảo lớn đun liên tục trong lửa lớn khoảng 5 tiếng đồng hồ. Tiếp đó, đem mật lọc qua vải sạch để loại tạp chất còn sót lại. Quan trọng nhất, trong lúc nấu mật trên chảo, người nấu phải liên tục vớt váng, bọt và các tạp chất nổi lên khi mật sôi để có được thành phẩm sạch và màu đẹp vàng óng.

Nấu mật mía trên chảo lớn với lửa to liên tục nhiều giờ

Gia đình anh Đỗ Văn Dương (41 tuổi), trú xã Thành Kim, huyện Thạch Thành có truyền thống nấu mật mía từ đời cha ông để lại. Nơi đây vốn là vùng trồng mía phát triển, bởi vậy nguồn nguyên liệu có sẵn rất tiện lợi.

Những năm trước, gia đình anh còn dùng sức trâu để xay mía lấy nước, nhưng đến nay đã có máy móc hiện đại, hiệu quả công việc cũng cao hơn.

Anh Dương cho biết, trong vụ này, gia đình anh ước tính nấu ra khoảng 10 tấn mật để cung cấp cho người dân địa phương, cũng như bán cho thương lái đến thu mua. Mỗi ngày nấu được khoảng 5 – 6 tạ mật mía thành phẩm, giá bán khoảng 10.000 đồng/kg. Như vậy mỗi vụ nấu mật có thể mang về cho gia đình vài chục triệu đồng.

Người nấu cần vớt bọt liên tục trong quá trình nấu

“Nhờ công việc này mà kinh tế gia đình khấm khá hơn, nuôi con cái ăn học, tết thì không lo tiền mua sắm nữa. Dù đã chạy hết công suất, thế nhưng chúng tôi vẫn không có đủ mật để bán. Vì công việc vất vả nên thuê nhân công cũng khó tìm người”, anh Dương nói.

Một gia đình khác trong làng nấu mật là anh Đỗ Văn Dũng cũng cho biết, gia đình anh ước tính nấu khoảng 400-500 tấn mía nguyên liệu. Thế nhưng đến thời điểm này cũng không có đủ mật mía để bán ra vì không có đủ nhân công để làm.

Mật mía thành phẩm thơm ngọt và đặc sóng sánh

Công việc mang lại thu nhập khá nhưng đòi hỏi tay nghề công phu, vì thế không phải ai cũng làm được. Tại làng mật Lâm Thành, xã Thành Lâm hiện có khoảng 18 lò nấu mật đều đang hoạt động hết công suất để đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ gia tăng trong dịp tết.

 Lương Diễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến