Dòng sự kiện:
Kiểm soát chặt chẽ, tránh nguy cơ lạm quyền trong phòng chống tham nhũng
14/06/2018 07:40:39
Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) nhận được nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc, đa chiều của các đại biểu Quốc hội trong phiên họp toàn thể tại Hội trường ngày 13/6.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, đây là dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4, ngay sau kỳ họp, cơ quan chủ trì soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan hữu quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo luật trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ hai tại kỳ họp này trước khi Quốc hội xem xét quyết định thông qua tại kỳ họp sau.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, đây là dự án luật rất quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn, tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế xã hội và nhận được sự quan tâm, kỳ vọng lớn của nhân dân.

Đây cũng là một dự án luật khó, có nhiều chính sách mới phức tạp. Qua thảo luận tại tổ, vẫn còn nhiều nội dung đang còn ý kiến khác nhau như những vấn đề về mở rộng hay thu hẹp đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập; cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản thu nhập; xử lý tài sản thu nhập kê khai không trung thực; tài sản thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc…

Tại thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tập trung phân tích, đóng góp các ý kiến đa chiều đối với nhiều vấn đề liên quan đến các quy định trong dự luật, nhất là vấn đề về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án luật ra khu vực ngoài nhà nước; nội dung thanh tra, kiểm tra đối với khu vực ngoài nhà nước; cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản thu nhập; đối tượng phải kê khai tài sản thu nhập; về xử lý tài sản thu nhập kê khai không trung thực, tài sản thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc…

Nhiều ý kiến cho rằng, việc ban hành và thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, nhân dân về tác hại của nạn tham nhũng. Nhưng cũng phải nhìn nhận thực tế là công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay chưa đạt được yêu cầu và mục tiêu đề ra, đó là ngăn chặn và từng bước đẩy lùi nạn tham nhũng, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực, gây hậu quả xấu về nhiều mặt. Do đó, việc sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành là cần thiết để có công cụ pháp lý, có chỗ dựa tốt hơn cho cơ quan bảo vệ pháp luật, cho toàn dân tham gia phòng, chống tham nhũng hiệu quả.

Về về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án luật ra khu vực ngoài nhà nước, đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) bày tỏ nhất trí theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật ra khu vực ngoài nhà nước, cho rằng việc mở rộng này là phù hợp với xu thế quốc tế và yêu cầu về phòng, chống tham nhũng đặt ra trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, đại biểu cũng nhấn mạnh, việc mở rộng này bảo đảm phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự, đồng thời phù hợp với công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên. Việc mở rộng sang khu vực ngoài nhà nước cũng cần đánh giá tác động, tính khả thi, đồng thời có các quy định chặt chẽ và phù hợp để phòng ngừa, chống tham nhũng, vừa không gây khó khăn đối với các hoạt động của các chủ thể, bởi một bên là quyền lực của cơ quan nhà nước, một bên là các doanh nghiệp tự tổ chức, tự hạch toán.

Về xử lý tài sản thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản thu nhập tăng thêm mà không được giải trình một cách hợp lý, Đại biểu Đỗ Văn Bình (Hải Phòng) và một số đại biểu nhất trí với việc cần thiết phải xây dựng quy định về xử lý tài sản thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản thu nhập tăng thêm mà không giải trình được một cách hợp lý với những lý do như trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng việc xây dựng các quy định này cần phải được nghiên cứu, xem xét, bảo đảm các quy định của pháp luật phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao.

Liên quan đến quy định về thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước ở Điều 100 và 103, một số đại biểu đề nghị vấn đề này cần được cân nhắc hết sức thận trọng để tránh nguy cơ lạm quyền. Việc giao cho các cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra hoạt động các đơn vị, doanh nghiệp tư nhân, tổ chức xã hội nêu trên mà không có cơ chế giám sát hiệu quả thì khả năng lạm dụng quyền lực của cơ quan công quyền là hoàn toàn có thể xảy ra, gây ra tình trạng hình sự hóa các quan hệ kinh tế, giao dịch dân sự, gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp.

Còn đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) nhận định, quy định về trách nhiệm của cán bộ, công chức trong các cơ quan, đơn vị phòng, chống tham nhũng tại Chương V đã trao cho cơ quan phòng, chống tham nhũng nhiều quyền năng rất lớn trong các hoạt động phòng ngừa, kiểm tra, thanh tra và xử lý hành vi tham nhũng. Với quyền lực lớn, nếu không có quy định kiểm soát quyền lực chặt chẽ sẽ dẫn đến nguy cơ lạm dụng quyền lực ngay tại chính cơ quan phòng, chống tham nhũng.

Về xử lý tài sản thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản thu nhập tăng thêm mà không giải trình một cách hợp lý quy định tại Điều 59 dự thảo, đại biểu Nguyễn Văn Hiển đề nghị cần làm rõ thế nào là không giải trình một cách hợp lý, vì việc đánh giá hợp lý hay không hợp lý phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan của người đánh giá.

Do vậy, pháp luật cần quy định mang tính nguyên tắc trong trường hợp này. Mặt khác, đại biểu cũng đề nghị làm rõ trường hợp sau khi nhà nước thu thuế đối với tài sản thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý, người này sau này lại bị truy cứu trách nhiệm về hành vi tham nhũng và bị tịch thu khối tài sản tham nhũng trên thì số thuế mà họ nộp trước đó được xử lý như thế nào? Họ có được khấu trừ hay hoàn trả không? Chỗ này cần quy định rõ.

Về hành vi bị nghiêm cấm, Khoản 4 Điều 7 quy định hành vi khác vi phạm các quy định của luật này, theo đại biểu Nguyễn Văn Hiển, các quy định này là không phù hợp với Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013. Do vậy đề nghị bỏ Khoản 4 Điều 7 nêu trên hoặc liệt kê các hành vi bị nghiêm cấm một cách rõ ràng, minh bạch.

Đánh giá cao dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng trình Quốc hội lần này cơ quan chủ trì soạn thảo đã nghiêm túc nghiên cứu và cầu thị, tiếp thu nhiều ý kiến góp ý xác đáng của cử tri, nhân dân, đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các quy định về phân biệt tài sản tham nhũng và tài sản không giải trình được nguồn gốc một cách hợp lý; phải thấy được bản chất của vấn đề, đó là tài sản tham nhũng là tài sản có được từ hành vi tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ hành vi tham nhũng được quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành, nghĩa là tài sản này đã chứng minh được do tham nhũng mà có. Còn tài sản không giải trình được nguồn gốc một cách hợp lý được hiểu là loại tài sản mà người kê khai thì không chứng minh được nguồn gốc.

Theo báo Chính phủ

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến