Dòng sự kiện:
Kiểm soát lạm phát đối mặt nhiều thách thức
08/06/2018 05:56:34
Chỉ số CPI tháng 5 tăng cao, lạm phát 5 tháng đã chạm và vượt ngưỡng 3%, đây là những tín hiệu cảnh báo về những thách thức trong kiểm soát lạm phát dưới 4% như mục tiêu đã đề ra.

Theo các chuyên gia, cần khẩn trương có các biện pháp ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát, điều đó không chỉ  giúp ổn định mặt bằng giá cả hàng hóa dịch vụ mà còn giúp ổn định kinh tế vĩ mô,  đảm bảo tăng trưởng kinh tế cao và đi vào thực chất.

Áp lực lên lạm phát gia tăng

Cho dù năm 2018 chưa đi qua nửa chặng đường, cùng với niềm vui về kết quả tăng trưởng kinh tế của quý I, thì mới đây, những con số liên quan đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khiến nhiều chuyên gia và cả các nhà quản lý lo lắng.

Cần tính toán để giãn, lùi thời gian điều chỉnh lộ trình giá thị trường đối với một số mặt hàng do Nhà nước quyết định giá vào thời điểm thích hợp để kiểm soát lạm phát. Ảnh: H.A.

Báo cáo về CPI của tháng 5/2018 do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố mới đây cho thấy, CPI tháng 5/2018 tăng 0,55% so với tháng trước, là tháng 5 có CPI tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây. Nguyên nhân cơ bản dẫn tới mức tăng cao này là do có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước, trong đó nhóm giao thông có mức tăng cao nhất 1,72%. Mức tăng của nhóm này chủ yếu do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu trong tháng 5 với tổng mức tăng là hơn 1.000 đồng/lít, tác động làm CPI chung tăng 0,16%. Theo đó, lạm phát bình quân 5 tháng đầu năm 2018 tăng đã 3,01% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. Với mục tiêu kiểm soát lạm phát 2018 dưới 4% thì con số này rõ ràng là rất đáng lo ngại.

Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, công tác phối hợp điều hành giá của các bộ nhịp nhàng, mang lại kết quả tích cực trong 4 tháng đầu năm, tuy nhiên, gần 2 tháng qua, kể từ khi cuộc họp quý I/2018 của Ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ, tình hình giá cả tăng, như giá dầu, giá thịt lợn (do hộ chăn nuôi không tái đàn vì thời gian dài thua lỗ trước đó), giá lương thực (do nhu cầu xuất khẩu gạo tăng), giá gas,... cùng với các diễn biến phức tạp của thị trường thế giới đã “tạo áp lực hơn trước rất nhiều đối với nhiệm vụ điều hành giá”.

Như vậy, giá dầu thô tăng cao tác động làm tăng giá xăng dầu trong nước là nguyên nhân chính làm tăng CPI của tháng 5, đây cũng là nhân tố tiềm ẩn dự báo tác động lên lạm phát trong thời gian tới. Tuy nhiên, không chỉ diễn biến phức tạp của giá dầu thế giới do tình hình bất ổn chính trị ở một số nước trong khối OPEC có thể dẫn đến ảnh hưởng của giá xăng dầu trong nước, nhiều giá cả của các dịch vụ, hàng hóa khác đã, đang và sẽ tăng sẽ tiếp tục là thách thức cho việc kiểm soát lạm phát trong thời gian tới.

Theo Trung tâm Thông tin và Dự  báo kinh tế - xã hội quốc gia, một số thách thức từ các chính sách mới sắp thực thi có thể sẽ làm gia tăng mức lạm phát. Cụ thể như, quyết định lương tối thiểu vùng năm 2018 sẽ tăng thêm 6,5%, bằng một nửa so với mức đề xuất ban đầu là 13,3%; việc điều chỉnh giá điện bình quân áp dụng từ 1/12/2017 với mức giá mới là 1.720,65 đồng/kWh, tăng gần 100 đồng/kWh so với mức giá hiện hành áp dụng sẽ tác động tới mặt bằng giá cả trong năm tới. Việc điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc quỹ Bảo hiểm y tế tại 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, việc điều chỉnh mức lương cơ sở trong tính toán giá dịch vụ y tế và việc tăng giá nhóm dịch vụ giáo dục cũng sẽ tác động vào CPI. Bên cạnh đó, giá điện tăng 6,08% từ 1/12/2017 dự kiến sẽ tác động trực tiếp làm tăng CPI năm 2018 và sẽ tác động gián tiếp tới giá thành các mặt hàng khác sử dụng điện là chi phí đầu vào.

Với những dự báo về khả năng tác động của nhiều yếu tố giá cả hàng hóa tới lạm phát, Trung tâm Thông tin và Dự  báo kinh tế - xã hội quốc gia đã đưa ra hai kịch bản lạm phát của năm 2018, theo đó, nếu GDP  tăng 6,83% thì lạm phát duy trì ở mức 4,5%, và nếu GDP đạt khoảng 7,02% thì lạm phát trung bình có thể ở mức 4,8%.

Quyết tâm kiểm soát lạm phát

Theo chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, với mức tăng CPI từ đầu năm và đặc biệt của tháng 5 vừa qua, có thể thấy sẽ khó thực hiện được mục tiêu định ra cho cả năm, vì giá cả thị trường thế giới vẫn đang có xu hướng tăng như giá dầu thô, chưa kể cuộc tranh chấp thương mại Mỹ - Trung và rộng ra là với các nước khác sẽ làm cho giá một số mặt hàng nguyên liệu thiết bị quan trọng tăng theo. Ở trong nước, giá điện và các dịch vụ y tế giáo dục cùng một số mặt hàng nông sản như thịt lợn vẫn có thể tăng, tỷ giá USD/VNĐ biến động theo chiều hướng tăng... có thể tác động đến giá nói chung.

Trong tình hình và bối cảnh đó, việc kiểm soát lạm phát phải rất được coi trọng để tránh những đột biến, nhằm giữ vững ổn định vĩ mô. Đồng thời thực hiện đầu tư có hiệu quả, không chạy theo thành tích tăng trưởng không hợp lý dẫn đến làm mất ổn định, tức là cần kiểm soát chặt chẽ cung tiền, tập trung hơn cho nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng năng suất, nâng cao hiệu quả trong mọi hoạt động.

Vấn đề lo ngại về lạm phát tăng cao thực tế không phải đến thời điểm này mới được nhắc tới, mà ngay từ tháng 3, trước tình trạng CPI của hai tháng đầu năm tăng tốc, Chính phủ cũng đã có những cảnh báo và đề ra những biện pháp nhằm kiểm soát vấn đề này. Tại thời điểm đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, khó khăn, thách thức trong việc kiểm soát lạm phát năm 2018 là rất lớn trong bối cảnh xu hướng tăng lãi suất, giá dầu thô và các hàng hóa cơ bản trên thế giới. Trong nước, chúng ta cần thực hiện lộ trình giá thị trường đối với điện, dịch vụ giáo dục, y tế và cũng phải trung hòa một lượng ngoại tệ lớn đang rót vào nền kinh tế trong điều kiện không gian chính sách hạn hẹp, tâm lý kỳ vọng lạm phát còn lớn.

Dưới góc nhìn lạc quan hơn, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế, Tài chính, Học viện Tài chính cho rằng, lạm phát cơ bản trong tháng 5 chỉ ở mức 0,11%, thấp hơn rất nhiều mức tăng CPI chung là 0,55%. Điều này cho thấy, tổng cầu chưa có gì đột biến và việc CPI tăng mạnh trong tháng 5 có tác động của một số yếu tố mang tính nhất thời. Chẳng hạn, giá dầu tăng trong 3 tuần đầu tháng 5 đã khiến lạm phát tổng thể cao hơn, nhưng trong mấy ngày qua, giá dầu lại đang giảm mạnh. Và yếu tố này sẽ có tác động kìm hãm đà tăng của CPI trong tháng 6 tới.

Về các giải pháp kiểm soát lạm phát từ nay đến cuối năm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết cần bình tĩnh để xử lý, bảo đảm đúng chỉ tiêu pháp lệnh CPI cả năm 2018 tăng dưới 4%. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ giữ ổn định mức giá đối với các mặt hàng Nhà nước quản lý, tiếp tục rà soát để đẩy nhanh giảm giá đối với các mặt hàng có khả năng giảm (thuốc chữa bệnh, vật tư y tế); tiếp tục rà soát các trạm BOT đã quyết toán để giảm giá phí dịch vụ đường bộ. Đối với các mặt hàng đã thực hiện cơ chế giá theo cơ chế, thị trường, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước hài hoà, sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn với liều lượng thích hợp, tạo dư địa thuận lợi cho kiểm soát mặt bằng giá cả năm. Đồng thời, đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo điều hành giá tập trung tìm giải pháp điều hành, ứng phó với các biến động từ bên ngoài tới giá cả trong nước. Với việc thực hiện tốt các biện pháp trên, Phó Thủ tướng cho rằng, hoàn toàn có khả năng kiểm soát CPI dưới mức 4% của năm 2018.

Đồng tình với việc cần tính toán để giãn, lùi thời gian điều chỉnh lộ trình giá thị trường đối với một số mặt hàng do Nhà nước còn quyết định giá vào thời điểm thích hợp, để tránh cộng hưởng lan tỏa tăng giá mặt bằng chung, các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, Nhà nước phải tiếp tục hỗ trợ DN để DN giảm áp lực tăng giá bằng việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, cắt bỏ điều kiện kinh doanh, cắt bỏ các khoản thu nhằm giảm chi phí cho DN.

Theo Hải quan

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến