Kiểm toán Nhà nước 'bắt bệnh' của PVN, kiến nghị xử lý hàng loạt
10/08/2016 16:23:55
ANTT.VN - Nhiều tồn tại, sai sót của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã được Kiểm toán Nhà nước phát hiện và chỉ ra sau quá trình kiểm toán về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2014 tại “ông lớn” này.

Tin liên quan

Theo đó, Kiểm toán Nhà nước đề nghị PVN làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đến các tồn tại, sai sót trong quản lý các quỹ của tập đoàn này, gồm Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ, Quỹ Nghiên cứu khoa học và đào tạo, Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp của tập đoàn này.

Cũng trong kiến nghị gửi tới PVN, Kiểm toán Nhà nước còn yêu cầu tập đoàn này kiểm điểm các cá nhân liên quan tới những tồn tại, sai sót trong việc mua xăng dầu tại 3 doanh nghiệp: Công ty CP Xăng dầu dầu khí Sài Gòn, Công ty CP Xăng dầu dầu khí Tây Ninh và Công ty CP Xăng dầu Mekong, do không tuân thủ quy định tại Nghị định 84 năm 2009 và Nghị định 83 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Kiểm toán Nhà nước cũng đồng thời yêu cầu PVN ký kết sửa đổi (Amendment 1) so với thỏa thuận gốc, tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc đàm phán, thương lượng với Gazprom để thu hồi số tiền lãi tính đến 10/4/2015 là hơn 42,6 triệu USD (tương đương trên 905 tỷ đồng).

Ngoài ra, theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước, PVN chỉ đạo Tổng công ty Dầu Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra làm rõ sai phạm về việc mua bán xăng dầu tại Petro MeKong và kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, theo thông tin từ Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2015 về kết quả kiểm toán DNNN của Kiểm toán Nhà nước vừa công bố.

Mặc dù hoạt động kinh doanh có lợi nhuận, song PVN vẫn bị đưa vào danh sách các DN quản lý nợ chưa chặt chẽ dẫn đến nợ phải thu quá hạn, nợ khó đòi lớn, trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi không đúng quy định.

Cụ thể, riêng nợ phải thu quá hạn của Công ty mẹ PVN là 452,82 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tồn tại nhiều khoản nợ khó đòi lớn của các đơn vị thành viên, như CTCP Vận tải dầu khí Thái Bình Dương phải thu theo Quyết định của Tòa án nhân dân TP. HCM về vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm là 80 tỷ đồng, Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam phải thu Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất 124,74 tỷ đồng; Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí - CTCP phải thu 110,14 tỷ đồng…

Đáng chú ý, KTNN điều chỉnh tăng khoản thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước của 9 DNNN thêm 6.220 tỷ đồng trong năm 2014, riêng khoản điều chỉnh của PVN là 4.562,81 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ lớn nhất.

Cũng theo kết quả kiểm toán, PVN nằm trong số các DN trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi không đúng quy định.

Bên cạnh đó, kiểm toán cũng chỉ ra, PVN có 2 khoản đầu tư vào các DN mà vốn chủ sở hữu đã nằm trong tình trạng âm là Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (âm 1.108,43 tỷ đồng), CTCP Đầu tư tài chính công đoàn dầu khí (âm 71,18 tỷ đồng).

Căn bệnh đầu tư tài chính không hiệu quả, hiệu quả thấp nhiều năm của PVN cũng được KTNN nêu rõ. Cụ thể, PVN: Công ty mẹ - Tập đoàn đầu tư 800 tỷ đồng vào Oceanbank mất toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông; Công ty mẹ - Tổng công ty Dầu Việt Nam năm 2014 được chia cổ tức 112,6 tỷ đồng, bằng 1,73% giá trị đầu tư, trong khi trích lập dự phòng 1.915,47 tỷ đồng đối với 14 doanh nghiệp có lỗ lũy kế...

Đó là chưa kể những lĩnh vực đầu tư ngoài ngành chậm tiến độ, không hiệu quả, gây lãng phí vốn nhà nước.

Không chỉ có vậy, nhiều đơn vị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong quá trình kinh doanh đã phản ánh không đúng doanh thu, chi phí. Một số đơn vị kinh doanh áp dụng tỷ lệ hao hụt định mức trong bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia đã lạc hậu, không phù hợp, gây thất thoát tăng định mức hao hụt so với quy định của nhà nước.

Diệu Ly (th)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến