Tôm là mặt hàng có trị giá xuất khẩu lớn nhất sang Hàn Quốc.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) được ký kết và có hiệu lực từ cuối năm 2015 là một công cụ quan trọng giúp hai nước thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, đặc biệt là thương mại và đầu tư.
FTA này có tác động tích cực tới nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, từ điện tử, hàng dệt may, giày dép cho tới thủy sản.
Nhờ VKFTA, những năm qua, xuất khẩu thủy sản sang Hàn Quốc tăng trưởng tích cực. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, trong cơ cấu sản phẩm thủy sản nước ta sang Hàn Quốc năm 2023, tôm chiếm tỷ trọng cao nhất 43,6%, tiếp đó mực, bạch tuộc chiếm 31,4%.
Cá các loại khác (trừ cá tra, cá ngừ) đứng thứ ba về kim ngạch sang Hàn Quốc, chiếm 20,8%. Còn lại các mặt hàng chiếm tỷ trọng nhỏ lần lượt là cá ngừ, cá tra, cua ghẹ và giáp xác khác, nhuyễn thể hai mảnh vỏ và nhuyễn thể khác (chiếm từ 0,3% đến 2,2%).
Còn tính trong giai đoạn từ 2015 - 2023, sau khi Hiệp định VKFTA có hiệu lực, thủy sản xuất khẩu sang Hàn Quốc đều ghi nhận tăng trưởng cao, trong đó, tôm tăng 37%, mực & bạch tuộc tăng 51%, cá loại khác (trừ cá ngừ, cá tra) tăng 4%.
Tôm là mặt hàng xuất khẩu mang lại giá trị cao nhất của ngành thủy sản, nhưng vướng mắc lớn nhất với tôm khi xuất sang Hàn Quốc là câu chuyện hạn ngạch.
Năm 2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 343 triệu USD, giảm 27% so với năm 2022. "Lạm phát cao, tiền mất giá, lãi suất tăng, người dân chi tiêu tiết kiệm, tồn kho nhiều là những nguyên nhân khiến xuất tôm Việt sang thị trường này giảm", theo Vasep.
Do xuất khẩu tôm vẫn chịu hạn ngạch khi nhập vào Hàn Quốc, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đang chịu chi phí không nhỏ để có được hạn ngạch. Đó là lý do nhiều lần Vasep đã kiến nghị bỏ hạn ngạch với sản phẩm tôm xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Mới nhất, Hiệp hội này đã có kiến nghị gửi Chính phủ và Bộ Công thương, mong được quan tâm và chỉ đạo việc xem xét bãi bỏ hạn ngạch đối với tôm xuất khẩu vào Hàn Quốc trong khuôn khổ Hiệp định VKFTA tại kỳ rà soát trong năm 2024.
Vasep cho hay: "Lượng tôm Việt Nam xuất sang Hàn Quốc đã vượt xa mức hạn ngạch cho phép (15.000 tấn/năm, thuế nhập khẩu 0%), và thực trạng các nhà nhập khẩu Hàn Quốc phải “đấu thầu” để có hạn ngạch nhập tôm Việt Nam với chi phí không nhỏ, 14-16% giá trị lô hàng".
Số liệu thống kê của cơ quan Hải quan Hàn Quốc, nhập khẩu thủy sản của nước này năm 2023 đạt 1,341 triệu tấn, trị giá 5,928 tỷ USD, giảm 15,9% về lượng và giảm 8,4% về trị giá so với năm 2022. Trong 10 thị trường cung cấp thủy sản lớn nhất năm 2023, Hàn Quốc tăng nhập khẩu thủy sản từ Trung Quốc, Peru, Chile, trong khi giảm nhập khẩu từ Nga, Việt Nam, Na Uy, Nhật Bản.
Dù nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc năm qua giảm do kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm, nhưng dự báo năm 2024, nhập khẩu thủy sản của nước này có khả năng tăng trở lại khi kinh tế Hàn Quốc được dự báo sẽ phục hồi. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ đạt 2,1% trong năm 2024, tăng từ mức 1,4% của năm 2023.
Còn Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự báo nền kinh tế Hàn Quốc sẽ tăng trưởng 2,3% vào năm 2024.
Nhu cầu tiêu thụ thủy sản của Hàn Quốc ngày càng tăng, trong khi nguồn cung hạn chế đã khiến nước này trở thành nhà nhập khẩu thủy sản ròng.
Theo báo cáo của Future Market Insights, Inc, nhu cầu tôm ở Hàn Quốc được dự đoán sẽ tăng trưởng bình quân 8,9%/năm, giai đoạn 2023 - 2033 do nhu cầu ngày càng tăng do các món làm từ tôm trở nên đa dạng hơn khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chế độ ăn lành mạnh và giàu protein.
Lợi thế xuất khẩu sang Hàn Quốc là vị trí địa lý gần, nhu cầu tiêu thụ ổn định. Đây sẽ là điểm đến của nhiều doanh nghiệp trong thời gian tới trong bối cảnh lạm phát khiến tiêu thụ giảm mạnh ở các thị trường phương Tây, vốn đang chịu nhiều tác động từ căng thẳng Biển Đỏ khiến giá cước vận tải biển đi Mỹ và châu Âu tăng vọt.
Ngành thủy sản đã đi qua năm 2023 với nhiều khó khăn về thị trường, đơn hàng, giá xuất khẩu giảm, thành thử, xuất khẩu cả năm về đích với 9 tỷ USD, thấp hơn 18% so với năm 2022. Trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới thì mức sụt giảm 18% so với mức đỉnh gần 11 tỷ USD của năm 2022, theo Vasep không phải là quá bi quan.
Dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ hồi phục dần trong năm 2024 và kim ngạch trở lại mức 9,5 - 10 tỷ USD năm 2024. Trong đó, ngành tôm hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD, cá tra đạt khoảng 1,9 tỷ USD, còn lại là các mặt hàng hải sản khai thác dự báo thu về khoảng 3,6 - 3,8 tỷ USD.
Tác giả: Hải Yến
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy