Dòng sự kiện:
Kiến nghị giảm giờ làm trong doanh nghiệp xuống 44 giờ/tuần
26/05/2024 17:24:51
Công đoàn doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ xây dựng lộ trình giảm giờ làm trong tuần của lao động khu vực tư nhân từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần.

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và khoa học công nghệ phát triển bùng nổ, thay đổi hàng ngày, thì nâng cao năng suất lao động trở thành một vấn đề rất quan trọng, mang tính sống còn đối với tất cả các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Tại Diễn đàn Nâng cao năng suất lao động Quốc gia năm 2024, một số lãnh đạo công đoàn doanh nghiệp đã đưa ra giải pháp, kiến nghị để tăng năng suất lao động.

Giảm giờ làm để người lao động tái tạo sức khỏe

Ông Đặng Tuấn Tú - Chủ tịch công đoàn cơ sở Công ty Changshin Việt Nam, nhờ vào vai trò của tổ chức công đoàn, trong những năm qua, năng suất của người lao động trong công ty ngày một tăng. Theo đó, thời điểm năm 2012, mỗi công nhân một ngày chỉ sản xuất được 2,85 đôi giày, thì sang năm 2024, mỗi ngày mỗi công sản xuất được 3,44 đôi giày.

Tại diễn đàn, ông cũng đề nghị Chính phủ xây dựng lộ trình giảm thời gian làm việc từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần, tiến tới 40 giờ/tuần cho phù hợp và theo kịp các nước cùng khu vực. Đồng thời tạo điều kiện cho người lao động có thời gian nghỉ ngơi dài hơn để tái tạo sức khỏe và chăm sóc hạnh phúc gia đình.

Theo ông Tú, muốn thúc đẩy năng suất lao động thì doanh nghiệp cần đầu tư máy móc công nghệ hiện đại thay thế thủ công lạc hậu chứ không phải chỉ phụ thuộc giờ làm. Chính phủ cần hoàn thiện môi trường pháp lý, tạo điều kiện giảm thuế các mặt hàng nhập khẩu máy móc, thiết bị hiện đại, quy trình nhập khẩu đơn giản và linh hoạt.

Ông Đặng Tuấn Tú - Chủ tịch công đoàn cơ sở công ty Changshin Việt Nam (Ảnh: VGP).

Bên cạnh kiến nghị giảm giờ làm, ông cũng đề nghị Chính phủ và Quốc hội tiếp tục ủng hộ việc trích nộp kinh phí 2% từ doanh nghiệp, để tạo điều kiện tốt nhất cho các hoạt động chăm lo cho người lao động và giữ chân người lao động gắn bó với doanh nghiệp.

"Nhiều năm nay, đầu mục kinh phí chăm lo cho người lao động ở doanh nghiệp đã được công khai và người lao động được hưởng liên tục, nên nếu có sự thay đổi giảm bớt, người lao động sẽ rất bức xúc, bất lợi cho việc tập hợp người lao động của tổ chức công đoàn" ông Tú chia sẻ.

Công đoàn và công ty như 2 bánh xe trên cùng một trục

Ông Phan Tuấn Anh - Chủ tịch Công đoàn Công ty Honda Việt Nam cho hay, HonDa thường ví “Công đoàn và công ty như 2 bánh xe trên cùng một trục, nếu 2 bên không cùng quay thì chắc chắn tổ chức đó không đi đến đâu cả”.

Với các công ty Nhật Bản nói chung và đặc biệt tại Công ty HonDa, việc xây dựng môi trường làm việc an toàn, dân chủ, văn hóa doanh nghiệp là nền tảng cơ bản đảm bảo tăng năng suất lao động.

Theo đó, công ty đã xây dựng chính sách "Không an toàn, không sản xuất". Trên cơ sở này, công đoàn đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên và người lao động nỗ lực tham gia hoạt động 5S, Kaizen để góp phần xây dựng môi trường làm việc Xanh – Sạch - Đẹp.

Ông Phan Tuấn Anh chia sẻ, sự thành công của Honda Việt Nam hôm nay là quá trình phát triển và duy trì văn hóa doanh nghiệp lâu dài và bền vững dựa vào 3 triết lý: Niềm tin cơ bản, tôn chỉ công ty và chính sách quản lý.

Bà Vũ Thị Mai - Giám đốc nhân sự Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel (Ảnh: VGP).

Việc duy trì văn hóa doanh nghiệp, luôn đặt người lao động ở vị trí trung tâm, quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực được cụ thể hóa bằng các giải pháp, các hoạt động, các kế hoạch triển khai riêng biệt cụ thể để người lao động nỗ lực đóng góp, nâng cao hiệu suất lao động.

Từ thực tiễn triển khai, bà Vũ Thị Mai - Giám đốc nhân sự Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel nhận ra rằng, chất lượng nguồn nhân lực mang ý nghĩa quyết định đến việc thúc đẩy, nâng cao năng suất lao động.

Chính vì vậy, Viettel chú trọng lựa chọn những nhân sự phù hợp trên cả 3 khía cạnh: kiến thức, kỹ năng và thái độ. Việc tuyển dụng hay bổ nhiệm cán bộ quản lý các cấp ngoài dựa trên năng lực, thành tích thì cần cả yếu tố phù hợp với văn hóa. Nhờ đó, Viettel luôn tuyển chọn được các nhân sự không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn có tinh thần sẵn sàng dấn thân, cống hiến.

Theo bà Mai, các cơ chế chính sách tạo động lực, khuyến khích đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động và trao cơ hội phát triển cho người lao động dựa trên một số yếu tố chính như xây dựng một môi trường làm việc cởi mở, thân thiện, tôn trọng sự đa dạng.

Thứ hai là cần có cơ chế lương thưởng, đãi ngộ phù hợp với năng lực và thành tích đóng góp để cán bộ nhân viên yên tâm công tác. Cùng với đó, doanh nghiệp nên quan tâm đến việc đa dạng hóa các chương trình phúc lợi như khám sức khỏe định kỳ, mua bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ.

Bên cạnh đó, phía công ty nên tạo dựng lộ trình phát triển bản thân để cán bộ nhân viên có cơ hội thăng tiến. Đây luôn là yếu tố được Viettel ưu tiên khi thiết kế các chính sách nhân sự. Viettel đã xây dựng lộ trình theo mô hình "2 chóp"- Chóp quản lý và Chóp chuyên gia, để từng cán bộ nhân viên có thể chủ động lựa chọn nhằm phát huy tối đa sở trường của bản thân.

Tác giả: Trần Thị Tú Anh

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến