Dòng sự kiện:
Kiến nghị giảm lãi suất vay cho doanh nghiệp du lịch
16/06/2021 07:31:35
Ngày 15/6, Hiệp hội Du lịch TP.HCM có công văn kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách mở rộng Thông tư số 03 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp du lịch.

Công văn nêu rõ, với lần bùng phát dịch Covid-19 thứ 4, ngành du lịch vốn lao đao, chưa thể phục hồi đã bị tê liệt hoàn toàn. Một số doanh nghiệp đã phá sản, nhiều đơn vị có nguy cơ không thể trả nợ, lãi vay. Việc chưa xác định được thời gian đón khách quốc tế càng khiến khó khăn kéo dài.

"Vì vậy, dù cơ cấu thời hạn trả nợ thêm 12 tháng theo Thông tư 03 thì doanh nghiệp du lịch vẫn khó khăn trong thanh toán các khoản nợ", Hiệp hội Du lịch TP.HCM nhấn mạnh.

Doanh nghiệp du lịch đang gặp khó trong thanh toán các khoản nợ. Ảnh: Phạm Trường.

Do đó, đơn vị này kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, UBND TP.HCM và Sở Du lịch TP.HCM nghiên cứu, sớm có chính sách đặc thù về thời hạn trả nợ, lãi vay cho lĩnh vực du lịch.

Cụ thể, hiệp hội đề xuất giảm mức lãi suất vay đang áp dụng, không áp dụng chuyển nhóm nợ, đồng thời ân hạn gốc và lãi toàn bộ dư nợ hiện hữu cho các doanh nghiệp trong ngành.

Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) là 24 tháng, kể từ ngày thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Hiệp hội Du lịch TP.HCM cho rằng những khó khăn của ngành du lịch gồm lữ hành, khách sạn, khu du lịch, nhà hàng và chuỗi cung ứng dịch vụ kéo theo ảnh hưởng không nhỏ đến các ngành khác như vận tải đường bộ, hàng không, đường sắt, đường thủy...

Vì vậy, việc tạo cơ chế đặc thù, ưu đãi giúp doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn trước mắt, khôi phục hoạt động sẽ đồng thời tạo động lực vực dậy các ngành nghề, lĩnh vực liên quan.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 81 nghìn lượt người, giảm 97,8% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành theo đó cũng giảm 48,2%, còn 4,3 nghìn tỷ đồng.

Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành 5 tháng đầu năm giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước là Khánh Hòa giảm 85,6%; Quảng Nam giảm 68,4%; Thừa Thiên - Huế giảm 48,8%; TP.HCM giảm 46,7%; Bắc Ninh giảm 38,1%; Bình Định giảm 33%; Hà Nội giảm 29,7%...

Tác giả: Lan Anh

Theo: Zing.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến