Trong khuôn khổ chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra tại Hà Nội, phiên thảo luận về kinh tế - xã hội cuối tuần qua, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (tỉnh Bến Tre) đã có nhiều ý kiến xác đáng.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, kết quả tăng trưởng kinh tế và sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị hiện nay là nền tảng căn bản tạo sinh khí cho năm 2018 và các năm tiếp theo. Ông tán thành việc Chính phủ đề ra và duy trì phương châm 10 chữ kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, trong đó đặt kỷ cương lên hàng đầu. Nếu không kỷ luật chặt chẽ trong chỉ đạo điều hành sẽ rơi vào tình trạng "sai một ly đi một dặm".
Chính phủ là cơ quan phải chịu trách nhiệm trực tiếp về sự giàu mạnh hay nghèo yếu của đất nước, hạnh phúc của nhân dân. Không thể trụ vững trước đòi hỏi ngày càng cao về tăng trưởng kinh tế - xã hội, phòng chống tham nhũng, vi phạm pháp luật v.v... “Tôi rất mong và đề nghị Chính phủ tiếp tục chủ trì phương châm hành động và luôn kiểm soát bộ máy hành chính bằng "10 chữ vàng" khuôn pháp đặt ra, đó là triết lý hành động và bảo bối của thành công”, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nói.
Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc (bìa phải) và Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre bên lề phiên họp chiều 26/5.
Vị ĐBQH tỉnh Bến Tren cho rằng, một nền kinh tế - xã hội tử tế, trong đó mọi người biết tự trọng, biết yêu quý giống nòi, yêu Tổ quốc, không kiếm tiền bằng mọi giá, không đạt lợi nhuận bằng cách đầu độc con người.
Theo ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, qua một thời gian dài đi sâu, đi sát cơ sở, Thủ tướng đã đem đến sự động viên rất lớn, rất ý nghĩa với giai cấp công nhân, bà con nông dân, các nhà khoa học và mọi tầng lớp trên cả nước. Thời gian tới, đề nghị Thủ tướng quan tâm hơn đến công tác chỉ đạo, rà soát việc thực hiện các kết luận, ý kiến chỉ đạo đối với bộ, ngành, địa phương.
“Thủ tướng đã thành lập 2 tổ giúp việc và một ban tư vấn chính sách. Tuy nhiên, còn nhiều nội dung Thủ tướng đã chỉ đạo nhưng cấp được giao vẫn án binh bất động. Theo tôi cần phải thực hiện chính sách đếm từng việc để đánh giá mức độ tuân thủ của người đứng đầu bộ, ngành, địa phương mới có thể truy cứu được trách nhiệm, nếu không hoàn thành nhiệm vụ, mới hạn chế được tình trạng trên nóng, dưới nóng, giữa lạnh như hiện nay”, ĐBQH Nhưỡng nói.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Thủ tướng sử dụng thẩm quyền được nhân dân và Quốc hội giao kiên quyết xử lý các cán bộ theo thẩm quyền, trước hết có thể tạm đình chỉ những cán bộ lãnh đạo hành dân, hành doanh nghiệp, thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, tham nhũng, lãng phí, nhất là trong thu, chi ngân sách Nhà nước, sử dụng vốn ODA, xử lý cát tặc, lâm tặc, xử lý sai phạm trong công tác cán bộ, đặc biệt là nạn bằng giả, thăng tiến thần tốc, nâng đỡ, bổ nhiệm không trong sáng, các dự án nghìn tỷ đắp chiếu v.v.. Nhân dân và cử tri rất mong chờ có sự chuyển biến nhanh chóng trong vấn đề này.
Về nội dung phối hợp trong công tác của Chính phủ, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng chỉ ra rằng, tại báo cáo trình Quốc hội, Chính phủ chưa thể hiện rõ công tác phối hợp giữa hệ thống hành pháp với các cơ quan tư pháp trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, trong khi Hiến pháp 2013 xác định rõ ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền lực là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Hành pháp là nhánh quyền lực trung tâm hành động, rất cần có sự phối hợp của các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hoạt động tư pháp, kể cả trong khởi tố, điều tra, truy tố, thi hành án. Đó là những vấn đề liên hệ đến các quyền cơ bản của công dân, hoạt động của doanh nghiệp. “Vì vậy, trong các báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội hàng năm trước Quốc hội, đề nghị Chính phủ bổ sung kết quả phối hợp những hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân trong phối hợp với các cơ quan trong hệ thống chính trị để Quốc hội biết, thảo luận, góp ý toàn diện sâu sắc hơn”, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nói.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng, Trưởng Đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị phát biểu tại phiên thảo luận sáng 26/5.
Cũng đưa ý kiến về nội dung này, ĐBQH Hoàng Đức Thắng (tỉnh Quảng Trị) đồng tình với ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng về những vấn đề đặt ra trong mối quan hệ giữa cơ quan hành chính và tư pháp. ĐBQH Hoàng Đức Thắng nêu ví dụ vụ án buôn lậu thiếu trách nhiệm gây ra hậu quả nghiêm trọng ở Quảng Trị và TP.Đà Nẵng đã xảy ra từ năm 2011, qua 3 lần xét xử sơ thẩm, tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Đặc biệt đã có những dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng của các cơ quan tố tụng, công dân kêu oan. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đã kiến nghị chất vấn và báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 4. Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, bộ Công an đã có trả lời và hứa đôn đốc giải quyết nhưng đến nay, vụ án đã bước vào năm thứ 7 mà chưa có hồi kết.
“Người dân mòn mỏi chờ đợi kết luận cuối cùng của các cơ quan có thẩm quyền, vì vậy một lần nữa tôi đề nghị các cơ quan có trách nhiệm giải quyết dứt điểm vụ án. Đề nghị Ủy ban Quốc hội, Thường vụ Quốc hội cho giám sát việc thực thi pháp luật của các cơ quan tố tụng, nếu phát hiện có những vi phạm pháp luật thì kiên quyết xử lý trên cơ sở thượng tôn pháp luật, không để có bất cứ địa chỉ cấm, vùng cấm nào trong xử lý vụ án này”, ĐBQH Hoàng Đức Thắng nhấn mạnh.
NĐT