Dòng sự kiện:
Kiều hối giảm nhẹ, nhưng vẫn là nguồn lực lớn
24/01/2021 18:30:45
Sau nhiều năm tăng liên tục, lượng kiều hối về Việt Nam năm 2020 giảm nhẹ, nhưng vẫn có quy mô lớn.

Gần như liên tục tăng qua các năm

Từ dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) kết hợp với thông tin từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức chuyển tiền kiều hối, ước tính lượng kiều hối về Việt Nam năm 2020 có thể đạt khoảng 15,5 tỷ USD. Con số này góp phần làm cho lượng kiều hối bình quân năm trong thời kỳ 2016-2020 tăng 35,6% so với giai đoạn 2011-2015, cao gấp trên 3 lần thời kỳ 2000-2010 và cao gấp gần 21,7 lần giai đoạn 1993-2000.

Lượng kiều hối về Việt Nam năm 2020 nhiều gấp 109,9 lần năm 1993 - năm đầu tiên có thông tin về kiều hối. Tính từ năm 1993 đến nay, tổng lượng kiều hối về Việt Nam đạt khoảng 182,65 tỷ USD, bình quân một năm đạt 7.084 triệu USD.

Như vậy, lượng kiều hối về Việt Nam gần như liên tục tăng lên qua các năm, chỉ giảm vào năm 2009 - khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu và năm 2020 do tác động của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu. Đây là lượng ngoại tệ lớn so với các nguồn ngoại tệ khác.

Năm 2019, lượng kiều hối của Việt Nam được WB xếp thứ 9/10 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nếu tính lượng kiều hối/GDP, thì Việt Nam còn ở vị thế cao hơn (chiếm 6,3%, cao hơn của Trung Quốc: chiếm 0,5%, Ấn Độ: 2,8%, Mehico: 3,3%). Nếu tính bình quân dân số, thì kiều hối của Việt Nam năm 2019 đạt 173,1 USD/người, cao hơn một số nước có tổng lượng kiều hối đứng trên. Năm 2020, Việt Nam ước đứng thứ 9 trong 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới.

Cơ cấu nguồn kiều hối có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Kiều hối hiện bao gồm 2 nguồn: từ Việt kiều và từ người đi lao động đi xuất khẩu lao động. Trong đó, số Việt kiều hiện có khoảng 4,5 triệu người, sinh sống ở khoảng 100 nước và vùng lãnh thổ, tập trung nhiều ở các nước phát triển, có GDP bình quân đầu người cao, như Hoa Kỳ, Australia, Canada, Pháp, Đức…

Hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp của người Việt Nam ở nước ngoài đang hoạt động, với lượng vốn trên 4 tỷ USD. Số lao động làm việc ở nước ngoài có khoảng 580.000 người. Người lao động làm việc chủ yếu ở các ngành nghề xây dựng, sản xuất chế tạo (cơ khí, may mặc, giày da, lắp ráp điện tử…), giúp việc gia đình, chăm sóc người già, người bệnh, nông nghiệp, thuỷ sản…

Số tiền mà người lao động gửi về nước ước đạt 3-4 tỷ USD/năm, chiếm khoảng 20% tổng lượng kiều hối về Việt Nam. Thu nhập trung bình một tháng của lao động Việt Nam ở các thị trường này lên đến trên dưới 1.000 USD (Hàn Quốc 1.200-1.400 USD; Nhật Bản 700-800 USD…). Xét theo quốc gia và vùng lãnh thổ, số kiều hối chuyển từ các nước lớn nhất là Mỹ, tiếp đến là Australia, Canada, Đức, Hàn Quốc, Pháp, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất…

Nguyên nhân và tác động

Lượng kiều hối về Việt Nam gần như liên tục tăng lên qua các năm là do được tạo điều kiện từ chính sách của Nhà nước. Ngay từ những năm đầu tiên đến nay, chính sách của Nhà nước có 2 điểm tích cực đáng lưu ý.

Thứ nhất, người nhận ngoại hối có khoản thu nhập ngoài, dù là thu nhập cá nhân, dù ít, dù nhiều, nhưng không phải nộp thuế thu nhập cá nhân như các khoản thu nhập cá nhân khác - đây là sự khuyến khích, ưu ái hơn so với nhiều nước trên thế giới.

Thứ hai, người nhận kiều hối được tự quyết định nhận bằng ngoại tệ gốc hay đổi thành tiền Việt Nam để sử dụng, hoặc gửi tiết kiệm... Do lãi suất tiết kiệm bằng VND cao hơn, bảo đảm thực dương trong thời gian khá dài, nên người nhận kiều hối thường đổi sang VND để sử dụng, không găm giữ USD.

Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân từ việc chuyển/nhận tiền một cách thuận lợi, nhanh chóng từ các đơn vị dịch vụ nhận/trả kiều hối, còn được tích điểm thưởng…; lãi suất gửi bằng VND cao hơn so với tiền gửi với lãi suất rất thấp của người có kiều hối gửi gần như bằng 0 ở nước ngoài; lãi suất tiền gửi ngoại tệ ở trong nước bằng 0, trong khi tỷ giá VND/USD từ mấy năm nay cơ bản ổn định.

Lượng kiều hối năm 2020 bị giảm do yếu tố chủ yếu là đại dịch Covid-19 diễn ra trên khắp thế giới, nhất là ở những nước mà Việt Nam có nhiều Việt kiều hoặc nhiều lao động làm việc dài hạn theo hợp đồng. Đại dịch làm cho việc làm và thu nhập của Việt kiều và người lao động xuất khẩu bị sụt giảm hoặc không còn tăng như trước, phần thu nhập dôi ra để gửi về cho người thân cũng bị sụt giảm theo. Tuy nhiên, kiều hối được kỳ vọng sẽ tăng trở lại trong những năm sau.

Kiều hối có tác động về nhiều mặt. Trước hết, kiều hối góp phần cải thiện cán cân thanh toán, làm tăng dự trữ ngoại hối. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, năm 1997, Việt Nam đạt gần 2,1 tỷ USD dự trữ ngoại hối, năm 2000 trên 3,5 tỷ USD, năm 2005 đạt trên 9,2 tỷ USD, năm 2010 đạt trên 12,9 tỷ USD, năm 2015 đạt gần 28,3 tỷ USD, cuối năm 2019 đạt 79 tỷ USD. Theo báo cáo của Chính phủ cuối tháng 9/2020, con số trên là 92 tỷ USD, khả năng cuối năm có thể đạt cao hơn.

Dự trữ ngoại hối đã vượt 4 tháng nhập khẩu (vượt mốc 3 tháng theo thông lệ của quốc tế) và lớn hơn nợ ngắn hạn của quốc gia - tức là bảo đảm an toàn tài chính của quốc gia. Dự trữ ngoại hối góp phần ổn định tỷ giá VND/USD (năm 2018 tăng 1,29%, năm 2019 tăng 0,99%, năm 2020 giảm 0,02%, bình quân năm từ 2012 đến 2020 tăng 1,16%).

Tác giả: Minh Nhung

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến