Dòng sự kiện:
Kiều hối khơi dòng, đón sóng
27/12/2019 18:01:14
Liên tiếp 3 năm, Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới. TP HCM nhận lượng kiều hối đổ về cao nhất cả nước, ước tính năm 2019 đạt 5,6 tỷ USD.

Tại chương trình gặp gỡ báo chí thông tin kết quả hoạt động của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trong năm 2019; dự kiến các hoạt động chính năm 2020 tổ chức ngày 26/12 tại Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lương Thanh Nghị cho biết cùng với các dự án đầu tư của kiều bào về trong nước, kiều hối là nguồn lực quan trọng thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.

Ảnh minh hoạ

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2019 lượng kiều hối chảy về Việt Nam ước đạt 16,7 tỷ USD, tăng 4,6% so với năm 2018. Đây là lần thứ 3 liên tiếp Việt Nam lọt top 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới.

Đối với TP HCM, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP HCM, lượng kiều hối trong 11 tháng qua đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến trong tháng 12 là 1 tỷ USD, cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trưởng khoảng trên 9% so với năm 2018.

Ông Nghị cho biết trong những năm gần đây, nguồn lực doanh nhân, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài được phát huy mạnh mẽ, đặt trọng tâm vào nhóm kiều bào trẻ. Hiện, khoảng 3.000 doanh nghiệp của người Việt Nam ở nước ngoài đang hoạt động đầu tư trên cả nước với tổng số vốn góp và vốn đăng ký là 4 tỷ USD tại 52 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu ở các thành phố và trung tâm kinh tế lớn.

Các doanh nghiệp do người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư tại Việt Nam chủ yếu từ các nước như Mỹ, Canada, Úc, Liên bang Nga, Pháp, Hà Lan, Nhật Bản, Ba Lan, Thụy Sỹ... Các dự án đầu tư của kiều bào hoạt động chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực sản xuất chế biến hàng xuất khẩu, thương mại, du lịch, xây dựng, bất động sản, nuôi trồng, chế biến thủy sản, công nghệ phần mềm...

Phó Chủ nhiệm Lương Thanh Nghị cho biết trong năm 2019, cộng đồng doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài phát triển mạnh mẽ, từng bước lớn mạnh, gia tăng vị thế và vai trò ở quốc gia sở tại và có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, kết nối với doanh nghiệp, bộ, ngành, địa phương trong nước. Các chương trình do doanh nhân kiều bào tổ chức như Diễn đàn kinh tế kiều bào toàn cầu lần I tại Hàn Quốc tháng 6-2019; Diễn đàn Doanh nghiệp Việt kiều châu Âu tại Warszawa, Ba Lan tháng 9-2019; Hội nghị xúc tiến thương mại Thái -Việt mở rộng tại Udon Thani, Thái Lan tháng 9-2019… đã góp phần quan trọng quảng bá các doanh nghiệp, thương hiệu Việt Nam ra thị trường quốc tế.

Trong năm 2019, Ủy ban đã đề xuất tham mưu, chủ động rà soát, kiến nghị và đóng góp nhiều ý kiến với các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài theo hướng thực tiễn và hiệu quả, đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của kiều bào, tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào về nước làm ăn, sinh sống, học tập như: nghiên cứu, rà soát và sửa đổi những bất cập liên quan tới việc nhập, trở lại quốc tịch Việt Nam của người Việt Nam ở nước ngoài; thu hút các cá nhân tham gia hoạt động khoa học công nghệ tại Việt Nam là người Việt Nam ở nước ngoài; hỗ trợ kiều bào về nước sinh sống, làm việc tại Việt Nam…

Chuyên gia về tài chính và ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, dòng chảy kiều hối về Việt Nam tăng cao chủ yếu là do người Việt làm việc ở nước ngoài “tin vào sự ổn định của nền kinh tế và nhìn thấy những cơ hội đầu tư tốt hơn ở thị trường trong nước”.

Để tiếp tục thu hút kiều hối, theo ông Hiếu, Chính phủ nên: Có những chính sách hỗ trợ thiết thực hơn trong việc thu hút đầu tư như chính sách đầu tư, thương mại dành riêng cho người Việt ở nước ngoài; Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá để kiều bào ở nước ngoài tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam thông qua các văn phòng lãnh sự, ủy ban người Việt ở nước ngoài... Ông Hiếu cũng cho rằng, Ngân hàng nhà nước (NHNN) cần tiếp tục linh hoạt trong điều hành giữ ổn định tỷ giá, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại tại TP HCM nhận định, nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam năm nay tiếp tục khả quan. Tuy nhiên, có một thực tế, việc phân phối kiều hối có thể không đồng đều so với một số khu vực kém phát triển hơn và không thể thu được lợi ích kinh tế mà kiều hối mang lại.

“Chính sách thu hút kiều hối của Việt Nam ngày càng thông thoáng, tạo điều kiện cho kiều bào chuyển tiền về Việt Nam, bổ sung nguồn vốn vào sản xuất kinh doanh, tăng tiêu dùng và thúc đẩy gia tăng đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay, dịch vụ chi trả kiều hối tại các tỉnh nhỏ và vùng nông thôn vẫn còn hạn chế. Do đó, nếu dịch vụ này trải dài rộng khắp đất nước thì tổng lượng kiều hối của Việt Nam sẽ còn tăng mạnh hơn nữa”, vị này chia sẻ.

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến