Dòng sự kiện:
Kiều hối tiếp tục đổ về Việt Nam
22/09/2018 10:00:43
Khi nền kinh tế ổn định càng khuyến khích người Việt ở nước ngoài chuyển kiều hối về Việt Nam để đầu tư kinh doanh.

Theo đánh giá của một số tổ chức quốc tế, Việt Nam trở thành một trong 10 nước nhận lượng kiều hối nhiều nhất thế giới. Ý nghĩa của nguồn kiều hối này ra sao và liệu lượng kiều hối tiếp tục tăng trong năm 2018. Phóng viên có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Trí Hiếu xoay quanh câu chuyện kiều hối.

TS. Nguyễn Trí Hiếu

Ông đánh giá ý nghĩa của nguồn kiều hối đối với nền kinh tế Việt Nam?

Cùng với những nguồn ODA, FDI, FII, nguồn tài trợ của các tổ chức kinh tế tư nhân vào Việt Nam, kiều hối là một nguồn tài trợ hữu hiệu cho nền kinh tế Việt Nam. Nhất là trong bối cảnh mà nhiều nguồn vốn ưu đãi từ quốc tế cho Việt Nam không còn nhiều. Chẳng hạn hiện nguồn ODA dành cho Việt Nam khá ít khi Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình. Còn nguồn FDI, FII tuỳ thuộc nhiều vào biến chuyển kinh tế trên thế giới. Và nguồn tư nhân dĩ nhiên hạn chế. Nên trong tất cả các nguồn đó, nguồn kiều hối là nguồn dồi dào nhất, không có điều kiện và không bao giờ phải hoàn lại. Do vậy, thời điểm này, có thể nói nguồn kiều hối là nguồn tài trợ cho nền kinh tế tốt nhất.

Theo ông, yếu tố nào thu hút dòng kiều hối trong thời gian qua?

Trong thời gian qua, Chính phủ cũng có nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam được cải thiện làm tăng niềm tin vào thị trường. Nhờ vậy, đã thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Việt kiều nói riêng chuyển tiền về nước tham gia sản xuất kinh doanh… Bên cạnh đó, chính sách tỷ giá, ngoại hối có tác động tích cực trong việc thu hút nguồn kiều hối về Việt Nam. Đến thời điểm này, nhờ chính sách tỷ giá linh hoạt, hiệu quả, đồng VND ổn định là điểm sáng trong kêu gọi đầu tư từ nước ngoài trong đó có nguồn kiều hối.

Liệu lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2018 có duy trì ở mức cao như 2017?

Tôi nghĩ rằng, năm 2018, nguồn kiều hối sẽ gặp khó khăn hơn so với năm trước. Hiện tại, lãi suất tiền gửi của USD của Việt Nam vẫn là 0%, trong khi tại Mỹ lãi suất vẫn tăng sẽ khiến dòng kiều hối từ nước này về có thể sẽ chậm lại. Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung tiếp tục được đẩy mạnh cũng có thể là một trong những rào cản kiều hối về Việt Nam. Vì hiện tại lượng kiều hối từ thị trường Mỹ vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn cung kiều hối về Việt Nam. Trước tất cả những yếu tố đó, tôi nghĩ rằng, nguồn kiều hối sẽ khó giữ phong độ như những năm trước.

Đây cũng là xu hướng chung trên thế giới, vì hiện tại như bạn biết Chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thực hiện chính sách bảo hộ mậu dịch khuyến khích các nhà đầu tư Mỹ trở về đầu tư tại nước nhà thay vì đầu tư ra nước ngoài và trừng phạt các nước mà theo Trump là đang lợi dụng vị thế của họ để trục lợi. Đặc biệt, Chính phủ Mỹ rất quan tâm đến các quốc gia xuất siêu vào Mỹ. Với chính sách bảo hộ mậu dịch có thể ảnh hưởng đến tâm lý người Việt ở nước ngoài gửi kiều hối về Việt Nam. Nhưng nhìn chung dòng kiều hối vẫn sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam cho mục đích sản xuất kinh doanh, đầu tư bất động sản và dĩ nhiên hỗ trợ tiêu dùng cho bà con của người nước ngoài đang ở Việt Nam.

Vậy theo ông, thời gian tới cần có giải pháp chính sách nào để tiếp tục thu hút lượng kiều hối đổ về Việt Nam?

Tôi cho rằng, Chính phủ nên có những chính sách hỗ trợ thiết thực hơn trong việc thu hút đầu tư như chính sách đầu tư, thương mại, chính sách dành riêng cho người Việt ở nước ngoài. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá để kiều bào ở nước ngoài tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam thông qua các Văn phòng lãnh sự, Ủy ban người Việt ở nước ngoài... Hiện Luật Kinh doanh BĐS cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam nhưng vẫn có hạn chế, ràng buộc chặt chẽ. Để động viên nhiều người nước ngoài chuyển kiều hối về mua BĐS, theo tôi chính sách này nên có thay đổi cho phù hợp thực tế.

Với vai trò nhà quản lý ngoại hối, NHNN linh hoạt trong công tác điều hành giữ ổn định tỷ giá, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Khi nền kinh tế ổn định càng khuyến khích người Việt ở nước ngoài chuyển kiều hối về Việt Nam để đầu tư kinh doanh.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến