Kinh doanh thua lỗ, Vinaship đổ lỗi cho xuất khẩu
25/03/2016 17:56:25
ANTT.VN - Sau nhiều năm kinh doanh thua lỗ, năm 2014, Công ty cổ phần vận tải biển Vinaship trở lại đà tăng trưởng với lợi nhuận khiêm tốn, chỉ 1,6 tỷ đồng thì năm 2015 lại là một năm kinh doanh bết bát.

Tin liên quan

Mới đây, Công ty cổ phần vận tải biển Vinaship (VNA) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015. Theo báo cáo này, lợi nhuận sau thuế của VNA là -39,706 tỷ đồng, lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2015 đã tăng lên mức 106,8 tỷ đồng.

VNA cho hay, việc kết quả sản xuất kinh doanh của công ty bị thua lỗ trong nhiều năm qua, đặc biệt, trong năm 2015 đến từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, khối lượng hàng hóa xuất khẩu giảm đã tác động nhiều nhất đến kết quả kinh doanh.

Dù đã bán đi tàu Hà Nam, VNA vẫn không thể bù lỗ

Trong năm 2015, nguồn hàng vận chuyển hầu như ít cải thiện. Tại Đông Nam Á, mặt hàng gạo xuất khẩu từ Việt Nam đi một số thị trường truyền thống như Malaysia hầu như rất nhỏ, nguồn hàng gạo xuất đi Philippines và Indonesia sản lượng trong 9 tháng đầu năm khá thấp và chỉ tập trung mạnh vào quý IV.

Thị trường vận tải biển trong năm 2015 vẫn gặp nhiều khó khăn. Giá cước vận tải biển nhìn chung vẫn ở mức thấp, đặc biệt là cước tàu hàng khô cỡ Handy size trở lên. Chỉ số giá cước vận tải biển BDI xuống thấp kỷ lục trong vòng 30 năm qua (còn 498 điểm tại thời điểm tháng 11).

Ở phân khúc thị trường tàu chuyến mà đội tàu công ty tham gia, ngoài mặt hàng gạo Việt Nam xuất khẩu có giá cước tương đối ổn định, các nhóm hàng sản lượng lớn khác như rock phosphate và phụ gia liên tục giảm giá cước do tác động của giá dầu thô thế giới.

Nhiều đồng tiền trong khu vực cũng chịu sức ép phá giá của đồng nhân dân tệ làm ảnh hưởng đến giao thương nội vùng. Tỷ giá hối đoái đồng Việt Nam và đô la Mỹ trong kỳ tiếp tục biến động mạnh, kéo theo khoản chênh lệch tỷ giá phát sinh trong năm tăng gần 3 lần so với dự kiến từ đầu năm của công ty.

Thêm vào đó các phần trả lãi vay (ngắn và trung hạn) ngân hàng vẫn ở mức cao nên tổng chi phí hoạt động tài chính năm 2015 của công ty (70,3 tỷ đồng) vẫn là gánh nặng lớn lên hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong năm 2015, VNA tiếp tục phải bán thêm tàu Hà Nam, trọng tải 6.521 DWT, trước đó, năm 2012 và 2014 các tàu Hưng Yên, trọng tải 11.800 DWT và tàu Hà Tiên, trọng tải 7.018 DWT cũng đã được bán.

Đội tàu của công ty hiện chỉ còn 10 chiếc với tổng trọng tải 169.096 DWT. Tàu có trọng tải nhỏ nhất là 6.500 DWT, lớn nhất là 27.841 DWT. Các tàu này đều có tuổi thọ bình quân tương đối cao (19,5 tuổi) và trọng tải nhỏ nên phát sinh chi phí sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hiểm, đồng thời sức cạnh tranh cũng bị giảm đi khá nhiều.

Ngày 19/02/2016, Sở giao dịch chứng khoán TP. HCM cũng đã ra thông báo về việc cổ phiếu VNA có khả năng bị kiểm soát khi lợi nhuận sau thuế của công ty năm 2015 ghi nhận con số -39,706 tỷ đồng.

Trước hàng loạt những nguyên nhân và khó khăn trong hoạt động kinh doanh, VNA đã đưa ra  các kế hoạch và biện pháp khắc phục. Trong đó đề cập đến việc tập trung ký kết các hợp đồng dài hạn với các nhà máy nhiệt điện, xi măng; duy trì nguồn hàng truyền thống  và khai thác nguồn hàng mới, mở rộng tuyến khai thác khi có điều kiện.

Kế đến, VNA xác định phải làm tốt công tác thu xếp đầu bến nhằm giảm thiểu thời gian tàu chạy không hàng gây lãng phí nhiên liệu. Bên cạnh đó cần cơ cấu lại các khoản vay dài hạn tại các tổ chức tín dụng đồng thời thực hiện các biện pháp quản lý, cắt giảm tối đa các chi phí,tập trung vào việc kiểm soát tốt chi phí nhiên liệu, vật liệu, sửa chữa để nâng cao kết quả kinh doanh.

Quách Minh

 
 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến