Dòng sự kiện:
Kinh hoàng lãi suất 700%
28/09/2018 11:23:56
Con số 700% lãi suất trong một hình thức 'như mafia online' đang cho thấy nhu cầu vay của người dân chưa hề được thỏa mãn và tệ hơn, một diện mạo mới của thế giới ngầm đang hiện hữu, nằm ngoài vòng pháp luật.

700% là mức lãi suất mà TS Nguyễn Trí Hiếu tính toán với các hoạt động từ mô hình cho vay ngang hàng trực tuyến đang thu hút rất nhiều người tham gia. Trên báo Pháp luật thành phố, TS Hiếu gọi đây là “Mức lãi suất cắt cổ”, có thể lên tới vài ba trăm %. Thậm chí, tính tổng các chi phí quản lý, phạt trễ hạn thì mức lãi suất thực tế có khi tới 720%.

“Vài ba trăm %” hay thậm chí “720%”! Không thể dùng từ nào khác: Đó là lãi suất cắt cổ.

Để tiện so sánh, mức lãi vay tại các ngân hàng thương mại chỉ từ 25-30%.

Cho vay siêu nhanh, thủ tục siêu dễ dàng, mức lãi siêu cắt cổ, phí phạt cao khủng khiếp... Mô hình P2P (peer to peer lending) này ở VN đang hoàn toàn “ngoài vòng pháp luật” khi không chỉ vi phạm Luật các tổ chức tín dụng mà còn tiềm ẩn rất lớn khả năng xảy ra những vụ lừa đảo, đòi nợ, những bất ổn xã hội.

Tuy nhiên, phải công bằng rằng hình thức cho vay ngang hàng trực tuyến - kết nối người có tiền và người muốn vay tiền đang giống như lách vào khe hẹp mà ngân hàng chưa thể thỏa mãn.

Vietnamnet dẫn lời một người dân ở Thủ Đức, TP HCM cho biết, do không thể vay tiền tại các ngân hàng, chị đã “vay trực tuyến” khoản tiền 3 triệu đồng để chữa bệnh cho con.

Tính ra, với số tiền vay 2,5 triệu đồng trong tối đa 30 ngày, và lãi suất công bố là 39%/tháng, tổng số tiền người phụ nữ này phải trả vào khoảng 3,48 triệu đồng. Tuy nhiên, ngay sau khi giao dịch hoàn tất, bên cho vay thu thêm “phí quản lý” 2%/ngày, tức là 60%/tháng, hay 720%/năm. Và khi người vay thắc mắc, bên cho vay lập tức “hăm dọa đủ kiểu”.

Tại sao hình thức cho vay cắt cổ này có thể tồn tại dù lãi suất cắt cổ như vậy? Là bởi nhu cầu vay tiền của người dân là rất lớn, đặc biệt trong những trường hợp khẩn cấp, trong khi ngân hàng bị ràng buộc bởi các quy định không thể đáp ứng kịp thời. Và nguyên do thứ hai, đây là hình thức mới xuất hiện ở VN trong khi cơ quan quản lý vẫn lúng túng, vẫn chưa hề có thậm chí là chủ định trong công tác quản lý.

Việc xử lý việc này đang trong tay Ngân hàng Nhà nước. Và việc cần làm bây giờ không chỉ là phải đưa ngay ra các hình thức quản lý - không chờ tới khi có hậu quả. Tất nhiên, còn phải là các biện pháp đáp ứng nhu cầu vay chính đáng của người dân.

Theo Lao động

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến