Dòng sự kiện:
Kinh hoàng rác thải bủa vây hơn 500ha rừng phòng hộ ven biển Thanh Hóa
14/04/2018 09:26:23
Lượng rác khổng lồ từ khắp nơi các vùng thượng nguồn đã theo dòng chảy đồ về biển, khi thủy triểu lên, rác bị mắc trên những ngọn cây trong khu rừng phòng hộ ven biển.

Chứng kiến cảnh khu rừng phòng hộ dài hơn 5km dọc theo bờ biển xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) bị bủa vây bởi rác thải, nhiều người không khỏi kinh hoàng và bức xúc.

Lượng rác khổng lồ với đủ các loại, chúng theo dòng chảy từ khắp các vùng thượng nguồn đổ về nơi này, cùng với rác thải sinh hoạt của chính người dân địa phương thải ra. Khi thủy triều lên, mặt biển ngập ngụa rác, thế nhưng khi thủy triều xuống, những đám rác này bị mắc lại, quấn chặt vào các ngọn cây sú, vẹt trong khu rừng phòng hộ.

Khi thủy triều xuống, rác mắc trên những ngọn cây sú,vẹt

Rừng cây bị rác quấn quanh với đủ sắc màu tạo nên một cảnh tượng kì quái, mất mỹ quan. Không chỉ trên các ngọn cây, rác cũng dạt vào ven bờ kè biển, có mùi hôi thối nồng nặc.

Theo người dân địa phương, tình trạng này không phải mới diễn ra mà đã có nhiều năm nay. Tuy nhiên, hầu như không có biện pháp nào khắc phục.

Cảnh tượng mất mỹ quan tại rừng phòng hộ ven biển

Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Văn Đỉnh, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc cho biết, rác ở đây không phải ở địa phương mà từ thượng nguồn các nhánh sông đổ về, từ ngoài biển dạt vào bờ. 

Không chỉ rác trên ngọn cây, mà chúng còn dạt vào bờ kè ven biển

Cũng theo ông Đỉnh, lượng rác lớn không chỉ gây mất mỹ quan, gây ô nhiễm môi trường biển mà còn khiến những thân cây nhỏ mới trồng bị gãy đổ và chết.

“Hiện nay, trên toàn xã Đa Lộc có hơn 400ha rừng phòng hộ ven biển, để làm sạch được rác trên cây là cả một vấn đề hết sức nan giải.

Hàng tuần, chính quyền xã Đa Lộc cũng phối hợp với đoàn trường THCS tổ chức dọn vệ sinh. Tuy nhiên, cũng chỉ xử lí được rác dọc bờ biển và trên khu vực đê kè, chứ rác bám trên ngọn cây trong rừng phòng hộ thì rất khó xử lí. Bởi nó không chỉ mắc ở đó một lần mà ngày nào cũng vậy, theo mực nước thủy triều lên xuống”, ông Đỉnh nói.

Cảnh tượng rừng phòng hộ khi thủy triều xuống

Để xử lí tận gốc vấn đề này, không chỉ là trách nhiệm riêng của xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, mà cần chung tay giúp sức của cả cộng đồng, trước hết là nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, không xả rác bừa bãi ra môi trường.

Lương Diễn
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến