Dòng sự kiện:
Kinh tế đang đối diện hàng loạt khó khăn
06/05/2016 16:09:09
Kinh tế Việt Nam đang đối mặt với hàng loạt khó khăn và thách thức từ nay đến cuối năm 2016, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư phục vụ phiên họp thường kỳ của Chính phủ trong hai ngày 4 và 5-5-2016.

Tin liên quan

Báo cáo nhận định, kinh tế vĩ mô còn nhiều yếu tố gây bất ổn định, lạm phát cả năm có thể vượt quá mục tiêu 5% đã đề ra do tăng lương và giá dầu thô đang tăng.
Bên cạnh đó, mức lãi suất hiện nay còn cao hơn nhiều so với chỉ số lạm phát, gây khó khăn cho việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp. Việc áp dụng lãi suất huy động ngoại tệ trong nước ở mức 0% có mặt tích cực là khắc phục được tình trạng đô la hóa, nhưng lại gây khó khăn cho việc huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngoại tệ nhàn rỗi trong nước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến tăng trưởng của nền kinh tế có thể không đạt mục tiêu 6,7% trong năm 2016 do các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, xuất nhập khẩu đều đang chậm lại so với trước.
Bộ cho biết, việc cân đối và huy động vốn đầu tư công gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi cao sẽ giảm sút.
Chi thường xuyên tiếp tục tăng cao, lên tới 65% tổng chi, trong khi chi đầu tư phát triển bị giảm từ 30% tổng chi xuống còn 17%. Báo cáo trên có đoạn: "…Với khả năng thu hiện nay, tổng thu NSNN không đủ để chi thường xuyên và trả nợ. Toàn bộ chi đầu tư đều phải dựa vào nguồn bội chi, vốn vay của Chính phủ”.
Trong khi đó, nguồn ODA sẽ giảm dần, thay vào đó là các khoản vốn vay với ít ưu đãi hơn, thời hạn vay ngắn và lãi suất cao hơn. Nguồn vay trong nước cũng rất khó khăn. Việc phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu kho bạc chủ yếu dựa vào các tổ chức tài chính của nhà nước, như: các ngân hàng thương mại, bảo hiểm xã hội,… và cũng đạt kết quả rất thấp.
Báo cáo của bộ cũng cho biết, trong bốn tháng đầu năm nay đã có 9.450 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm trước; 15.685 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (không đăng ký hoặc chờ giải thể), tăng 27,4% so với cùng kỳ năm trước; 3.759 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng lo nhất là đời sống người dân ở các vùng bị thiên tai, hạn hán và xâm nhập mặn, vùng biển bị ô nhiễm gây cá chết hàng loạt,... gặp rất nhiều khó khăn; nhiều diện tích trồng lúa, cây ăn quả, cây công nghiệp bị thiệt hại, mất trắng. Nông dân, ngư dân không còn vốn để sản xuất, trong khi các khoản vay của ngân hàng đã đến hạn, nhưng không có khả năng trả nợ; đòi hỏi phải có biện pháp xử lý kịp thời, giảm thiểu thiệt hại và hỗ trợ phục hồi sản xuất.
Tư Giang (TBKTSG online)
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến