Dòng sự kiện:
Kinh tế thế giới năm 2022: Những yếu tố lớn cần theo dõi
11/01/2022 14:08:29
Năm 2021 đã chứng kiến ​​sự gia tăng đột ngột và nhanh chóng của lạm phát do đà phục hồi hoạt động kinh tế trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị tắc nghẽn.

Năm 2022 có phải là năm kinh tế thế giới phục hồi hậu đại dịch? Đó là câu hỏi lớn của nhiều người trong bối cảnh thế giới đã chuyển mình sang năm 2022 nhưng những vết tích tàn phá của đại dịch Covid-19 vẫn chưa kịp phục hồi.

Đại dịch khó lường

Một yếu tố phức tạp trong hầu hết các dự báo kinh tế được công bố là sự xuất hiện của biến thể Omicron của Covid-19 hiện đang lây lan nhanh chóng tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Thế giới đã chứng kiến ảnh hưởng lớn của biến thể trong khoảng thời gian cận kề Giáng sinh vừa qua, khi hàng loạt nhà hàng tại Anh điêu đứng vào đúng mùa kinh doanh dịp lễ hội hay nhiều hãng hàng không tại Mỹ buộc phải hoãn, hủy hàng nghìn chuyến bay cuối năm do lo ngại Covid-19. Trong những tháng tới, biến thể Omicron có thể gây gia tăng các biện pháp hạn chế, tâm lý thận trọng của người tiêu dùng trong bối cảnh số ca mắc bệnh tăng cao.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng biến thể mới dường như gây bệnh nhẹ hơn so với những lo ngại ban đầu, điều đó đồng nghĩa rằng các hạn chế có thể được nhanh chóng dỡ bỏ cũng như những tác động đến nền kinh tế sẽ ở mức vừa phải. Ví dụ, Israel và Australia đã nới lỏng các hạn chế mặc dù số lượng các ca nhiễm ở mức cao.

Đối với các công ty dược phẩm, các nhà sản xuất vắc xin Covid-19 như Pfizer-BioNTech và Moderna đang tăng cường nỗ lực của họ để tạo ra mũi tiêm được điều chỉnh thích hợp với biến chủng Omicron. Ông Ugur Sahin, Giám đốc điều hành BioNTech, cho biết vào tháng 12/2021 trong một cuộc họp báo: “Chúng tôi tiếp tục việc phát triển vắc-xin Omicron tiềm năng để sẵn sàng nếu cần”. Các công ty cho biết có thể sẽ tung ra vắc-xin thích ứng với Omicron vào tháng 2 hoặc tháng 3 năm nay.

Ông Rasmus Bech Hansen, Giám đốc điều hành công ty phân tích khoa học đời sống Airfinity, cho biết: “Việc tiêm kim có thể khiến một số người e ngại với tiêm chủng, vì vậy chúng tôi đang xem xét đường mũi”; “Nhìn vào năm 2022, chúng ta có thể mong đợi những đổi mới và tiến bộ khoa học đáng kể như chúng ta đã chứng kiến ​​vào năm 2021”.

Một địa điểm xét nghiệm Covid-19 ở thành phố Santa Monica, bang California, Mỹ vào ngày 3/1/2021. Ảnh: Getty Images.

Lạm phát

Một ẩn số lớn khác trong bức tranh kinh tế năm 2022 là lạm phát. Năm 2021 đã chứng kiến ​​sự gia tăng đột ngột và nhanh chóng của lạm phát do đà phục hồi hoạt động kinh tế trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị tắc nghẽn.

Để củng cố nền kinh tế trước những làn sóng tấn công của đại dịch Covid-19, các ngân hàng trung ương đã đổ một lượng tiền khổng lồ vào hệ thống tài chính. Sự kích thích này nhằm giữ cho nhu cầu không bị sụt giảm, nhưng nguồn cung lại là một câu chuyện khác. Covid-19 đã làm gián đoạn việc sản xuất, trong khi các vấn đề vận chuyển toàn cầu đã dẫn đến tình trạng tồn đọng hàng hóa. Nguồn cung cấp nhiên liệu không đủ khiến giá than, khí đốt và dầu hỏa tăng vọt khi mùa đông đến.

Đã có nhiều ý kiến thảo luận về việc liệu lạm phát cao có là vấn đề tạm thời hay không trong khi các ngân hàng trung ương đang chịu nhiều sức ép nhằm kiểm soát đà tăng giá. Cho đến nay, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đều tỏ ra thận trọng trong quyết định nâng lãi suất vốn ở ​​mức rất thấp của họ. Mặt khác, Ngân hàng Trung ương Anh tăng lãi suất từ ​​0,1% lên 0,25% vào tháng 12/2021. Mức lãi suất này vẫn thấp nên có khả năng nước Anh sẽ có thêm nhiều đợt tăng lãi suất nữa và FED cũng sẽ bắt đầu tăng lãi suất vào mùa xuân.

Tờ The Economist nhận định: “Mặc dù lạm phát vào năm 2022 sẽ tiếp tục vượt quá các mục tiêu của ngân hàng trung ương, nhưng nó sẽ giảm tốc từ mức của năm 2021 và cuối cùng sẽ mờ dần”; “Giá năng lượng sẽ ổn định và giảm vào mùa xuân, do nhu cầu năng lượng giảm, sản lượng nhiên liệu tăng và có thể cũng là do nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại. Các vấn đề vận chuyển có thể mất nhiều thời gian hơn để giải quyết”.

Các tàu cập cảng Felixstowe, nước Anh, vào ngày 24/6/2021. Ảnh: Bloomberg.

Thương mại toàn cầu

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục vào năm 2022. Thỏa thuận "giai đoạn 1" giữa hai quốc gia vào năm 2020, trong đó Trung Quốc đã đồng ý tăng mua một số hàng hóa và dịch vụ của Mỹ lên tổng cộng 200 tỷ USD. Tuy nhiên, trong năm 2021, Trung Quốc chỉ đạt khoảng 60% mục tiêu theo thỏa thuận tính đến cuối tháng 11. Thỏa thuận hiện đã hết hạn nhưng câu hỏi lớn đối với thương mại quốc tế vào năm 2022 là liệu sẽ có một thỏa thuận “giai đoạn 2” mới hay không, trong khi chiến lược của Mỹ về Trung Quốc dưới thời Tổng thống Joe Biden là không có nhượng bộ nào đáng chú ý.

Ở những nơi khác, căng thẳng giữa Nga và Ukraine làm tăng thêm những quan ngại về nguồn cung khí đốt cho lục địa già. Do nước Nga chịu trách nhiệm hơn một phần ba nguồn cung khí đốt của châu Âu.

Báo cáo của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) nhận định: “Sự gián đoạn hoạt động hậu cần và giá nhiên liệu cao đã tiếp tục gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung, đẩy chi phí vận chuyển tăng cao. Đặc biệt, sự tồn đọng tại các trung tâm chuỗi cung ứng cho hầu hết năm 2021 có thể tiếp tục kéo dài sang năm 2022, ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại và định hình lại dòng chảy thương mại trên toàn thế giới".

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) của Anh đã đưa ra dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 sẽ ở mức 4%, trong khi tổng sản lượng kinh tế toàn cầu sẽ lần đầu tiên đạt mức kỷ lục 100 nghìn tỷ USD (74 nghìn tỷ bảng Anh). Ông Douglas McWilliams, Phó Chủ tịch CEBR, nhận định: “Cách các nền kinh tế thế giới đối phó với lạm phát là vấn đề quan trọng trong những năm 2020”; nếu các nền kinh tế không có biện pháp đối phó với lạm phát “thế giới sẽ phải gồng mình chống chọi với suy thoái vào năm 2023 hoặc 2024”.

Tác giả: Hà Thanh

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến