Bản tin Cập nhật Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5/2022 của Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá rằng kinh tế Việt Nam đang lấy được đà phục hồi sau khi mở cửa kinh tế và du lịch trở lại, tuy cần cẩn trọng với một số rủi ro từ tình hình địa chính trị và kinh tế thế giới.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 9,4% (so cùng kỳ năm trước), tương đương tốc độ tăng trưởng trước đại dịch. Dù vậy, sản xuất máy móc, thiết bị lại tăng trưởng chậm hơn, với tốc độ giảm từ 26,6% (so cùng kỳ 2021) trong tháng 3 xuống chỉ còn 5,1% trong tháng 4, chủ yếu do tình trạng phong tỏa chống đại dịch Covid-19 ở Trung Quốc đã dẫn đến nhập khẩu máy móc, thiết bị từ thị trường này giảm mạnh.
Chỉ số sản xuất công nghiệp, thay đổi theo %. Nguồn: Ngân hàng Thế giới.
Tháng 4/2022 là lần đầu tiên tăng trưởng doanh thu bán lẻ quay về sát với tốc độ trước đại dịch - khoảng 12,1%. Sự phục hồi của dịch vụ tiêu dùng được dẫn dắt chủ yếu bởi doanh thu từ dịch vụ lưu trú và ăn uống bùng nổ.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 25,2% so với tháng 4/2021, trong khi nhập khẩu chỉ nhích nhẹ từ 14,6% lên 16,5%. Nhập khẩu tăng chậm hơn xuất khẩu phần lớn phản ánh nhập khẩu từ Trung Quốc giảm tốc do phong tỏa. Kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị từ Trung Quốc giảm 15,2% trong tháng 3 (so cùng kỳ năm trước) và 6,4% trong tháng 4. Do xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu và linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc nên gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng tới.
Thương mại hàng hóa của Việt Nam, tính theo tỷ USD. Nguồn: Ngân hàng Thế giới.
Vốn FDI đăng ký đạt 1,9 tỷ USD trong tháng 4, giảm 12,6% so với cùng kỳ năm 2021, có thể do tình hình xung đột Nga - Ukraine đã khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn. Mặc dù vốn đăng ký giảm, nhưng vốn thực hiện các dự án FDI đã được phê duyệt trong tháng 4 vẫn tăng tăng 7,1% so cùng kỳ năm trước, tháng tăng thứ 5 liên tiếp.
FDI vào Việt Nam, tính theo tỷ USD. Nguồn: Ngân hàng Thế giới.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng lên 2,6% trong tháng 4. So với 1 năm trước, giá xăng dầu vẫn cao hơn gần 50% và vì vậy, tiếp tục là yếu tố đóng góp vào lạm phát lớn nhất thông qua nhóm giao thông. Giá lương thực, thực phẩm trong tháng 4 tăng 1,1% (so cùng kỳ năm trước), tương đương với tỷ lệ tăng trong tháng 3.
Tăng trưởng tín dụng đạt mốc 16,5% trong tháng 4/2022 so với cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ tháng 1/2018. Điều này có thể phản ánh nhu cầu tín dụng cao hơn do người tiêu dùng tăng chi tiêu cho hai kỳ nghỉ lễ dài và các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất. Cân đối ngân sách bội thu 2,9 tỷ USD trong tháng 4 và thu ngân sách tăng tháng thứ 4 liên tiếp.
WB cho rằng Việt Nam cần thận trọng với lạm phát và các rủi ro đối với việc duy trì tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ như hiện nay. Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc, ba đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, được kỳ vọng sẽ tăng trưởng thấp hơn dự kiến trong năm 2022, ảnh hưởng đến viễn cảnh xuất khẩu của Việt Nam.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy