Kỳ 1: Ai đang tham gia 'đường đua' cho vay tài chính tiêu dùng?
09/01/2015 16:03:07
ANTT.VN - Càng gần dịp cuối năm, nhu cầu mua sắm tiêu dùng lại tăng cao kéo theo nhu cầu sử dụng vốn cũng tăng theo. Ngân hàng và các công ty tài chính lại rầm rộ đưa ra các chương trình khuyến mãi , ưu đãi khủng để kích thích nhu cầu sử dụng, mua sắm. Các chương trình đưa ra nhiều đến nỗi khách hàng như bị lạc vào ma trận thông tin mà các tổ chức này đưa ra. Cùng điểm danh “các vận động viên” đang tham gia “đường đua” cho vay tiêu dùng ở Việt Nam.

ngan-hang-cho-vay-tieu-dung

Ngân hàng đã không còn “thờ ơ”

Ngân hàng là các tổ chức tín dụng có quy mô lớn vì thế điều kiện cho vay cũng khá khắt khe. Những năm trước đây, các ngân hàng thường e dè, thận trọng trong cho vay cá nhân đặc biệt là trong cho vay tiêu dùng, vay bất động sản…tuy nhiên trong nhưng năm gần đây, khi mà phân khúc tín dụng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn thì các ngân hàng đã bắt đầu chú ý hơn đến phân khúc khách hàng nhỏ lẻ. Bằng chứng là có rất nhiều ngân hàng tung ra các gói cho vay với lợi ích hấp dẫn như cho vay 80 - 90% giá trị căn nhà, vay không cần tài sản đảm bảo, cho vay với lãi suất ưu đãi….

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) triển khai chương trình cho vay xây sửa nhà với điều kiện cho vay khá hấp dẫn. Theo đó, mức cho vay lên đến 100% giá trị xây sửa cùng với thời hạn cho vay tối đa 20 năm, người tiêu dùng chỉ cần có mức thu nhập từ 5 triệu VND trở lên là hoàn toàn đủ điều kiện để vay. Một chương trình khá hấp dẫn đối với những người có thu nhập thấp có nhu cầu cải tạo, xây sửa nhà cửa.

Một số ngân hàng lớn cũng có những chương trình như vậy tuy nhiên điều kiện cho vay lại khắt khe hơn. Chương trình cho vay xây sửa nhà cửa của Vietcombank  có giá trị khoản vay chỉ 70% giá trị xây sửa, kèm theo thời hạn cho vay chỉ giới hạn ở mức 10 năm đồng thời các điều kiện khác về chứng minh thu nhập cũng khó khăn hơn, bù lại lãi suất cho vay cũng “dễ thở” hơn vì yếu tố rủi ro được giảm xuống.

Tuy nhiên, các ngân hàng cũng còn khá thận trọng trong phân khúc này, đối tượng được vay thường là những tải sản lớn như oto, xây sửa nhà, du học….. mặc dù so với trước đây các điều kiện cho vay đã được nới lỏng song thủ tục còn khá phức tạp, rắc rối khiến cho người tiêu dùng ngại khi vay tại đây. Cũng bởi vì tính rủi ro của cho vay tiêu dùng khá lớn kèm với món vay nhỏ, nên các ngân hàng đặc biệt là các ngân hàng lớn đều chưa mặn mà lắm với cho vay tiêu dùng.

Công ty tài chính có đang lợi dụng “tranh tối, tranh sáng”

Ở một phân khúc mạo hiểm hơn, đó là nhóm khách hàng cá nhân có nhu cầu vay món nhỏ thậm chí rất nhỏ đến mức không cần có tài sản đảm bảo, đó là cho vay tín chấp. Ở phân khúc này, hầu hết các ngân hàng đều không dám mạo hiểm tiếp cận. Một phần vì tính rủi ro của nó hơn nữa hầu hết ngân hàng đều không cảm thấy “bõ công” khi phải lãng phí nguồn lực để đối lấy giá trị không tương xứng. Bên cạnh đó, là các nguyên tắc ràng buộc trong cho vay, khiến các ngân hàng không được phép cho vay ở phân khúc này. Vì thế các công ty tài chính sẽ là lực lượng chính để giải quyết nhu cầu vốn ở thị trường này.

cong-ty-tai-chinh-cho-vay-tieu-dung

Lãi suất cho vay tiêu dùng ở các công ty tài chính đang quá cao - Ảnh minh hoạ

Với  việc phải chịu mức rủi ro cao nên lãi suất của các công ty tài chính này cũng khá cao. Một số công ty tài chính có thể kể tên như Home credit, Prudential Finance, HDfinance hay FE credit….Đặc điểm trong cho vay của các công ty này là điều kiện cho vay dễ dàng, thủ tục đơn giản, không cần tài sản đảm bảo cùng giấy tờ chứng mình thu nhập, tuy nhiên lãi suất cho vay lại rất cao. Các mức lãi suất giao động từ 6 đến 7%/tháng tuỳ từng mặt hàng cho vay, cá biệt có công ty còn có lãi suất cho vay lên đến 8%/tháng. Trả lời trước báo giới, TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa quản trị - Kinh doanh (Trường đại học Ngân hàng TP.HCM) cũng nhận định nếu phải trả mức lãi suất 50-60%/năm đối với tín dụng tiêu dùng, thì quá đắt. Vậy mà với mức lãi suất trung bình của các công ty tài chính khoảng 6 đến 7%/tháng quy theo năm lãi suất lên đến 100 -125%/năm. Một con số quá lớn!

Hầu hết các công ty tài chính đều đưa ra mức lãi suất khoảng 2 đến 3%/tháng nhưng đó đều là mức lãi suất tính theo dư nợ ban đầu. Đó là chưa kể đến lãi suất phạt, phí bảo hiểm. Tại  Prudential Finance và FE Credit, mức phí phạt trả trước được tính là 2%/dư nợ còn lại.

Hiện nay, ngân hàng nhà nước chưa có văn bản quy định cụ thể về hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính này (Dự thảo văn bản này vẫn đang trong quá trình chỉnh sửa, góp ý). Vì thế khi đi vay tại các công ty tài chính, khách hàng cần hết sức thận trọng, đọc kĩ điều khoản cho vay, mức lãi suất cho vay, các điều khoản khác đi kèm để tránh trường hợp bị hớ, hay gặp phải những điều khoản bất lợi trong cho vay.

Một số tổ chức khác

Một số tổ chức khác không phải ngân hàng hay công ty tài chính hay bất cứ loại hình tổ chức tín dụng nào được phép cấp tín dụng nhưng vẫn “lách luật” để hoạt động như một tổ chức tín dụng thực thụ như Công ty TNHH thương mại ACS. Cũng giống như các công ty tài chính trên nhưng loại hình dịch vụ mà công ty này cung cấp không phải là cấp tín dụng mà là cung cấp dịch vụ trả chậm. Phí trả chậm được tính dưới dạng lãi suất cho vay (khoảng 4 – 4.5% giá trị khoản vay). Vì thế, mặc dù hoạt động như một tổ chức tín dụng nhưng ACS không bị chịu sự chi phối, ràng buộc của ngân hàng nhà nước trong quản lý hoạt động tín dụng.

Tuy hình thức có khác nhau, nhưng về bản chất đây vẫn là dịch vụ cho vay tín chấp tiêu dùng giống như các công ty tài chính, cho nên khách hàng cần đọc, cân nhắc kĩ lưỡng trước khi tham gia để tránh những hậu quả đáng tiếc. 

N.M

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến