Dòng sự kiện:
Kỳ 4: Trao trả tù binh Phi công Mỹ
26/12/2014 14:00:05
ANTT.VN – Có chuyện không phải ai cũng biết rằng trước khi được trao trả về nước, một số tù binh Phi công Mỹ đã viết đơn xin được tình nguyện ở lại Việt Nam.

Tin liên quan

Ăn mặc tươm tất

Đại tá Nguyễn Đình Tiếp (số nhà 87, ngõ 343, đường Lạc Long Quân, Hà Nội), nguyên Trưởng phòng Sản xuất công nghiệp Cục quân nhu – đơn vị được giao bảo đảm trang bị cho tù binh ngày đó, kể lại: “Chúng tôi được lệnh của trên là phải chuẩn bị một số trang bị đặc biệt (quần áo, túi xách, giày) để sao cho khi tù binh được trao trả phải được ăn mặc tươm tất, lịch sự thể hiện rõ chính sách nhân đạo của nhà nước Việt Nam.

tù-binh-phi-công-mỹ-được-trao-trả-về-nước

Tù binh phi công Mỹ tại nhà tù Hỏa Lò trước khi được trao trả về nước (năm 1973) (Nguồn: Internet)

Để thực hiện nhiệm vụ trên, nhóm kỹ sư của đơn vị đã phải bàn bạc và cân nhắc mất cả tuần, rồi họ đưa ra phương án: Về loại vải may quần áo cho tù binh Mỹ ở trại Hỏa Lò, đề nghị chọn loại vải kaki của Liên Xô. Màu vải phải khác với đồng phục của quân đội và công an, quần sẫm hơn áo. Về mẫu áo cũng phải tính toán kĩ, cuối cùng anh em đã chọn phương án may áo budong, có khóa kéo.

Có ý kiến đề nghị không may ba lô như cấp trên gợi ý lúc đầu, mà thay bằng túi xách du lịch không lớn quá, cũng không nhỏ quá.

Về dày dép, lúc đầu anh em đề nghị mua sẵn dép nhựa cớ lớn, vì lo không đo được cỡ chân của tù binh. Nhưng sau thấy đi dép không trang trọng, nên lại đổi phương án đi giày đen.

Riêng về may đo quần áo, trực tiếp đồng chí Phó giám đốc X20 ngày đó đã phải vào trại Hỏa Lò, bí mật đo quần áo cho “khách hàng” bằng cách ngồi một chỗ kín đáo, rồi ước lượng bằng cách so sánh chiều cao của mỗi tù binh trên bậc cửa ra vào để lấy kích cỡ quần áo cho họ.

Những cố gắng của các cán bộ chiến sĩ X20 đã được đền đáp xứng đáng. Hôm các tù binh thay trang phục cấp phát mới để dự lễ bàn giao về nước, tất cả những người chứng kiến, trong đó có nhiều nhà báo quốc tế đều công nhận là họ được ăn mặc trang trọng và lịch sự tới mức…không ai nghĩ đó là tù binh, mà giống như những người đến Việt Nam du lịch trở về nước.

Tình nguyện ở lại Việt Nam

Khi biết tin sắp được trao trả về nước, một số tù binh đã viết đơn xin được tình nguyện…ở lại Việt Nam. Ban chỉ huy trại không biết xử trí ra sao, đành phải báo cáo xin ý kiến cấp trên.
Không chấp thuận điều đó, cựu Trại trưởng tù binh Hỏa Lò Trần Trọng Duyệt đành phải gọi những người đã viết đơn xin ở lại Việt Nam lên phân tích, thuyết phục để họ trở về nước đoàn tụ cùng gia đình.

Trước hôm tiến hành lễ trao trả tù binh, chỉ huy trại đã tiến hành tổ chức một bữa cơm Việt Nam, đồng thời cho mua một số nón bài thơ và điếu cày…(những thứ mà tù binh Mỹ rất thích) để tặng họ mang về nước làm kỷ niệm.

Những ngày đầu tháng 4 năm 2010, Đại tá Trần Trọng Duyệt cho biết: “Trước ngày ta tổ chức tiến hành trao trả các tù binh cho phía Mỹ, công việc đã được chuẩn bị rất kỹ càng, tưởng chừng như chu đáo đến từng chi tiết nhỏ, nhưng cấp trên vẫn lưu ý: thử giả thiết, nếu trong quá trình trao trả, tù binh Mỹ có hành động phản đối, cởi hết quân trang quần áo (như anh em tù binh của ta đã làm ở miền Nam khi được trao trả ngày đó) vứt lại, hoặc những hành động tương tự mà chúng ta không lường hết và không kiểm soát được, trước sự chứng kiến của giới báo chí quốc tế thì sẽ ra sao?

Sau nhiều đêm suy nghĩ, Trại trưởng Trần Trọng Duyệt đã nghĩ ra một “độc chiêu” rất có tác dụng: Trước khi đưa các tù binh sang sân bay Gia Lâm bàn giao cho phía Mỹ, ông cho tập hợp họ lại để nói chuyện. Sau khi nhắc lại ngắn gọn tinh thần của Hiệp định Paris về việc trao trả tù binh chiến tranh, ông Duyệt đã nói chuyện rất tình cảm và hỏi: “Hôm nay, ai trong các anh muốn được về với gia đình, vợ con, cha mẹ và người thân?”.

Dĩ nhiên, chẳng có tù binh nào không đồng ý. Đại tá Trần Trọng Duyệt lại bảo: “Có về Mỹ được hay không là tùy thuộc hoàn toàn vào thái độ và hành động của các anh. Tôi xin lưu ý, các anh cần phải trật tự, giữ nguyên đọi hình thẳng tiến lên xe và ra máy bay”. Chỉ cần một người trong số các anh có hành động khác thường, là ngay lập tức, chúng tôi sẽ cho đình chỉ cuộc trao trả và đưa tất cả trở lại phòng giam”.

Sau các tù binh đã nhắc nhở nhau tự giác chấp hành kỷ luật và quy định.

Đại tá Trần Trọng Duyệt còn nhớ như in kỉ niệm với một tù binh Mỹ có tên là Alfonso Riate. Ngày đó, anh em quản giáo thường gọi tắt tên người này là “Te”. Anh này bị bắt giam ở chiến trường Quảng Trị. “Te” từng làm cố vấn cho một tỉnh trưởng của chính quyền Sài Gòn cũ. Biết ông trại trưởng tù binh mang họ Trần, nên anh ta tự nhận mình có họ tên là “Trần Văn Te”.

Được tin mình sắp được trao trả về Mỹ , “Trần Văn Te” đã viết cho ông Duyệt một lá thư khá dài.

An ninh Tiền tệ và Truyền thông (ANTT.VN) xin được trích đăng một đoạn trong lá thư đó như sau:

“…Lần đầu tiên tôi đến đất nước Việt Nam của ông là ngày 28 tháng 10 năm 1966. Tôi hoàn toàn không hiểu gì về xứ sở này, chỉ biết rằng ở Việt Nam đang có chiến tranh và tôi đến đây với tư cách là một người lính theo lệnh cấp trên.

Tôi bị bắt ngày 25 tháng 4 năm 1967. Và cho đến hôm nay, tôi có may mắn được hiểu biết về đất nước và nhân dân Việt Nam, về cuộc chiến tranh xâm lược mà Chính phủ Mỹ  đang tiến hành… Tôi đã nói với chính bản thân mình rằng: Cuộc sống của tôi ở Việt Nam hiện nay mặc dù chỉ là một tù binh nhưng nó thật có nghĩa.

Từ tận nơi sâu kín của lòng mình, tôi cảm thấy buồn vì sắp phải từ biệt ông và những người đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong 6 năm trời ở đây. Tôi sẽ không còn những người hiểu biết và đáng yêu bên cạnh mình nữa.

Tôi hiểu rằng, nỗi lòng tôi có một mong muốn sau khi trở về nước, nếu có điều kiện nhất định tôi sẽ trở lại thăm Việt Nam. Tôi sẽ không bao giờ quên ông – người trại trưởng của tôi. Bởi ông mang bóng dáng của nhân dân Việt Nam, người trực tiếp điều hành việc thực hiện chính sách nhân đạo của Chính phủ Việt Nam đối với tù binh. Trong tương lai, tôi có ý định làm cho nhân dân Mỹ hiểu biết về Việt Nam hơn. Hãy giữ gìn sức khỏe ông nhé. Với tất cả sự kính trọng và lòng biết ơn nhất.

Ký tên: Trần Văn Te”.

Hoàng Hà  (lược trích theo tác phẩm "Phi công Mỹ ở Việt Nam" của nhà văn Đặng Vương Hưng).

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến