Dòng sự kiện:
Kỳ lân mất trắng 90% giá trị, ông chủ tháo chạy, lộ diện tay to bỏ 800 tỷ giải cứu
13/07/2022 10:15:20
Sau hàng loạt biến cố khiến cổ phiếu YEG mất hơn 90% giá trị kể từ khi lên sàn, mới đây, sự xuất hiện của nhóm cổ đông lớn giúp YEG tái cấu trúc hoạt động kinh doanh.

Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Hợp Lực (UniCap) vừa đăng ký mua 26,7 triệu cổ phiếu YEG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Yeah1. Được biết, trước đó vào tháng 5, Công ty Cổ phần Chứng khoán Thành Công (TCI) đã hoàn tất thâu tóm UniCap.

Cùng với đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn cũng đăng ký mua vào 25,1 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ của YEG. Không những vậy, tại đại hội gần đây nhất của YEG, ông Trần Hoài Nam - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Thái Tuấn Group - chính thức trúng cử vào HĐQT.

Theo YEG, ông Trần Hoài Nam được xem là yếu tố quan trọng để Yeah1 đẩy mạnh mảng thương mại bán lẻ.

Ngoài ra, Công ty Cổ phần Công nghệ Tài chính Encapital (Encapital) và Công ty Cổ phần Encapital Holdings (Encapital Holdings) sẽ mua tổng cộng 26,7 triệu cổ phiếu YEG.

Tương tự Thái Tuấn, nhóm Encapital đã có người trong HĐQT YEG, cụ thể là ông Nguyễn Hoài Giang - đại diện theo pháp luật của Encapital Holdings, kiêm CEO Encapital.

Dự kiến, số tiền thu về từ nhóm các nhà đầu tư trên, YEG sẽ dùng 469 tỷ đồng để bổ sung vốn thực hiện mở rộng hoạt động đầu tư mảng truyền thông số (Digital media), nền tảng công nghệ truyền thông (Tech-media), công nghệ tài chính (Fintech) và các lĩnh vực liên quan khác; 197,8 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng công ty; 36,4 tỷ đồng để thanh toán các khoản nợ vay ngắn hạn, dài hạn, nợ nhà cung cấp và vốn lưu động khác; số còn lại sẽ được sử dụng để đầu tư và bổ sung vốn lưu động.

Yeah1 là doanh nghiệp truyền thông đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam, được cho là “kỳ lân” startup khi tạo được tiếng vang, với mức giá chào sàn phiên đầu tiên ngày 26/6/2018 với giá 250.000 đồng/cp, lập kỷ lục trên thị trường chứng khoán thời điểm đó.

Tuy nhiên, sự cố vào tháng đầu tháng 3/2019, YouTube thông báo chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung với đơn vị liên quan, từ đó, hoạt động kinh doanh và giá cổ phiếu của YEG lao dốc.

Câu chuyện bắt đầu từ tháng 1/2019, Tập đoàn Yeah1 đã thực hiện thương vụ thâu tóm mạng lưới kênh YouTube lớn nhất nước Mỹ, ScaleLab. Ngoài ra, Yeah1 mua lại toàn bộ cổ phần sở hữu từ cổ đông của Công ty ScaleLab LLC (trụ sở tại Hollywood, Mỹ). Kể từ ngày ký hợp đồng mua cổ phần hoàn tất, ScaleLab LLC sẽ trở thành công ty con gián tiếp của Yeah1.

Tuy nhiên, Công ty ScaleLab LLC gặp một cú sốc khi bị YouTube chấm dứt hoạt động vì đã vi phạm luật chơi. Cuối cùng, ông Nhượng Tống đã phải bán vội kênh YouTube lớn nhất nước Mỹ ScaleLab chỉ hơn 1 tháng sau khi mua.

Thông báo chấm dứt hợp tác của YouTube với Công ty ScaleLab LLC như một đòn giáng chí mạng vào con đường đang lên của YEG.

Sau hàng loạt chuỗi lùm xùm rắc rối liên quan đến YouTube, cổ phiếu YEG ghi nhận nhiều chuỗi phiên giảm sàn, đặc biệt chuỗi 11 phiên từ 5-18/3/2019, cổ phiếu YEG rơi một mạch từ 245.000 đồng/cp xuống còn 110.500 đồng/cp, giảm 55% giá trị, tương ứng với 4.200 tỷ đồng vốn hóa đã bốc hơi.

Nếu tính từ đầu năm 2019 đến cuối tháng 8/2019, YEG mất hơn 3/4 giá trị, từ vùng giá 235.000 đồng/cp xuống 50.700 đồng/cp. Hiện trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu YEG rơi về vùng đáy khi chốt phiên ngày 12/7 ở mức 25.000 đồng/cp

Năm 2020 Yeah1 tái tập trung, trong đó YEG cắt giảm các kênh truyền hình; cụ thể là hai kênh không hiệu quả Yeah1 Family và iMove từ cuối tháng 3/2020, qua đó sẽ tiết kiệm được 1,4 triệu USD mỗi năm. Tuy nhiên, mọi nỗ lực cơ cấu của YEG không đem lại hiệu quả

Không những vậy, các cổ đông lớn của YEG đồng loạt tháo chạy khi ông Nhượng Tống, chủ tịch sáng lập YEG, bán 4 triệu cổ phiếu cuối cùng, chính thức không còn liên quan đến YEG.

Tác giả: Ngọc Cương

Theo: Vietnamnet
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến